Hầu hết, các nhà tuyển dụng thường lựa chọn những ứng viên đáp ứng đủ yêu cầu họ đưa ra để vào vòng thi tuyển. Họ được đánh giá là những ứng viên tiềm năng trong mắt nhà tuyển dụng.
Tuy nhiên, đôi khi chỉ những sai sót tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại hết sức phổ biến cũng đủ khiến bạn đánh mất cơ hội trong tầm tay.
Sau đây là những sai lầm nên tránh, để không bị nhà tuyển dụng đánh giá thiếu chuyên nghiệp:
– Địa chỉ email “trẻ con”, không mang tính công việc
Nhiều ứng viên thích tạo những email cá nhân theo nick-name kiểu như: [email protected], hay [email protected], … và khi gửi hồ sơ cho nhà tuyển dụng, họ cũng gửi từ địa chỉ này. Có thể, bạn nghĩ rằng, địa chỉ đó chỉ toát lên sự thông minh, nhí nhảnh đáng yêu của bạn, cho mọi người dễ nhớ đến bạn.
Tuy nhiên, đó lại là một sai lầm “chết người” khi nhà tuyển dụng nhìn đến hồ sơ của bạn. Email đó khiến người ta đánh giá bạn thiếu chuyên nghiệp trong công việc, bởi những email đó chỉ nên dùng vào công việc cá nhân mà thôi. Họ sẽ lo ngại khi bạn về đầu quân cho công ty mà vẫn dùng những email trẻ con đó khi làm việc với khách hàng, đối tác và bạn dễ bị đánh trượt khỏi cuộc chơi.
– Để lại một lời nhắn tự động ngớ ngẩn trên điện thoại
“Hoặc là đi uống bia, hoặc đi học… nên không trả lời điện thoại. Có gì hãy để lại tin nhắn”. Một lời nhắn tự động như vậy khi nhà tuyển dụng gọi đến sẽ khiến họ hết muốn phỏng vấn bạn. Nhiều nhà tuyển dụng đồng ý rằng, họ rất dị ứng với những ứng viên để lại lời nhắn ngớ ngẩn như vậy và tốt nhất là nên gạt người này ra khỏi danh sách dự định ban đầu.
– Không soát lỗi chính tả trong CV và thư xin việc
Nhiều ứng viên chủ quan sẽ không mắc lỗi chính tả, đánh máy trong hồ sơ, mà nếu có vài lỗi cũng không vấn đề gì bởi ai chẳng có lúc mắc sai lầm, kể cả nhà tuyển dụng cũng vậy. Hơn nữa, vài lỗi chính tả chỉ là chuyện nhỏ, không có gì phải quan trọng hóa. Nhà tuyển dụng sẽ không chú ý đến điều đó.
Thực tế, đó là cách nghĩ sai lầm. Tất nhiên, ai cũng có lúc mắc sai lầm, thậm chí là nhà tuyển dụng nhưng những sai lầm nhỏ trong CV hay thư xin việc là điều không thể chấp nhận được. Điều đó chứng tỏ sự cẩu thả, thiếu tôn trọng nhà tuyển dụng của ứng viên và lo lắng của nhà tuyển dụng là hoàn toàn có lý “ai biết ứng viên này có mắc sai lầm trong các báo cáo tài chính của công ty hay những bản thảo công việc quan trọng. Tốt nhất là chọn ứng viên khác vì chúng tôi cần những người cẩn thận, chu đáo”.
– Không tìm hiểu kỹ về công ty
Có thể, bạn nghĩ rằng, nhà tuyển dụng đã tường tận về mọi việc của công ty, chẳng việc gì phải hỏi bạn nữa. Thế nhưng, đây cũng là những nội dung cơ bản nhà tuyển dụng sẽ hỏi trong khi phỏng vấn và nếu không tìm hiểu, bạn sẽ chẳng biết trả lời thế nào.
Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn chẳng biết gì về công ty, cũng không nỗ lực tìm hiểu về công ty. Điều đó chứng tỏ bạn không thực sự quan tâm đến công ty cũng như không thực sự yêu thích vị trí công việc họ đang tuyển và sai lầm này hoàn toàn bất lợi cho bạn bởi nhà tuyển dụng bao giờ cũng thích có những ứng viên thực sự quan tâm đến công việc, yêu thích công việc của họ. Họ sẽ bỏ qua bạn ngay lập tức.
– Không gửi thư cảm ơn sau khi phỏng vấn
Sai lầm này khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn thiếu kỹ năng ứng và phép lịch sự tối thiểu hoặc ít nhất là bạn không mấy quan tâm đến vị trí ứng tuyển. Điều đó khiến nhà tuyển dụng mất thiện cảm với bạn và so với những ứng viên gửi thư cảm ơn sau buổi phỏng vấn, rõ ràng, bạn đã bị mất điểm đáng kể.
Theo Zing