Kinh doanh trên internet – nghề mới của dân công sở

Không bằng lòng với đồng lương công chức, dù cho đang làm việc ở một liên doanh nước ngoài, chị Phương (Từ Liêm, Hà Nội) vẫn quyết định “tay trái, tay phải” làm thêm.
Sẵn yêu cầu của công việc là thường xuyên phải tiếp xúc với máy tính, chị Phương chọn ngay giải pháp kinh doanh qua mạng. Cùng với một người bạn thân, chị đã mở một “shop” thời trang trực tuyến và điều hành công việc mua – bán ngay tại văn phòng.
“Tôi và 2 cô bạn chuyên kinh doanh quần áo trẻ em, chỉ cần chụp hình một số mẫu, giới thiệu tới các mẹ, nếu mẹ nào ưng mẫu nào thì đặt hàng, chúng tôi mới lấy về. Làm như thế này khỏi sợ lỗ, lại chẳng mất tiền thuê địa điểm. Công việc cũng khá nhàn, chỉ giới thiệu cho khách các thông tin về sản phẩm thôi,” chị cho hay.
Thời gian đầu hàng bán khá chậm, vì khách chưa quen và cũng không tin tưởng lắm vào các cửa hàng trên mạng. Nhận thấy hình ảnh trên mạng cho khách xem là rất quan trọng, nên chị Phương đã dành hẳn 2 tháng lương để đầu tư chiếc máy ảnh xịn và tham gia vào diễn đàn xomnhiepanh để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm ngay từ khâu hình ảnh.
Với khách có nhu cầu lấy đồ trong ngày, chị thường xác nhận rõ kích cỡ, màu sắc, mẫu hàng rồi mang tới công ty. Sau vài tin nhắn hoặc cuộc gọi liên lạc địa điểm, khách sẽ tới tận nơi lấy hoặc sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để nhận đồ.
Có những ngày lãi được vài trăm nghìn, mà chẳng tốn bao công sức, nên chị Phương cho biết, sắp tới ngoài việc bán hàng quần áo trẻ em, chị sẽ tận dụng lợi thế khách quen để bán quần áo công sở cho các chị em. “Mình cũng đi làm công sở, mình thấy mặc như thế nào thì phù hợp với thị hiếu của chị em văn phòng thì lấy những bộ đồ như thế. Đôi khi, kinh doanh thế này cũng có nhiều thú vui đấy.”
Những “công chức” tay ngang buôn bán thường có một ưu thế: tận dụng nguồn khác hàng “tại chỗ” vô cùng dồi dào. Chị Lan (Khương Đình, Hà Nội) đã nhanh tay đưa đường link bán hàng của mình lên diễn đàn của công ty và status của Yahoo Messenger, kêu gọi các đồng nghiệp ủng hộ.
Thời gian đầu, khi việc kinh doanh trên mạng chưa được đông khách lắm thì khách hàng chủ yếu của Lan là các đồng nghiệp trong công ty. Công ty hơn 100 nhân viên, người nào cũng túm lại xem, thử đồ, được cái ai cũng thích thử vì được nhiều người nhận xét có đẹp hay không để quyết định lựa chọn. Khách trong chính công ty lại truyền cho bạn bè công ty khác, thế là lượng khách “tại chỗ” của Lan giúp cô kiếm mỗi ngày hàng trăm nghìn lãi.
Cứ có đợt hàng nào mới về là Lan lại khệ nệ xách một bao tải to lên công ty. Các anh chị em đồng nghiệp luôn được “ưu tiên” chọn. Một thông báo ngắn gọn trên Status của YM hoặc Facebook đủ để kéo các tín đồ shopping rầm rập đổ về góc bàn của chị Lan. Nào thì quần áo, túi xách, vải vóc… đủ cả.
Treo đường link ảnh được post lên mạng, ai có nhu cầu với món nào thì cứ đặt hàng để chủ shop hôm sau mang tới tận công ty, chẳng phải xách xe đi đâu. Người mua, kẻ bán xem ra đều rất hỉ hả.

Cũng có nghề tay trái là buôn bán qua mạng, tuy nhiên thời gian vừa qua chị Hằng (Linh Đàm, Hà Nội) lại gặp rắc rối và thua lỗ vì mấy chục hộp sữa Nhật không ai mua. Chị có người thân thường xuyên đi công tác ở Nhật, tiện mua sữa, thực phẩm cho con ăn, chị gửi mua nhiều một chút và bán lại cho các chị em. “Tuy nhiên, dịp vừa rồi mọi người lo ngại sữa nhiễm xạ nên hiếm người mua. Mình thì dở khóc dở cười với hàng chục hộp sữa, không biết nên làm gì.”
Là kế toán của một công ty chuyên sản xuất than tại đường Tam Trinh, công việc cũng không có gì vất vả, thường xuyên có thời gian rảnh nên chị Hằng muốn làm thêm một nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập. “Sau thời gian nghỉ sinh, có con nhỏ, tôi thường xuyên tìm hiểu về các loại sữa, và hiểu tâm lý của các mẹ nên quyết định bán hàng sữa qua mạng. Công việc thời gian đầu cũng kiếm lãi khá lắm,” chị cho biết.
Kinh doanh qua mạng là nghề tay trái hấp dẫn với dân công sở, đặc biệt là các chị em văn phòng. Không tốn thời gian, không mất tiền thuê địa điểm, chỉ hưởng lãi là những ưu điểm khiến dân công sở ngày càng chuộng kiếm tiền qua internet.
Tuy nhiên, để bán được hàng với số lượng lớn, nhiều chủ shop trên mạng cũng không ngần ngại dở những “chiêu thức” đánh lừa người mua, và khi chủ hàng đã mang hàng đến, thì phần nhiều vì nể, nhiều người bắt buộc phải mua.
Linh Nga (Hoàng Mai, Hà Nội) là một ví dụ. Cô đặt mua hàng online vì thấy mẫu váy khá đẹp, bạn mẫu mặc vào rất xinh và được chủ hàng cam đoan 100% vải xịn. Mừng quýnh vì mua được chiếc váy đẹp với giá rẻ, Nga vội giao tiền mà quên chưa kiểm tra hàng. Lúc về mang ra thử lại thì chiếc váy đã cũ, vải xấu, một số đường may còn bị lỗi. Cô ấm ức nói: “cũng tại mình không xem kỹ, vì tin tưởng người bán hàng, hơn nữa nhìn ảnh trên facebook rất đẹp nên mình quyết định mua luôn. Ai ngờ chị đó lại lừa mình, chắc hàng tồn đem đi thanh lý, gặp được những khách hàng “nai tơ” như mình hẳn họ sung sướng lắm.”
Đa phần dân kinh doanh qua mạng thường coi trọng “hình ảnh để đánh lừa thị giác”, đặc biệt là các sản phẩm thời trang. “Chỉ cần hình đẹp, mình nói thêm là chất liệu đó tốt, thì ai biết đấy là đâu. Đến lúc hàng mang đến tận nơi, người ta cũng ngại, chẳng mấy ai nỡ trả lại. Lúc đó nói khéo chút là họ đồng ý ngay,” chị Phương cho biết.
Cũng là một nạn nhân của những chiêu bán hàng qua mạng, chị Hoài (Đại Từ, Hà Nội) vẫn bức xúc vì mua phải chiếc máy hút mũi “dởm” cho con. “Con tôi thường xuyên bị sổ mũi, nên tôi muốn đặt mua chiếc máy hút mũi cho bé. Tôi xem trên mạng và rất thích chiếc máy hút có nhạc phát ra, bé sẽ rất thích nên đặt mua luôn. Chị bán hàng mang tới cơ quan, tôi chỉ xem qua chiếc máy đó có lành lặn hay không, có thiếu thiết bị gì không chứ chưa kịp thử máy chạy như thế nào. Về đến nhà đem ra dùng, thì máy vẫn chạy bình thường, có phát nhạc, duy chỉ có chức năng chính là hút mũi thì không chạy được. Bức xúc mà chẳng biết nên nói thế nào, vì gọi điện hoặc chát chị chủ hàng cũng không nghe máy.”
Vì thế, người mua hàng nên hết sức cẩn trọng khi chọn mua các sản phẩm trên mạng. Cần phải xem sản phẩm trước khi giao tiền cho chủ hàng, và phải có thỏa thuận rõ ràng về việc đổi, trả lại sản phẩm. Tránh mua phải những sản phẩm không đạt chất lượng, không ưng ý.

Theo Afamily