Marketing Phát triển thương hiệu bằng “vũ khí” YouTube

Phát triển thương hiệu bằng “vũ khí” YouTube

20
Có một thực tế không thể phủ nhận: Nhiều người khắp thế giới hiện đang sử dụng hàng giờ mỗi ngày lang thang trên YouTube. Do vậy, đây quả là môi trường tuyệt vời để nâng cao hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp bạn.
Cùng với Facebook và Google, YouTube là một trong những trang mạng được ghé thăm nhiều nhất trên Internet. YouTube đã công bố rằng website của họ hiện có tới hơn 4 tỷ lượt xem video hàng ngày và thu hút hơn 800 triệu người truy cập mỗi tháng.
Nếu bạn tận dụng trang mạng này đúng cách, bạn và doanh nghiệp của mình có thể thu hút được một lượng người hâm mộ khổng lồ. Một khi đã gây dựng được sự chú ý của mọi người đối với thương hiệu, bạn có thể sử dụng YouTube để giữ liên lạc với người xem cũng như cập nhật cho họ thường xuyên về định hướng sản phẩm cũng như hướng đi trong tương lai của công ty.

Không nhất thiết phải “phủ sóng” 100%
Một số công ty nhỏ thành công nhất trên YouTube chưa bao giờ cầu toàn trong việc thu hút sự chú ý của tất cả mọi người truy cập. Baljeet Singh, nhân viên phụ trách quản lý nhóm sản phẩm trên YouTube đã chỉ ra rằng “Điều này thoạt nghe có vẻ vô lý nhưng lý do đơn giản nằm ở nguyên tắc cơ bản của marketing – thấu hiểu người nghe”. Bạn không cần tiếp cận tất cả các cá nhân. Bạn chỉ cần đến với đúng người mà thôi.
Singh đưa ra một ví dụ: “Vào các buổi chiều, khi các cửa hàng đồ chơi bắt đầu đóng cửa, hãng Rokenbok Toys mới bắt đầu sử dụng YouTube để đến với từng gia đình. Hiện nay, một nửa những người biết tới Rokenbok Toys chính là qua con đường YouTube. Những video của họ, không nhất thiết phải phủ sóng tới tất cả người dùng trên YouTube, nhưng vẫn giúp doanh nghiệp tăng cường hình ảnh một cách mạnh mẽ.

Giúp mọi người giải trí
Chuyên mục quảng cáo trên kênh YouTube của bạn sẽ là một công cụ đắc lực. Singh nói: “Lấy ví dụ như những video quảng cáo của TrueView luôn nằm trong top đầu trang khi mọi người gõ những từ khoá có liên quan. Công ty này còn luôn hiển thị một list các video có mối liên hệ với nhau trước khi người xem click chọn 1 video cụ thể. “Tuy nhiên bạn cũng đừng để các video của mình đơn thuần chỉ là quảng cáo cho sản phẩm. Hãy xây dựng những bộ sưu tập video mang tính giải trí cao, điều này sẽ hàm ý với người xem rằng: thương hiệu của bạn thật tuyệt vời và “dễ mến”.

Mang tính chất giáo dục
Một lý do khác để mọi người tham gia YouTube đó chính là để học hỏi thêm những thứ đơn giản. Những thứ này có thể là những video các buổi tranh luận lịch sử hay triết học, hoặc các video hướng dẫn thắt cavat hay sửa đồ gia dụng. Nếu bạn tạo nên những video mang tính giáo dục hay hướng dẫn, có liên quan trực tiếp đến thương hiệu hay sản phẩm của bạn, điều đó sẽ mang lại tác dụng tuyệt vời.
Ceilume là một doanh nghiệp chuyên bán gạch đá trang trí. Các kênh video của họ đã “dạy” khách hàng cách phân biệt các loại đá lát khác nhau. Những video hướng dẫn cách lau dọn ga-ra hay sửa toilet lại hấp dẫn khách hàng đến với chuyên mục chuyên về chăm sóc nhà cửa The Homeowner Series của hãng New City Studios. Nếu thực hiện tốt việc tạo dựng video theo tiêu chí này thì kết quả là bạn sẽ làm tăng hiệu quả mối tương tác giữa doanh nghiệp với khách hàng tiềm năng, từ đó càng thu hút hơn nhiều người đến với công ty.

Tham gia vào cộng đồng
YouTube vốn là một cộng đồng trực tuyến, do vậy, bạn nên tham gia vào cộng đồng này tốt nhất có thể. Hãy dành thời gian để cảm ơn những người gửi những ý kiến đóng góp cho video của bạn và thậm chí hãy xem qua các dự án của họ. Những người xem tiềm năng đến với bạn bao gồm những các nhân đơn thuần dùng YouTube để giải trí bằng video, nhưng cũng có thể gồm cả những người có mục đích kinh doanh tương tự. Nếu chúng ta hỗ trợ họ, họ sẽ có thể sẽ trợ giúp lại chúng ta.

Khuyến khích tạo dựng thêm nội dung
Nếu khích lệ những người xem tự tạo những nội dung riêng về thương hiệu của bạn, theo sở thích và suy nghĩ của cá nhân họ, bạn sẽ khiến mọi người cảm thấy gắn kết với sản phẩm hơn. Những ý tưởng của họ có thể đưa thương hiệu của bạn tới những chân trời mà bạn chưa từng tưởng tượng trước đây. GoPro, một công ty chuyên về máy quay phim công nghệ HD trong một thời gian ngắn đã thu hút được tới 100 triệu lượt xem trên YouTube.
Suzanne Watson, Phó tổng giám đốc phụ trách Sales và Marketing của GoPro giải thích “Những nội dung ban đầu trong video của GoPro đơn thuần lấy hình ảnh từ những môn thể thao mạnh mẽ như trượt tuyết hay lướt sóng. Khi người dùng sử dụng GoPro và chia sẻ niềm đam mê của họ trên mạng bằng những thước phim họ quay, kênh YouTube của chúng tôi đã có những nội dung phong phú trải dài từ những chuyến bay trên không đến những robot đồ chơi trong vũ trụ. Điều này đã mở rộng cộng đồng người xem cũng như người hâm mộ, vượt xa với việc chỉ bám chặt vào các khung hình thể thao trước đây.”

Hướng người xem tới trang web
Bạn chắc không hề muốn những người xem kênh YouTube của mình cảm thấy lạc lối sau khi tận hưởng xong đoạn video. Hãy cho họ chỉ dẫn. Hãy để họ biết cách vào trang web chính của công ty bạn thế nào bằng việc đưa những đường link vào video cũng như phần giới thiệu clip. Nhưng lưu ý rằng khách hàng tiềm năng thường có xu huớng nghi ngờ đối với những động thái hay chiến lược marketing quá đà. Do vậy hãy làm điều này một cách thật tự nhiên để cho người xem hiểu rằng: Chỉ khi họ thực sự muốn tìm hiểu thêm thông tin, hãy vào website chính !

Kết nối thương hiệu với cảm xúc người xem

Mọi người thường lên YouTube thường để tìm những nội dung họ ưa thích. Một cách hữu hiệu để đến với họ chính là kết nối sản phẩm với sở thích của người xem.

Paul Eichen, người sáng lập ra Rokenbok nói rằng: “YouTube cho phép chúng tôi tập trung vào những người thích thú với thể loại các sản phẩm mà chúng tôi kinh doanh. Chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều người chỉ ưa thích xem những video có chủ đề về các loại máy móc như tàu hoả, xe ủi đất, ô tô tải, v..v….và sau đó, chúng tôi hướng họ đến với clip của Rokenbok.

“Hãy chọn lựa các từ khoá tìm kiếm thật cẩn thận nhằm tạo nên những mối liên quan mật thiết giữa thói quen của người xem với sản phẩm của bạn, đó chính là ‘chìa khoá vàng’ giúp thương hiệu của doanh nghiệp lan toả rộng rãi ra công chúng.”

Theo Thái Dương