Với giá cao hơn hàng cùng loại của Việt Nam, nhiều sản phẩm nhập ngoại vẫn đều đặn về Việt Nam và được người người chọn lựa mua sắm. Không phải ai cũng mua vì sính ngoại. Người ta chuộng hàng ngoại nhập vì quy trình lao động nghiêm ngặt, đảm bảo sản phẩm luôn hoàn hảo, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của những người mà thu nhập đang mỗi ngày một tăng.
Không làm được hàng hiệu đã đành, vì không hội đủ những yếu tố cần thiết như truyền thống, lịch sử hay công nghệ cao, ngay cả những mặt hàng chưa đến mức hàng hiệu, sản phẩm Việt Nam vẫn thua ngay trên sân nhà. Chuyện này xảy ra với cả những lĩnh vực sở trường của người Việt như dệt may, giày da hay túi xách. Tại sao có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất túi xách lớn nhỏ khắp đất nước mà nhiều người vẫn khao khát những chiếc túi xách ngoại nhập?
“Tôi thích dùng túi xách ngoại vì thiết kế đẹp, chất liệu tốt. Từng đường kim mũi chỉ sắc sảo. Không bao giờ có chuyện đường may bị lệch hay sợi chỉ thừa lộ ra như vẫn thường thấy trên sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất”, Đào Anh Phương, 30 tuổi, làm việc tại TP.HCM, cho biết.
Những điều Phương nói, phải chăng người Việt Nam không làm được? Đường kim mũi chỉ hoàn toàn có thể chỉnh chu; người này không làm được thì tuyển người khác, lần này không đạt thì lần khác. Nhân công ở Việt Nam không thiếu để có thể tuyển được những người như vậy.
Khi được hỏi vì sao Việt Nam chưa phát triển hàng cao cấp được, một số doanh nghiệp cho rằng do thuê mặt bằng đòi hỏi rất nhiều tiền. Hàng cao cấp chỉ thích hợp ở những địa điểm kinh doanh thật bắt mắt và sang trọng. Một lý do cũng thường được đưa ra là ngành thiết kế, sáng tạo mẫu mã công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn yếu, chưa thể tạo ra những tuyệt tác nghệ thuật. Một số khác cho rằng đã là hàng cao cấp thì phải tài trợ, quảng cáo tại những sự kiện lớn về thời trang, thể thao, như giải quần vợt hoặc buổi trình diễn thời trang lớn.
Nhưng có lẽ, đó chưa phải là nguyên nhân lớn nhất. Chúng ta không làm được hàng cao cấp không hẳn vì không có điều kiện. Điều quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam không chú trọng đến những chi tiết nhỏ trong sản phẩm của mình. Những chiếc áo cao cấp nhất của các hãng may lớn tại Việt Nam vẫn còn những đường chỉ không đều nhau, thậm chí chỉ thừa trên khuy áo.
Một điều quan trọng nữa là tư duy về hàng cao cấp của người Việt vẫn còn khá dễ dãi. Thường các doanh nghiệp chỉ phấn đấu làm sao đạt tiêu chuẩn ISO hay chuẩn này, chuẩn kia và cố làm cho xong điều đó. Dù đã có không ít doanh nghiệp may mặc chọn hướng làm hàng cao cấp, tư duy vẫn không mấy thay đổi so với làm hàng bình dân. Hàng hỏng nếu còn gá ghép được thì vẫn dùng, không làm giày to thì để lại làm giày nhỏ. Tại những doanh nghiệp may xuất khẩu lớn của Hà Nội như Hanosimex, khi có quần áo lỗi, không đủ tiêu chuẩn xuất ra nước ngoài thì lại thấy bán ở các cửa hàng Việt Nam. Điều này vô hình trung đã làm giảm giá trị thương hiệu trong mắt người tiêu dùng.
Trong khi đó, tư duy của các nhà sản xuất quốc tế cao hơn hẳn. Các sản phẩm lỗi sẽ bị loại bỏ không thương tiếc. Sản phẩm và tiền bạc mất đi ngay lập tức theo đà tiêu hủy, nhưng uy tín và thương hiệu sẽ ở lại. Một tư duy thường thấy ở lãnh đạo các công ty sản xuất nước ngoài là không bao giờ chấp nhận sản phẩm chỉ gần tốt, tốt hay đủ tốt. Vì chỉ tốt không thôi thì chưa phải là hàng cao cấp.
Theo Nhuongquyenvietnam