Marketing Ai dám mua nhượng quyền McDonald’s?

Ai dám mua nhượng quyền McDonald’s?

20
Thách thức cho những franchisee McDonald’s tại Việt Nam là không nhỏ.
Hiện KFC đã có 116 cửa hàng và Lotteria đã mở 107 nhà hàng tại các đô thị lớn. Jollibee tuy chỉ có khoảng 30 nhà hàng nhưng họ cũng đã có kế hoạch nâng con số này lên 500 trong vòng 2 năm tới. Đó là chưa kể đến sự hiện diện của hàng loạt các tên tuổi trong và ngoài nước khác như Phở 24, Pizza Hut, Pizza Inn, Domino Pizza, Carl’s Jr. hay mới đây nhất là Burger King. Những tay chơi này đang cùng nhau chia sẻ ngành công nghiệp trị giá hơn 4 triệu USD của Việt Nam, tính đến hết năm 2011.
Tuy có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng một nhà tư vấn chiến lược người Canada gốc Việt đã tính toán rằng cơ hội franchise cho cá nhân của McDonald’s tại thị trường Việt Nam sẽ không khả thi.
Theo ông, mức doanh thu bình quân của một nhà hàng McDonald’s ở Canada là 2,4 triệu USD/năm và lợi nhuận khi đó cũng đạt tầm 270.000 USD/năm. Hấp dẫn hơn, nếu được McDonald’s chấp nhận bán franchise thì cá nhân sẽ chỉ phải bỏ ra 25% tổng số vốn cần thiết để đầu tư, phần còn lại sẽ được ngân hàng cho vay không cần thế chấp. Trong khi đó tại Việt Nam, sẽ không tìm được ngân hàng nào cho vay kiểu như vậy mà không buộc thế chấp tài sản. Ngoài ra, những người có nhiều tiền cũng chưa chắc mua được franchise của McDonald’s vì một trong những yêu cầu của tập đoàn này đối với franchisee là phải trực tiếp điều hành nhà hàng và có kinh nghiệm quản lý kinh doanh.
Quan trọng hơn, bài toán chi phí mặt bằng mới là vấn đề lớn nhất mà franchisee của McDonald’s tại Việt Nam sẽ phải đối mặt. Chi phí đầu tư cho một nhà hàng Jollibee mới tại TP.HCM với diện tích hơn 100 m2 cách đây 2 năm đã là 200.000 USD. Chi phí cho nhà hàng mới của KFC, Lotteria và McDonald’s (nếu có) chắc chắn cũng sẽ không thấp hơn con số này vào thời điểm hiện tại.
Giả sử một franchisee của McDonald’s thuê được mặt bằng cực đẹp trên đường Đồng Khởi (trung tâm TP.HCM) với giá khoảng 20.000 USD/tháng và đạt doanh thu cực tốt là 270.000 USD/năm (như ở Canada). Khi đó, với tiền thuê mặt bằng 240.000 USD/năm cộng với các chi phí hoạt động khác, dự kiến người franchisee này sẽ phải kinh doanh trong vòng ít nhất 10 năm mới đạt đến mức hoàn vốn.
Tại Việt Nam, như đã đề cập ở phần đầu bài viết, hiện đã có một tập đoàn bán lẻ bất động sản và một hãng kinh doanh thời trang đang cùng đeo đuổi McDonald’s để trở thành master franchisee của chuỗi này. Tuy cả 2 doanh nghiệp trên đều đang có những thế mạnh về mặt bằng bán lẻ, khả năng tàichính và kinh nghiệm làm ăn, chúng ta vẫn không thể loại trừ khả năng McDonald’s sẽ thành lập liên doanh (như đã làm ở Trung Quốc) để cạnh tranh trực tiếp với KFC Vietnam, chuỗi fastfood đang dẫn đầu ngành với 60% thị phần.
Nếu để ý, dễ nhận thấy rằng song song với tốc độ phát triển nhanh chóng về số lượng thì chất lượng những địa điểm xây dựng nhà hàng của KFC Vietnam cũng rất tốt. Để làm được điều đó, chắc chắn không thể không nhắc đến vai trò của một số nhân vật tiếng tăm trong giới kinh doanh có mối liên hệ mật thiết với KFC Vietnam. Đã phát triển tốt ở Trung Quốc nhờ hợp tác với một tổ chức kinh tế của nhà nước, rõ ràng McDonald’s cũng đã biết cách để thích nghi với môi trường kinh doanh có đặc trưng tương tự Việt Nam.
Cùng với xu thế đẩy mạnh mở rộng và phát triển tại các thị trường châu Á, rõ ràng Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của McDonald’s. Tuy mọi kế hoạch vẫn còn nằm ở thì tương lai, nhưng sự kiện “ông lớn” fastfood này có ý định quay trở lại Việt Nam chắc chắn sẽ là một cú hích tốt cho thị trường. Khi đó, người được hưởng lợi lớn nhất không ai khác hơn sẽ là người tiêu dùng. Bởi lẽ, sự hiện diện của McDonald’s sẽ khiến cho tất cả các chuỗi fastfood còn lại phải nỗ lực hơn nữa nếu không muốn bị ‘nuốt’ mất thị phần hiện có.

Theo Nhuongquyenvietnam