Để “bật lại” sếp mà không bị ghét

Bạn có những ý tưởng thật tuyệt để tăng hiệu quả công việc, nhưng sếp lại bác bỏ ý tưởng đó mà không có lí do nào cụ thể. Phải làm sao đây để bảo vệ ý kiến của mình mà không làm sếp nổi giận “đẩy” bạn ra đường?
Tại bất kỳ công ty nào mâu thuẫn giữa sếp với nhân viên luôn là điều khó tránh bởi đôi khi đó chính là động lực cho sự phát triển. Nhưng là một nhân viên hẳn sẽ có những lúc bạn do dự không biết có nên tranh luận với sếp hay không dù bạn biết mười mươi sếp đang nhầm lẫn. Nếu im lặng, công việc của bạn sẽ không được trôi chảy như mong muốn nhưng nếu đấu tranh thì không biết sẽ…tránh đâu chẳng may sếp nổi cơn lôi đình. Vậy thì hãy tham khảo gợi ý sau của các chuyên gia.
Theo Joseph Grenny, đồng tác giả của cuốn “Những cuộc đối đầu then chốt: công cụ để đối thoại khi tình hình căng thẳng” cho biết với những kỹ năng phù hợp, bạn có thể bày tỏ sự không đồng tình với sếp một cách lễ phép mà không lo làm tổn hại mối quan hệ và cũng không lo sẽ bị mất việc. Sau đây là những cách hay để làm điều đó:
Hãy mạnh dạn nói ra
Trước hết hãy nhận ra rằng ý tưởng của bạn có ý nghĩa. “Khả năng làm chủ các cuộc đối thoại quan trọng có ý nghĩa sống còn nơi công sở”, Grenny nhận xét. “Những ai gặp khó khăn trong việc tranh luận với người khác sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến công ty của họ”.
Emily Bennington, đồng tác giả của cuốn “Hiệu lực ngay lập tức: Các cách để hòa nhập, nổi bật và thăng tiếng ngay với công việc đầu tiên” cũng đồng quan điểm rằng việc biết cách nói ra có ý nghĩa quyết định tới thành công. “Khi sự nghiệp thăng tiến, thì điều quan trọng chính là biết cách xử lý các cuộc đối thoại khó khăn”, Bennington chia sẻ. “Chúng ta học được khả năng giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại một cách cởi mở, chín chắn càng sớm thì càng có lợi”. 
Hãy chắc chắn rằng đề xuất của bạn đáng để sếp quan tâm
Thái độ cương quyết là quan trọng nhưng cũng đừng đưa ra cho sếp những vấn đề nhỏ nhặt. Phải biết chọn lọc. “Một khi các sếp bị làm phiền bởi những vấn đề cá nhân trong quan hệ giữa các đồng nghiệp, họ có cảm giác mình đang trở thành một người giữ trẻ chứ không phải nhà lãnh đạo. Bởi vậy hãy cố xử lý vấn đề của mình với đồng nghiệp trước khi tìm gặp sếp”, Grenny khuyên.
Những vấn đề lớn hơn có thể ảnh hưởng tới hiệu quả công việc của bạn hoặc của doanh nghiệp mới là điều đáng nói. Chuyên gia Bennington khẳng định: “Hãy nói ngay với sếp mỗi khi bạn đã phạm một sai lầm nào đó có thể gây tổn hại đến mối quan hệ với khách hàng. Một ông chủ tốt luôn muốn tìm hiểu về vấn đề trước khi nó bùng phát”Bennington.
Hãy khéo léo và kín đáo
Nếu có chuyện gì đó không đồng tình với sếp thì cách thể hiện tệ nhất chính là nói oang oang nó ra trước mặt những người khác hoặc gửi một email đầy giận dữ tới sếp. “Cần phải đảm bảo bạn chọn đúng thời điểm”, nhà tư vấn hướng nghiệp Andrea Kay nói. “Việc đấu khẩu với sếp trong một cuộc họp không phải là ý hay”.
Và cũng đừng bao giờ nổi đóa trong phòng làm việc của sếp. Hãy đề xuất hẹn gặp ở một chỗ nào đó kín đáo bởi “những cuộc đối thoại trực diện luôn tốt hơn. Và nếu có nhiều bức xúc thì email cũng không phải cách tốt để chuyển tải”.
Bắt đầu buổi đối thoại một cách tích cực
Đừng bao giờ mở đầu cuộc nói chuyện bằng những đả kích hay thái độ tiêu cực. Thay vào đó hãy khen ngợi điều gì đó về tình hình công việc. Sau đó làm rõ ý kiến, mối bận tâm của bạn và đưa ra đề xuất để cải thiện tình hình. “Nếu sếp phản bác mạnh, hãy tạm dừng một lúc rồi bắt đầu lại. Hãy khẳng định để họ hiểu thiện chí tốt đẹp của bạn và để cho họ có cơ hội thể hiện những mối quan ngại của mình”.
Tất cả vì công việc
Cần phải luôn lấy công ty là trọng tâm, đó là lời khuyên của Kay. Bạn có thể làm vậy bằng cách đưa ra những câu hỏi sâu sắc và nêu ra nhiều khả năng một tình huống nào đó có thể tác động tới công ty.
Và cuối cùng, đừng quá thất vọng nếu sếp không chịu thay đổi quan điểm. Nên nhớ rằng việc bạn lên tiếng là tốt cho công ty và để cho sếp biết rằng bạn quan tâm tới thành công chung của doanh nghiệp.

Theo yahoo