Tương tự lần đầu đến gặp người yêu, ứng viên đi dự phỏng vấn phải thể hiện mình hoàn hảo trong mắt nhà tuyển dụng.
Ngoài việc ăn mặc chỉnh tề, tóc tai gọn gàng, ứng viên cần tránh những thái độ cũng như lời nói vụng về sau đây có thể khiến họ đánh mất cảm tình của nhà tuyển dụng.
Những hành động không nên
Có mặt quá sớm
Phải có lý do nào đó người tuyển dụng mới sắp xếp cho bạn phỏng vấn vào giờ đó. Có thể họ bận họp hay cần giải quyết công việc khác và không thể dừng giữa chừng để gặp bạn. Cũng có thể sau cuộc phỏng vấn, bạn sẽ được dẫn đi giới thiệu với một số đồng nghiệp tương lai hoặc dạo một vòng cho biết công ty, do vậy xuất hiện quá sớm sẽ làm xáo trộn chương trình làm việc của mọi người.
Cách giải quyết: Tất nhiên sớm vẫn còn hơn muộn, nhưng theo quan điểm của người tuyển dụng, bạn có mặt sớm 45 phút cũng phiền phức như trễ 45 phút. Nếu lỡ đến nơi sớm quá, bạn có thể đi bách bộ khu vực gần đó hay ngồi nghỉ ở quán cà phê kế cận, rồi trình diện trước 5-10 phút là vừa.
Tỏ ra quá tuyệt vọng khi không có việc làm
Dù đã mòn mỏi tìm kiếm việc làm, bạn cũng đừng lộ vẻ quá bức xúc. Những lời than vãn về nỗi khổ thất nghiệp chỉ làm người tuyển dụng phát chán bạn mà thôi.
Cách giải quyết: ai từng không có việc làm hẳn cũng hiểu được chuyện đó tệ như thế nào. Tuy nhiên, nếu bạn muốn gào to lên để giải tỏa tâm lý, hãy làm trước khi đi phỏng vấn. Khi đã đến nơi, cần đặt mình vào vị trí của người tuyển dụng. Nếu là họ, bạn muốn thu nhận một người giỏi giang, tâm tính tốt và có khuynh hướng gắn bó lâu dài với công ty hay một người chỉ chú trọng đến lương bổng, dễ nổi nóng và sẵn sàng chạy theo công việc khác ngon lành hơn?
Lòng nhiệt tình sẽ tạo ấn tượng tốt với người tuyển dụng hơn là một thái độ tuyệt vọng, van nài để có được công việc.
Nói xấu người khác
Kể lể rằng sếp/đồng nghiệp cũ thiếu khả năng chỉ làm cho người tuyển dụng e ngại rồi đây cũng có ngày mình sẽ bị bêu riếu như thế khi bạn bỏ công ty ra đi tìm việc khác.
Cách giải quyết: giữ thái độ tích cực và tập trung vào công ty hiện tại. Giải thích vì sao bạn thích làm nơi đây, trình bày những kinh nghiệm bạn tích lũy được sẽ giúp ích cho công việc mới ra sao. Bạn không cần phải giả vờ khen tặng công ty cũ, tuy nhiên, hãy chứng tỏ rằng bạn cũng mang điều gì đó hay ho từ công ty cũ sang công ty mới. Không cần quá nhún nhường, hãy thể hiện quả quyết: “Tôi biết đối thủ của công ty ta đang thực hiện việc này và họ thu được một số thành công. Tuy nhiên, công ty ta cũng có thể làm điều gì đó để đánh bại họ”.
Thiếu chí tiến thủ
Người chủ kinh doanh nào cũng muốn đặt niềm tin lâu dài vào nhân viên. Vì thế, nếu bảng lý lịch, đơn xin việc hay cuộc phỏng vấn cho thấy bạn thiếu mục tiêu phấn đấu, bạn sẽ khó có được cơ hội tuyển dụng.
Cách giải quyết: nếu chưa tin tưởng lắm về tương lai nghề nghiệp của mình, tối thiểu bạn cũng nên chuẩn bị một bài viết mà bạn cảm giác hài lòng khi đọc. Công việc này có thể không phải là lý tưởng nhất nhưng sẽ giúp bạn học hỏi và chuẩn bị tốt cho bước đường sự nghiệp? Tương lai và nghề nghiệp bạn sẽ phát triển thế nào sau một thời gian làm việc ở công ty?… Hãy hoạch định con đường bạn sẽ đi để người tuyển dụng thấy rằng bạn sống có mục đích và kế hoạch hẳn hoi. Bạn không cần hứa hẹn gắn bó cả đời với công ty, nhưng cần tỏ ra mình luôn nhiệt tình học hỏi và mong muốn tiến bộ.
Quá khẩn trương liên hệ hỏi kết quả phỏng vấn
Bạn gởi cho nhà tuyển dụng một lá thư qua đường bưu điện, tiếp đó là hai email rồi lại gọi cho họ vài lần, thậm chí ghé qua công ty hỏi thăm kết quả… những điều đó sẽ chẳng gây ấn tượng gì mà trái lạ chỉ làm người tuyển dụng thấy phiền mà thôi.
Cách giải quyết: Bạn có thể gởi đến người tuyển dụng một lá thư hay một email cảm ơn. Tuy nhiên, hãy tỏ ra tỉnh táo, biết dừng lại đúng lúc. Đừng hấp tấp quấy rầy để rồi họ có ấn tượng không đẹp về bạn.
Những lời nói nên tránh
“Sếp cũ của tôi là một tay chẳng ra gì”, “Tôi bỏ công ty vì môi trường làm việc ở đó thật tệ hại”…
Những lời này sẽ khiến nhà tuyển dụng e ngại về cách cư xử của bạn nếu nhận bạn vào công ty. Thay vào đó, hãy trả lời chung chung: “Tôi đang tìm kiếm một môi trường làm việc khác” hay “ Mục tiêu nghề nghiệp của tôi đã thay đổi”…
“Tôi sẽ được nghỉ phép mấy ngày?”, “Cơ cấu tiền thưởng cho vị trí này ra sao?”…
Hỏi như thế cho thấy bạn chú tâm đến bổng lộc hơn là công việc. Bạn có thể hỏi những câu trên nếu đã vượt qua nhiều lần phỏng vấn và người tuyển dụng tỏ ý sẽ nhận bạn. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp như vậy, bạn vẫn nên tập trung vào những gì bạn có thể cống hiến cho công ty hơn là những gì công ty mang lại cho bạn.
“Cuộc phỏng vấn này còn kéo dài bao lâu nữa?”, “Cho phép tôi gọi điện thoại một lát nhé?”…
Những câu hỏi trên chứng tỏ bạn thiếu lịch sự, không tôn trọng người người phỏng vấn. Thay vì thế, hãy tỏ ra quan tâm đến cuộc phỏng vấn bằng cách đến đúng giờ (tốt hơn là có mặt trước vài phút), nhìn thẳng vào mắt người phỏng vấn khi trò chuyện, gật đầu nếu tán thành ý kiến, tránh khoanh tay, nhịp chân hay có những hành động thể hiện sự thiếu kiên nhẫn. Nếu thật sự có hẹn, bạn nên báo cho người phỏng vấn biết trước.
“Tôi không thích làm thêm giờ”
Người phỏng vấn có thể đánh giá bạn là người không linh động và khó thích nghi. Hãy nghĩ thoáng một chút nếu bạn cảm giác thích vị trí đang dự tuyển cho dù công việc đó chưa phải là lý tưởng. Các yếu tố khác, chẳng hạn như mức lương cao hơn dự kiến hay cơ hội thăng tiến nhanh, vẫn có thể “bù lỗ” vào việc bạn phải làm thêm ngoài giờ.
Theo Tuổi trẻ / Career Builder