Câu chuyện thôn tính và Shiseido

Vụ việc tranh chấp giữa Shiseido và Thủy Lộc cùng 15 nhà đầu tư liên quan cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu kỹ năng trong việc phòng chống bị thôn tính.
Những thông tin đầu tiên về vụ tranh chấp liên quan đến việc kinh doanh mỹ phẩm Shiseido tại Việt Nam đã xuất hiện từ cuối năm 2011. Vụ việc này đã lên đến cao trào khi Shiseido Việt Nam quyết định khởi kiện Thủy Lộc ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam. Tuy là tranh chấp kinh tế, nhưng Văn phòng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét, xử lý theo pháp luật về đơn thư khiếu nại, tố cáo Shiseido Việt Nam.
Các bước thôn tính
Trở lại thời điểm Shiseido bắt đầu vào Việt Nam, có thể thấy quyết định lựa chọn đối tác Thủy Lộc để đổ bộ vào thị trường của hãng này là vô cùng khôn ngoan. Khi thị trường còn xa lạ với cái tên Shiseido cũng như với phân khúc hóa mỹ phẩm hạng sang, nếu muốn đằng thẳng bán hàng trực tiếp, Shiseido sẽ phải mất rất nhiều thời gian và chi phí đầu tư, còn nếu lựa chọn phương án bán hàng gián tiếp thông qua Thủy Lộc thì hãng này chẳng những bán được hàng mà còn không phải bận tậm đến chuyện lãi lỗ của nhà phân phối.
Sau mười năm Thủy Lộc tiến hành hoạt động kinh doanh, đến nay, Shiseido đã trở thành một loại mỹ phẩm có uy tín tại Việt Nam. Nếu nhìn từ hiệu quả kinh doanh, cả tập đoàn Shiseido và Thủy Lộc đều có lợi và sẽ không có lý do gì để hai bên tranh chấp với nhau. Tuy vậy, nếu xét từ góc độ của Shiseido, khi bán hàng thông qua bên thứ ba, đồng nghĩa phải chia sẻ lợi nhuận của việc bán hàng cho nhà phân phối. Vì vậy, khi thấy thương hiệu của mình đã có độ nhận diện tốt trên thị trường, Shiseido Việt Nam (SCV) được ra đời nhằm mục tiêu hãng này sẽ chuyển sang phân phối trực tiếp. SCV đã khéo lách luật xin mở hàng chục cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc và từ đó thực hiện kế hoạch thôn tính các nhà bán lẻ trong nước để chiếm lĩnh thị trường. Câu chuyện tranh chấp bắt đầu nảy sinh khi cả hai nhà phân phối muốn cạnh tranh để tăng doanh số bán hàng. SCV đã lựa chọn phương thức cạnh tranh bằng cách bán hàng giá rẻ hơn so với Thủy Lộc. Tuy SCV chấp nhận giảm lợi nhuận, nhưng nếu so với chi phí marketing mà Thủy Lộc và các nhà đầu tư của mình bỏ ra trong suốt thời gian dài để quảng bá Shiseido, thì SCV đã đi một nước cờ thể hiện động cơ thôn tính. Cùng bán một loại sản phẩm, SCV có mức giá thấp hơn, đương nhiên sẽ hút khách từ kênh của Thủy Lộc và các nhà đầu tư khác. Như vậy, SCV đã làm cho chi phí của các đối thủ cạnh tranh của mình tăng lên và SCV hưởng lợi từ đó.

Giành lại quyền phân phối
Phân tích sâu vào vụ Shiseido ta thấy, mấu chốt của vấn đề nằm ở quyền phân phối sản phẩm Shiseido tại Việt Nam. Mặc dù SCV thuộc sở hữu của Shiseido toàn cầu, nhưng một nghịch lý là công ty này lại không có quyền phân phối mặt hàng này tại Việt Nam. Quyền phân phối này thuộc về Thủy Lộc.
Như vậy, vào những ngày đầu, Thủy Lộc là doanh nghiệp duy nhất có quyền phân phối Shiseido tại Việt Nam. Tuy vậy, để có thể quảng bá rộng rãi hình ảnh của mỹ phẩm này cũng như đầu tư cho hệ thống cửa hàng, Thủy Lộc phải liên kết với các nhà đầu tư khác. Do đó, muốn độc quyền phân phối sản phẩm, SCV phải đàm phán để Thủy Lộc chấp nhận chuyển nhượng quyền phân phối này. Vậy nên, thỏa thuận giữa Thủy Lộc và SCV năm 2010, dù được diễn đạt dưới hình thức nào, nội dung cơ bản nhất vẫn xoay quanh chuyện chuyển giao quyền phân phối mỹ phẩm Shiseido tại Việt Nam từ Thủy Lộc sang cho SCV. Nhưng với thỏa thuận đạt được, lúc này quyền phân phối sản phẩm Shiseido đã thuộc về SCV. 15 nhà đầu tư và cả Thủy Lộc phải mua sản phẩm trực tiếp từ SCV. Các thỏa thuận giữa các nhà đầu tư này với Thủy Lộc là các thỏa thuận riêng giữa các bên với nhau. Do đó, hệ quả là các cam kết này chỉ có giá trị giữa họ với nhau mà không thể ràng buộc được Shiseido Nhật Bản hoặc SCV.
Ngoài việc nhận chuyển nhượng quyền phân phối sản phẩm Shiseido tại Việt Nam, SCV còn đi một bước dài hơn nữa khi mua lại toàn bộ hệ thống kinh doanh hiện có của Thủy Lộc. Mặc dù về mặt thực tế, Thủy Lộc không phải là chủ sở hữu duy nhất của hệ thống này. Nhưng theo thông cáo báo chí của SCV cũng như các thông tin mà giới truyền thông Việt Nam ghi nhận trong thời gian qua, dường như thỏa thuận này chưa hoàn thiện về mặt pháp lý. Như vậy, về mặt pháp lý hầu như không có cơ sở nào để 15 nhà đầu tư yêu cầu SCV bồi thường đối với những thiệt hại mà họ phải gánh chịu.

Phòng bị trước nguy cơ bị thôn tính
Vụ kiện tụng của các cổ đông người Việt bị chèn ép, hất ra khỏi SCV có thể xem là một điển hình về thôn tính của các đại gia lớn trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Nó khiến người ta nhớ lại vụ Cocacola Ngọc Hồi thôn tính thị trường đình đám một thời. Vào thị trường theo phương thức liên doanh, nhưng phía nước ngoài trong Cocacola Ngọc Hồi đã khiến phía đại diện vốn góp Việt Nam bị cụt vốn bằng những cuộc giảm giá liên tục đi kèm khuyến mãi. Đến khi phía Việt Nam buộc phải rút khỏi liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài ung dung tận thu thị trường bằng cách liên tục tăng giá. Thời điểm đó, các nhà quản lý coi vụ Cocacola Ngọc Hồi là cái giá phải trả của thời mở cửa. Tuy nhiên, đến giờ này, khi vụ Shiseido bùng phát, các doanh nghiệp và chính nhà quản lý cũng phải nhận ra, bài học về thôn tính vẫn còn nóng hổi. Theo dự báo của TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại Bộ Công thương, giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bán lẻ ở Việt Nam vẫn ở mức cao, 23 – 25%/năm. Trong con mắt của các nhà kinh tế nước ngoài, thị trường Việt Nam vẫn là 1 trong 5 thị trường sinh lãi nhất. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tính đến mối nguy bị thôn tính bởi các nhà phân phối nước ngoài tại thị trường bán lẻ Việt Nam.

Theo ThS Phạm Hoài Huấn