Bài thuyết trình nào gần đây nhất gây ấn tượng với bạn? Bạn có phải vò đầu bứt tóc để gọi tên nó không? Có một thực tế là rất nhiều bài thuyết trình bị lãng quên trong khi mục đích duy nhất của người diễn giả là truyền đạt một thông tin cần thiết nào đó đến người nghe. Tuy nhiên, vẫn có cách để những thông điệp của bạn được người nghe hiểu và “khắc cốt ghi tâm”, hãy chú ý đến những điều sau:
Hiểu rõ mục đích của việc thuyết trình
Trước khi bắt tay vào chuẩn bị bài diễn văn hay thuyết trình, bạn cần phải hiểu rõ mình muốn nói gì, nói cho ai nghe và tại sao họ có thể muốn nghe những điều này. Hãy sử dụng hệ thống câu hỏi: Who? What? How? When? Where? Why?
Who: Thính giả của bạn là ai? Mối quan tâm, tri thức sẵn có và giá trị của họ là gì? Họ có điểm gì giống và khác biệt với những người xung quanh?
What: Bạn muốn truyền đạt thông tin gì? Một cách hay để trả lời câu hỏi này là tự hỏi về những tiêu chí để đánh giá sự thành công.
Làm cách nào bạn biết bạn đã thành công trong việc truyền đạt những gì muốn nói?
How: Cách tối ưu để truyền đạt thông điệp của bạn? Ở đây, giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ đều quan trọng như nhau. Hãy căn cứ vào đối tượng thính giả của bạn để chọn cách sử dụng từ ngữ và giao tiếp phi ngôn ngữ cho phù hợp. Hãy cân nhắc xem bạn sẽ nói và làm gì vào phần đầu, giữa và cuối buổi thuyết trình. Nếu điều kiện thời gian và không gian cho phép, hãy nghĩ đến việc sử dụng các công cụ hỗ trợ như hình ảnh hay video.
When: Việc kiểm soát chặt chẽ thời gian khi thuyết trình rất quan trọng. Bạn chỉ nên nói những gì liên quan đến vấn đề bạn đang thuyết trình để tránh lố giờ. Bạn cũng không nên nói liên tục mà nên có khoảng dừng hợp lý.
Where: Địa điểm bạn thuyết trình sẽ như thế nào? Nếu có thời gian, bạn có thể ghé thăm phòng ốc trước và sắp xếp lại bàn ghế sao cho thuận tiện nhất với bạn. Nếu bạn muốn sử dụng các công cụ hỗ trợ thì nhớ kiểm tra xem chúng còn hoạt động tốt không.
Why: Muốn thính giả chú tâm lắng nghe bạn, trước hết bạn phải biết tại sao họ cần làm như vậy. Sau đó hãy nói cho họ biết điều này. Việc này sẽ ngụ ý rằng bạn biết rõ giá trị của những điều mình sắp nói.
Trình bày ngắn gọn và cô đọng
Nội dung bài thuyết trình của bạn nên ngắn gọn, cô đọng. Bạn chỉ cần trình bày những nội dung chính. Thính giả không cần và cũng không muốn phải tiếp nhận quá nhiều kiến thức chuyên sâu từ bài thuyết trình của bạn.
Nếu bạn sử dụng file trình chiếu như Power Point, nội dung mỗi slide chỉ nên giới hạn ở vài gạch đầu dòng, vài câu hoặc một biểu đồ đơn giản.
Chuẩn bị chu đáo
Sự chuẩn bị chu đáo là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công cho buổi thuyết trình của bạn. Vì thế, hãy dành thời gian chuẩn bị thật tốt cho buổi thuyết trình để bảo đảm những lời bạn nói dễ hiểu và có tác động mạnh mẽ đến thính giả. Đương nhiên, bạn không thể đoán biết được tất cả những điều sẽ xảy ra. Nhưng ít nhất bạn cũng phải dự tính được những gì bạn sẽ nói và làm ở phần đầu, giữa và cuối của buổi thuyết trình.
Hãy thuyết trình một cách sinh động!
Cách bạn thuyết trình quyết định tất cả. Hãy trình bày thông tin một cách sinh động với những bí quyết sau đây:
– Sử dụng ví dụ cụ thể để minh họa cho quan điểm của bạn
– Tránh đứng như tượng mà hãy di chuyển trong khi nói.
– Đừng nói quá nhanh. Hãy có những khoảng dừng hợp lý để thính giả có thời gian suy nghĩ.
– Giọng thuyết trình của bạn phải lên xuống linh hoạt tùy theo nội dung
– Nên sử dụng các công cụ hỗ trợ như hình ảnh minh họa/hiệu ứng.
Theo hutech