Chiến lược ‘HTC’ đối nghịch với Apple trong chiến lược kinh doanh

‘HTC’ đối nghịch với Apple trong chiến lược kinh doanh

17
HTC – hãng điện thoại non kinh nghiệm đã vượt lên dẫn đầu thị trường smartphone Mỹ trong quý 3/2011 nhờ chiến lược kinh doanh đối nghịch với Apple. Song đứng đầu thị trường Mỹ không phải ưu tiên hàng đầu của hãng này.
HTC đã trở thành hãng bán điện thoại thông minh chạy nhất tại Mỹ với một chiến lược hoàn toàn trái ngược với Apple: Apple bí ẩn, HTC cởi mở. Apple cho phân phối độc quyền, HTC thì chấp nhận mọi hãng phân phối. Apple độc đoán, HTC cộng tác. Apple không làm theo yêu cầu của bất cứ khách hàng nào, HTC làm theo yêu cầu của mọi khách hàng. Đó là chính sách hoàn toàn đối lập với Apple, và cho đến giờ, chính sách này đã phát huy hiệu quả.
Câu hỏi là liệu HTC có giữ vững được ngôi đầu bảng? Các nhà mạng cũng phải chạy theo nhu cầu của thị trường điện thoại thông minh, và trong suốt gần 4 năm AT&T phân phối độc quyền iPhone tại Mỹ, Verizon Wireless và Sprint đã phải tìm đến HTC để đặt hàng điện thoại thông minh chạy Android.
Điểm yếu thương hiệu
Tuy vậy, khi thị trường trưởng thành hơn, HTC có thể sẽ phải chịu tổn thất. Hiện nay cả ba nhà mạng lớn của Mỹ đều đã phân phối iPhone, trong khi thương hiệu HTC vẫn còn thua kém Apple và các đối thủ sử dụng Android khác như Samsung, Sony. Đồng thời, hãng cũng phải cạnh tranh với RIM – tập đoàn đang lục đục cải tổ và với liên minh mới Microsoft – Nokia.
Kết quả là, sau lần đầu tiên vượt lên dẫn đầu trong quý 3/2011, HTC rất có thể sẽ đánh mất lợi thế tại Mỹ – theo chuyên viên phân tích Matt Thornton của Avian Securities LLC. Cũng theo anh Thornton: “HTC sẽ không thể đứng ở vị trí số 1 thêm lần nữa. Hiện giờ họ đang phải đối mặt với rất nhiều đối thủ vốn bị chững lại trong thời gian gần đây.”
Lịch sử non trẻ
HTC được thành lập từ năm 1997 bởi Peter Chou, Cher Wang và HT Cho. Wang – nữ chủ tịch của HTC đồng thời là người phụ nữ giàu nhất Đài Loan.
Năm 2002, Chou giành được một hợp đồng với Microsoft để sản xuất điện thoại chạy nền tảng Windows, sau đó nhanh chóng trở thành hãng sản xuất toàn cầu hàng đầu của Microsoft. Chiếc điện thoại chạy Android đầu tiên của HTC ra đời năm 2008, và hiện giờ HTC vẫn duy trì cả hai dòng điện thoại chạy Windows và Android.
Chiến lược của HTC
Ông Peter Chou – CEO của HTC nói ông hiểu rõ những thách thức này. Tuy vậy, ông cũng cho biết HTC sẽ tiếp tục kiên định với chiến lược đã giúp hãng thắt chặt quan hệ với các nhà phân phối tại Mỹ, đồng thời tăng gấp đôi doanh thu toàn cầu trong năm ngoái, và liên tục lập kỷ lục về lợi nhuận trong 5 quý gần đây.
Trong cuộc phỏng vấn tại New York, ông Chou nói: “Làm thương hiệu thực sự rất khó. Chúng tôi đến từ một công ty không có kinh nghiệm, không có nguồn lực để phát triển thương hiệu toàn cầu. Chúng tôi phải thân thiện. Chúng tôi có những mối quan hệ tốt.”
Giờ đây, khi iPhone đã được phân phối bởi cả 3 nhà mạng lớn nhất nước Mỹ, nhu cầu đối với các điện thoại khác có lẽ sẽ tăng chậm lại.
Samsung, hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới cũng đã trở thành đơn vị duy nhất cập nhật hệ điều hành mới của Google – hệ điều hành Ice Cream Sandwich – sau khi ra mắt chiếc Galaxy Nexus hồi tháng 10.
Sự cạnh tranh sẽ đè nặng lên doanh số. HTC hi vọng sẽ bán được 12 triệu – 13 triệu thiết bị điện thoại trong quý này (quý 4/2011). Theo dự đoán của các chuyên gia, quý này sẽ chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp nhất của HTC trong vòng 2 năm trở lại đây.
Ông Chou nói ông quan tâm nhiều đến sản phẩm hơn là biên lợi nhuận. Ông cũng cho hay duy trì vị trí số 1 tại thị trường Mỹ không phải ưu tiên hàng đầu của ông. Ông đang tập trung vào việc tạo ra những sản phẩm vượt trội và đảm bảo HTC vẫn tiếp tục tăng trưởng trên toàn cầu.
“Nếu bạn có sản phẩm tốt, việc kinh doanh tự khắc sẽ đến”, ông nói.

Theo Thu Thủy