Trong khi các nhà sản xuất Mỹ than phiền vì bị hàng ngoại nhập cạnh tranh kịch liệt, thậm chí một số chuyển sang sản xuất ở nước ngoài thì các công ty Nam Triều Tiên lại dám tin rằng họ sẽ sản xuất có lời ngay tại đất Mỹ, vì họ biết dựa vào phong cách quản lý truyền thống riêng của họ trên cơ sở pha trộn những phương pháp kinh doanh của người Mỹ.
Phong cách quản lý của Nam Triều Tiên rất giống với phong cách quản lý của Nhật Bản, và người Nam Triều Tiên lại sẵn lòng hơn người Nhật để dung hợp những kỹ thuật riêng của họ với những phương pháp của người Mỹ. Giới quản lý Nam Triều Tiên hướng đến việc tạo dựng một bầu không khí gia đình, trong đó các nhân viên tác động qua lại một cách thoải mái đối với các cấp điều hành và gắn bó chặt chẽ với sự thành công của công ty.
Một nữ công nhân Mỹ làm việc ở day chuyền lắp ráp thổ lộ: “Các ông không thể biết được là công ty GoldStarđã đem lại cho chúng tôi những gì. Có lần chồng tôi nằm bệnh viện vì một ca đại phẫu. Ban Giám đốc đã đến ngồi cùng tôi chờ đợi suốt trong thời gian mổ. Ông Tổng giám đốc cũng đến và chăm sóc rất ân cần, ông ấy mang đến cho chúng tôi nhiều sách báo để giải khuây”. Cố nhiên đây không phải là loại tình hữu nghị cho không biếu không bởi bù lại, các công ty này có được sự nhiệt tình lao động rất cao của công nhân. Trong khi tỷ lệ công nhân vắng mặt tại các công ty Mỹ tính bình quân là 5% thì tỷ lệ này ở Goldstar chỉ là 1%.
Phương pháp quản lý của Nam Triều Tiên được gắn liền với phép màu kinh tế và đã biến Nam Triều Tiên trong vòng 25 năm qua thành một quốc gia có mức tăng trưởng cao hơn cả Nhật Bản. Vũ khí chủ yếu của Nam Triều Tiên chính là quan niệm triết lý về quản lý gói gọn dưới cái tên “nhân hòa”. Bất cứ lúc nào công ty cũng có thể thông báo cho nhân viên biết rõ mục tiêu và yêu cầu họ giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp. Đây là nguyên tắc chủ đạo của các nhà quản lý Nam Triều Tiên, họ xem toàn thể nhân viên như một đại gia đình, và cứ mỗi tháng lại họp gia đình. Cách hai tuần lại có một buổi họp về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra tiền thưởng cũng được sử dụng để kích thích nhiệt tình lao động. Cứ ba ngày công nhân được hưởng một khoản tiền thưởng – quy ra bằng một giờ phụ trội-nếu dây chuyền lắp ráp của họ gia tăng được sản lượng mà vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Và nếu không vắng mặt một ngày nào trong ba tháng liền, công nhân được thưởng một khoản tiền mặt khoảng 100$ theo thời giá.
Không kiểm soát được yếu tố “thiên thời” (do tác dụng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mới của các nước công nghiệp phát triển) và yếu tố “địa lợi” (do phải tiến hành kinh doanh trên đất khách quê người), các nhà quản lý Nam Triều Tiên càng bám chặt vào yếu tố “nhân hoà” hay nhân tố con người mà chúng ta thường hay nhắc đến. Và chính vì biết vận dụng triết lý quản lý này mà Nam Triều Tiên đã trở thành một quốc gia có mức độ tăng trưởng cao trong khu vực, là một trong những “con rồng” châu Á với nhiều tiềm năng.
Theo timviecnhanh