Lãnh đạo hiệu quả nhờ 4L

Nếu có dịp xem show truyền hình thực tế “The Apprentice” của tỉ phú Donald Trump, các bạn sẽ thấy rất nhiều bài học đáng giá về nghệ thuật lãnh đạo. Trong mỗi tập thi, một thí sinh sẽ đứng ra lãnh trách nhiệm “Project Manager” – PM. Không phải vô cớ khi phần thưởng dành cho PM của đội thắng là cơ hội gặp gỡ và học hỏi từ những nhân vật thành công trong thế giới kinh doanh; trong khi “hình phạt” dành cho PM của đội thua sẽ là đối mặt Donald Trump trong phòng họp lớn và có nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi. Vai trò của lãnh đạo vô cùng quan trọng; trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào.
Đó là lý do hôm nay tôi sẽ chia sẻ với các bạn về mô hình 4L trong lãnh đạo. Tôi may mắn được lĩnh hội thuật lãnh đạo từ những bậc thầy về lãnh đạo như John C. Maxwell, Jack Canfield và sếp tôi – anh Chris Harvey. Và mô hình này được khơi nguồn từ những bài học đó.
Listen to your people – Lắng nghe nhân viên
Hãy lắng nghe những gì họ nói và những gì họ không nói – những tâm tư nguyện vọng, những khó khăn bức xúc. Nếu bạn đang là ở vị trí lãnh đạo, hãy nhớ lại lúc bạn còn là nhân viên. Có lúc nào bạn ấm ức về điều gì đó mà không thể nói với sếp, nhưng có thể tuôn trào khi một người bạn hỏi bâng quơ ”dạo này sao rồi?” Có khi nào bạn muốn đứng ra nhận một dự án mới nhưng không dám ngỏ lời vì sợ sếp mắng “việc mình làm còn chưa xong, đừng nhiều chuyện!” Đừng để nhân viên mình rơi vào tình huống đó! Cảm giác không được lắng nghe thật nguy hiểm, họ có thể bỏ bạn đi bất cứ lúc nào.
Và lắng nghe là một nghệ thuật. Khi bạn học được cách lắng nghe, nhân viên sẽ sẵn lòng chia sẻ với bạn. Vậy làm thế nào?

– Dừng hoàn toàn công việc và chú ý lắng nghe khi nhân viên đến gặp bạn
– Đặt câu hỏi đúng lúc, đúng chỗ để họ thấy thoải mái và an toàn khi chia sẻ
– Hỏi những người xung quanh khi thấy những biểu hiện khác lạ của nhân viên
– Thường xuyên trao đổi và chia sẻ với nhân viên về quan điểm của bạn
Learn about your people – Tìm hiểu về nhân viên
Từ những gì bạn lắng nghe, hãy tìm hiểu những tính cách, điểm mạnh, điểm yếu, niềm đam mê hay đơn giản chỉ là những mối quan tâm thường ngày của mỗi nhân viên. Là con người, ai cũng cảm thấy thật hạnh phúc khi được quan tâm. Là con người, ai cũng muốn được tôn trọng. Hãy thể hiện sự tôn trọng nhân viên bằng sự quan tâm chân thành.
Khi bạn đầu tư thời gian quan tâm đến nhân viên của mình, bạn sẽ hiểu họ hơn. Hiểu được từng nhân viên sẽ giúp bạn giao việc, phân quyền hợp lý hơn, và từ đó, hiệu quả công việc chắc chắn sẽ cao hơn. ROI của thời gian và công sức bạn đã bỏ ra thật vô giá.
Love – Yêu công việc và yêu nhân viên
Lắng nghe và tìm hiểu nhân viên chỉ hiệu quả khi xuất phát từ TÂM.
Nếu bạn không yêu quý nhân viên của mình, việc tìm hiểu nhân viên sẽ là một trọng trách nặng nề và khó khăn. Hãy lắng nghe và tìm hiểu nhân viên của mình bằng sự chân thành. Hãy thật sự yêu quý họ. Nếu bạn cố gắng thể hiện nhưng không thật lòng, một ngày nào đó họ sẽ nhận ra. Một khi niềm tin bị tổn thương, họ sẽ tìm cách rời xa bạn để đi tìm một sếp biết quan tâm thật sự.
Ngoài ra, bạn phải yêu những gì bạn đang làm. Nếu bạn không yêu công việc của mình, bạn sẽ thấy không thoải mái, không hào hứng và chẳng quan tâm đến việc đạt được kết quả tốt nhất. Nhân viên bạn sẽ nhìn thấy điều đó. Một khi ‘gương’ không sáng, sẽ chẳng ai noi theo.
Và khi bạn đã lắng nghe, đã hiểu từng nhân viên của mình, hãy Lead – Lãnh đạo họ theo con đường bạn chọn. Nhờ hiểu từng nhân viên của mình, nhà lãnh đạo hiệu quả sẽ chọn đúng người, giao đúng việc, quản đúng cách. Mỗi cá nhân sẽ đóng góp nhiều nhất khi họ được làm công việc họ thích và nằm trong sở trường của họ. Đó chính là cách bạn giúp họ thành công.
Trong tập số 5 của “The Apprentice season 10” tôi vừa xem lại, đội nữ đã xuất sắc hoàn thành phần thi của mình nhờ khả năng giao việc, tính quyết đoán của Stephenie, PM. Trong khi đó, bài học khó quên lại nằm ở đội nam với Wade là PM.
Bài tập dành cho họ là dàn dựng show thời trang giày Rockport. Trong những show thời trang, vai trò MC, người dẫn chuyện, vô cùng quan trọng. Wade, PM của đội nam, đã giao việc này cho Gene và David, vì “Họ nói rằng họ có kinh nghiệm làm MC nên tôi giao cho họ” mà không cần tìm hiểu hay kiểm tra xem liệu họ có thể đảm đương vai trò này không. Và thảm họa của show diễn lại rơi vào MC. Đó là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất bại của đội nam. Ngay lập tức, Wade bị loại!
Trên thực tế, thất bại của lãnh đạo đem lại những thiệt hại lớn hơn nhiều trong một chương trình truyền hình. Là lãnh đạo, dĩ nhiên bạn không muốn điều đó. Hãy cân nhắc mô hình 4L!
Hà Huệ Chi
Director of Marketing & Operations
VietnamWorks

Theo Vietnamworks