Khi quan sát cấu tạo nguyên tử, chúng ta có thể hiểu được sức mạnh kỳ diệu từ nguyên lý vận động của chúng và liên hệ đến hiệu quả bất ngờ khi áp dụng phương pháp “trung dung” của nguyên lý vật lý này trong thương thuyết và quản trị.
Trong cấu tạo nguyên tử luôn có ba lực: đó là electron sinh ra lực âm, proton sinh ra lực dương, và neutron sinh ra lực trung hòa. Neutron và proton tạo nên hạt nhân nguyên tử, còn electron thì quay quanh hạt nhân với vận tốc rất lớn. Điện là hoạt động của electron âm truyền từ nguyên tử này sang nguyên tử khác qua một chất dẫn điện. Vậy thì âm rất co giãn, nó rất năng động trong tất cả những gì là vật lý. Lực âm di chuyển dễ dàng từ nơi này qua nơi khác.
Trái lại, lực trung hòa và cả lực dương nữa, thì hầu như không chuyển động mấy. Khi ta tách hạt nhân ra – tức là neutron và proton – thì ta giải phóng được một năng lượng nguyên tử dữ dội; đó là cơ sở để làm bom nguyên tử.
Mối liên kết đó đã chứng tỏ sức mạnh thực sự nằm ở đâu. Hãy áp dụng nguyên lý này vào kinh doanh.
Sự kết hợp là giữa dương và trung tính, còn âm là để duy trì sự cân bằng, nó rất dễ bị bật ra và nhảy sang một nguyên tử khác (ở con người, “nguyên tử khác” chính là người khác), chỉ cần một chút nỗ lực. Chúng ta hầu hết đều có thể làm điều đó. Nhưng ta không thể tách trung tính và dương ra mà không bị đáp trả đích đáng.
Theo đó, nhà quản lý giỏi và thoáng sẽ coi trọng sự quan sát trung lập. Muốn là một người quan sát thực sự và khéo léo, người ta không được phán xét và không được phép có thành kiến. Khi đứng ở vị trí trung lập, người ta sẽ dễ dàng nhìn thấy tất cả những chỗ thiếu sót ở các quan điểm khác.
Đã là nhà quản lý thì ngày nào cũng phải làm việc với những điều đối lập. Ta giải quyết việc đó lúc hay lúc dở, lúc thắng lúc thua, lúc khó lúc dễ, lúc nhanh lúc chậm và lúc vui lúc buồn. Điều ta luôn không hiểu là những đối lập đó phải đi chung với nhau và cần đến nhau. Ta cảm nhận được cái dễ chỉ vì có cái khó. Ta cảm nhận được lên chỉ vì có xuống.
Nếu cứ loay hoay loại bỏ cái đối lập thì không thể bứt ra mà di chuyển được
Ta cứ loay hoay tìm cách loại bỏ cái đối lập với thứ ta đang tìm kiếm, trong khi thực tế thì đó là điều không thể. Vậy nên một nhà quản lý chi ly sẽ đầy lo âu và cuống quít khi gặp những gì đối lập với cái anh ta tìm kiếm. Điều đó sẽ ngăn anh ta đến được nơi mà anh ta muốn đến. Anh ta sẽ nhận được sự phản hồi gay gắt, và thay vì mở lòng ra hoặc để mặc nó, anh ta lập tức chống chọi.
Kết cục là anh ta càng lo nghĩ nhiều về cái tiêu cực mà anh ta muốn gạt bỏ, hơn là về cái tích cực mà anh ta muốn tiến tới. Từ đó, anh ta không thể bứt ra mà di chuyển. Và rốt cuộc, anh ta không thể có được thành công.