Kiến thức quản trị Kinh nghiệm xử lý nợ xấu doanh nghiệp nhà nước của Nhật...

Kinh nghiệm xử lý nợ xấu doanh nghiệp nhà nước của Nhật Bản

5
Ngày 20/9/2012, Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ xấu DNNN và tái cấu trúc nền kinh tế của Nhật Bản”, đây là dịp để các nhà hoạch định chính sách, quản lý tài chính công của Nhật Bản và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các thách thức, khó khăn khi thực hiện cải cách quản lý tài chính doanh nghiệp.
Ngày 17/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015”. Đây là đề án do Bộ Tài chính xây dựng theo sự chỉ đạo của Chính phủ với mục tiêu làm cho DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, việc tái cơ cấu nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh đối với doanh nghiệp hoạt động công ích.
Theo đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đến năm 2015, phải xử lý dứt điểm nợ xấu. Trụ cột chính đảm đương nhiệm vụ này là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính (DATC). Mới đây, Thủ tướng phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015”. Theo đó, trong các biện pháp xử lý nợ xấu có biện pháp bán nợ xấu có tài sản đảm bảo cho DATC. Nhiệm vụ trên có hoàn thành được không đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của Bộ Tài chính nói riêng và Chính phủ nói chung trong giai đoạn hiện nay.
Trong giai đoạn đầu hoạt động, DATC chủ yếu tập trung hoạt động tiếp nhận và xử lý nợ theo chỉ đạo của Chính phủ. Từ năm 2007 đến nay, DATC đã hướng hoạt động vào trọng tâm chính là xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp; lũy kế từ năm 2007 đến 31/12/2011, DATC đã mua nợ để tái cơ cấu cho 72 doanh nghiệp khách nợ, gồm 44 doanh nghiệp đã hoàn thành và 28 doanh nghiệp đang triển khai, với giá trị các khoản nợ theo sổ sách kế toán hơn 6.256 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là hơn 1.640 tỷ đồng…
Theo đánh giá DATC đã làm khá tốt khi xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp. Tuy nhiên, các trường hợp nợ xấu DATC mua lại và đã xử lý có giá trị không lớn. DATC chưa được tham gia xử lý các trường hợp phức tạp. Bên cạnh đó, phần lớn các trường hợp mới chỉ xử lý về tài chính, việc tái cơ cấu hoạt động còn hạn chế.
Tại Hội thảo, diễn giả Kotegawa Daisuke – chuyên gia đặc biệt của JICA trong lĩnh vực tái cấu trúc DNNN, một trong những sáng lập viên của Cơ quan tái thiết công nghiệp Nhật Bản – cơ quan trọng yếu trong toàn bộ lịch sử xử lý nợ xấu và tái thiết công nghiệp của Nhật Bản đã giới thiệu về kinh nghiệm thực tiễn của Nhật Bản trong việc giải quyết nợ xấu cũng như hồi sinh nền kinh tế với sự tham gia và vai trò điều tiết của Chính phủ.
Hội thảo là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp những thông tin tham khảo bổ ích trong quá trình tái cấu trúc và xử lý nợ xấu của DNNN ở Việt Nam. Hội thảo này đánh dấu hoạt động hợp tác thứ hai giữa Bộ Tài chính và JICA trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2012 – 2013 vừa được hai bên kí kết trong tháng 7/2012 vừa qua.

Theo Kinhtetapdoan