Kiến thức quản trị Để doanh nghiệp giao thông thích nghi với ngân sách “chật”

Để doanh nghiệp giao thông thích nghi với ngân sách “chật”

8
Các doanh nghiệp xây lắp ngành giao thông đang thích nghi dần với việc ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản ngày càng thu hẹp bằng cách chuyển từ vai trò nhà thầu sang nhà đầu tư.

Với tổng mức đầu tư lên tới 2.434 tỷ đồng, Dự án BOT đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy – tuyến tránh TP. Hà Tĩnh do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng hồi đầu tháng 9/2012 có thể coi là “một mũi tên trúng hai đích”. Không chỉ góp phần “giải cứu” một dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách đã bị “đứng lại” gần hai năm do không bố trí đủ vốn, Dự án còn tạo ra một khối lượng việc làm đáng kể cho các doanh nghiệp của Cienco4.

“Vào thời điểm này, thay vì tiếp tục trông đợi vào nguồn vốn ngân sách có xu hướng giảm dần, Cienco4 phải tự tìm lối ra cho bài toán công ăn, việc làm bằng cách vươn lên làm chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông”, ông Lê Ngọc Hoa, Tổng giám đốc Cienco4 cho biết.
Trong suốt một tuần qua, thông báo ứng trước vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ kế hoạch năm 2013 cho một số dự án hạ tầng giao thông từ nay đến hết 31/11/2013 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành được các nhà thầu trong ngành giao thông – vận tải “săn lùng” nhiều nhất. Và dù đã lường trước sự khó khăn của Nhà nước, nhưng các nhà thầu rất thất vọng vì tổng nguồn vốn ứng năm 2013 phân khai cho các bộ, ngành, địa phương chỉ có 21.000 tỷ đồng, thay vì 30.000 tỷ đồng như kế hoạch.
Đối với lĩnh vực giao thông, sự hụt hẫng còn lớn hơn khi toàn ngành được chia thêm 2.710 tỷ đồng vốn ngân sách và 5.478 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ. Tính tổng cộng cả phần vốn kế hoạch năm 2012 và vốn ứng năm 2013, năm nay, Bộ Giao thông – Vận tải được phân bổ khoảng 25.320 tỷ đồng. Nếu trừ đi 2.000 tỷ đồng vốn ngân sách để đối ứng cho công tác giải phóng mặt bằng tại các dự ODA, toàn ngành chỉ có khoảng 6.200 tỷ đồng vốn ứng năm 2013 chia cho khoảng 100 đầu dự án.
Điều đáng lưu ý là, chính nguy cơ “khô hạn” vốn ngân sách và vốn trái phiếu trong những năm tiếp theo lại là động lực để các doanh nghiệp xây lắp chuyển hướng kinh doanh. “Các doanh nghiệp buộc phải thích nghi dần với việc ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản ngày một thu hẹp, thậm chí còn giảm rất sâu trong vòng 5 năm tới”, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam đánh giá.
Sự đột phá để tự tháo gỡ cho bản thân doanh nghiệp là cần thiết, nhưng trước thực tế rất đáng lo ngại là, hầu hết các doanh nghiệp ngành giao thông đều hạn chế về vốn, nên quá trình trở thành chủ đầu tư sẽ đồng thời với quá trình trở thành con nợ lớn. Vì vậy, nếu không có cơ chế hỗ trợ cần thiết, rất có thể, các doanh nghiệp đột phá sẽ bước vào con đường như các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy xi măng. Đó là bước dần tới bờ vực phá sản.
Để có thể hỗ trợ sự đột phá cần thiết đó, được biết, mô hình đầu tư theo phương thức hợp tác công – tư (PPP), trong đó, Nhà nước sẽ gia tăng phần vốn tham gia của mình để giảm nhẹ phần vay của doanh nghiệp. Mặt khác, việc nhượng thương quyền dọc theo các tuyến đường giao thông được xây dựng theo hình thức BOT cũng đang được cân nhắc. Đột phá trong xã hội hóa đầu tư cho các công trình hạ tầng, nhưng trong những bước đi ban đầu, vai trò của “bà đỡ” Nhà nước sẽ là một trong những yếu tố mang tính quyết định.
Trên thực tế, cơ hội đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông ngày một rõ hơn, với những cơ chế huy động vốn ngày một uyển chuyển và có lợi cho các nhà đầu tư. Ngoài các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ – Cà Mau đã được chốt phương án đầu tư BOT, một loạt dự án lớn trong ngành khác từng được đưa vào danh sách sử dụng vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, như Dự án luồng sông Hậu, cũng bắt đầu kêu gọi xã hội hóa đầu tư dưới hình thức BOT, PPP hoặc BT.
“Nếu tìm được các dự án BOT hạ tầng tốt, có tỷ suất nội hoàn tương đối, thời gian hoàn vốn dưới 20 năm, các doanh nghiệp vẫn có thể thuyết phục được ngân hàng tài trợ vốn”, ông Cấn Hồng Lai, Tổng giám đốc Cienco 1 – đơn vị đang đóng vai trò “người dẫn đầu” tại Dự án BOT cầu Cổ Chiên, Quốc lộ 60 có tổng mức đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng cho biết.

Theo Anh Minh