Điều khiến nhân viên sợ hãi nhất

Chúng ta đều nghĩ rằng mình tự tin, lạc quan không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác và vị trí công tác. Thế nhưng, đôi khi, sự sợ hãi lại đến khiến chúng ta không thể kiểm soát được.

Sau đây là những nguyên nhân dễ khiến nhân viên sợ hãi hơn cả:
– Bị phát hiện

Theo Ruth Mott – chuyên gia tư vấn nghề nghiệp và là chủ sở hữu của Mott Consulting ở Chicago, thông thường, mọi người tỏ ra sợ hãi nhất khi nghe ai đó đe dọa sẽ bị phát hiện. “Có thể nhân viên này có chút giả mạo về giấy tờ, chức danh hay tuổi tác… Khi một ai đó vạch trần sự dối trá của họ, kể cả không ảnh hưởng gì nhưng cũng khiến họ lo lắng”. Tuy nhiên, Mott cũng cho rằng, sự sợ hãi đó là điều dễ hiểu như thể một tên trộm bị người ta bắt ngay tại trận vậy.
Để tránh nỗi sợ này, cách tốt nhất là bạn nên trung thực trong mọi chuyện. Trường hợp không thể làm khác được, bạn nên tìm thời điểm thích hợp để chia sẻ thành thật với người có thẩm quyền, đừng để đến khi chuyện bại lộ mới chịu nói bởi như thế, dù hậu quả không quá nghiêm trọng nhưng ấn tượng của sếp đối với bạn cũng giảm đi phần nào.
– Mắc sai lầm

Stinky Breathe cho rằng, mắc những sai lầm nghiêm trọng nơi công sở là điều khiến bạn sợ hãi hơn cả. Chẳng hạn, “tôi thích sự hài hước nơi công sở và thường trêu đùa mọi người vui vẻ mà mất cảnh giác với xung quanh. Nhưng khi trò đùa ấy lại đến tai kẻ xấu thì quả là khó lường. Tôi đã từng mắc trường hợp như thế nên giờ tôi rất sợ”.
Bạn có năng lực nhưng vẫn có lúc mắc phải sai lầm không được phép. Sai sót ấy khiến bạn rơi vào tình trạng “sai một ly đi một dặm”, khiến công việc đi quá xa theo hướng xấu. Đôi khi, dù vô tình hay cố ý, những sai lầm bạn mắc phải cũng trở thành nỗi lo lắng, sợ hãi khiến bạn không yên, nhất là khi mọi việc đến tai sếp với diễn biến xấu đi.
Bởi vậy, bạn nên để ý mọi hành vi ứng xử cho đúng cách, đừng để những việc không đâu làm ảnh hưởng đến uy tín của mình.

– Thường xuyên bị sếp mắng

Việc thường xuyên bị sếp chỉ trích hay trách mắng trước mặt người khác ảnh hưởng không tốt tới tinh thần làm việc của bạn. Bạn cảm thấy mình như cái gai trong mắt sếp, làm thế nào sếp cũng chẳng vừa lòng, và dù công việc không gặp khó khăn, bạn vẫn bị căng thẳng.
Lúc này, bạn nên mạnh dạn ngồi lại thảo luận với sếp về những khúc mắc trong công việc. Khi sếp lớn tiếng, tốt nhất là nên bình tĩnh, tránh phản ứng trực tiếp và chỉ giải thích khi sếp đã nguôi giận. Tất nhiên, tình huống này chỉ xảy ra khi bạn phạm sai lầm và nếu làm việc tốt, đây sẽ không phải là nỗi lo.
– Bị sa thải

Với thị trường viêc làm ngày càng thắt chặt cộng với tỉ lệ thất nghiệp cao như hiện nay, bị sa thải là một nỗi sợ hãi lớn đối với người đi làm. Nghĩ đến chuyện bắt đầu một quá trình tìm việc mới, chờ đợi, hồi hộp kéo dài, thậm chí không ít lần đón nhận thất bại khiến bạn thực sự lo lắng.
Tiến sĩ Michael Woodware, một chuyên gia nghề nghiệp, khuyên: “Dù bạn không biết trước liệu mình có bị sa thải hay không, hãy cứ tiên phong liên kết với cộng đồng nghề nghiệp của mình. Bạn nên tham gia các hiệp hội nghề nghiệp, câu lạc bộ hay tổ chức chuyên nghiệp… Hãy nhớ rằng người mất việc nhưng nhanh chóng tìm được việc mới khác với người thất nghiệp ở chỗ họ có một mạng lưới quan hệ mạnh mẽ”.

Theo Bưu Điện Việt Nam