Công sở không thiếu những chuyện cạnh tranh, ganh đua, tị nạnh, và phe nhóm. Nếu bạn chưa bao giờ phải đối mặt với chính trường công sở, bạn là một trong số ít người may mắn. Nhưng nếu rơi vào những tình huống khó xử, hãy tham khảo bài viết dưới đây.
1. Bạn biết sếp “ngoi” lên được vị trí hiện tại là do khéo léo luồn lách nơi “chính trường”. Bạn cảm thấy không phục. Làm sao để làm việc với sếp và tiếp tục nỗ lực trong công việc?
Theo ông Sebastian Anthony, Giám đốc cấp cao của Công ty Tư vấn Nhân lực Training Vision, tốt nhất là bạn nên tiếp tục đi tới, chọn cho mình người sếp bạn nể phục, và lấy lại động lực làm việc, vì bản thân công việc vốn dĩ nhiều stress và bạn không thể cảm thấy thoải mái khi làm việc với người sếp như thế.
Tuy nhiên, ông Hermann Ditzig, Giám đốc điều hành của Tập đoàn tư vấn Lead, cho rằng, từ bỏ chỉ nên là bước cuối cùng và đừng vôi cho rằng sếp lên chức toàn nhờ tiểu xảo. Hãy tìm hiểu những đóng góp và thành quả của sếp và hướng tới những gì bạn có thể học được khi làm việc chung với sếp.
2. Bạn vừa phạm một lỗi lớn trong công việc. Làm sao để “lấy công chuộc tội”?
Hãy thừa nhận lỗi của mình, bạn có thể bị la nhưng được xem trọng vì dám chịu trách nhiệm. Hãy nói với sếp về lỗi của mình và bài học kinh nghiệm bạn rút ra được. Sếp sẽ đánh giá cao cách bạn vượt lên sai lầm. Hãy nhớ rằng ngay cả sếp cũng đã từng phạm lỗi, nên đừng tìm cách lảng tránh hoặc qua mặt sếp. Điều quan trọng đối với sếp là bạn đừng bao giờ lặp lại lỗi lầm của chính mình, mà phải học từ nó.
3. Bạn biết một đồng nghiệp đâm chọt sau lưng, bịa chuyện và nói xấu mình trước mặt sếp. Bạn phải làm gì?
Theo Anthony, bạn cần lập tức làm rõ vấn đề với người đồng nghiệp này. Hãy cẩn thận, đừng tỏ ra quá khiêu khích và nên tránh giọng điệu đối chất hay buộc tội. Bạn cần luôn tỏ ra khách quan và đừnng để cảm xúc lấn át – những điều này sẽ cho thấy sự chín chắn và chuyên nghiệp của bạn. Người đồng nghiệp nọ cũng sẽ “cạch” và biết khó mà lùi.
4. Bạn phát hiện ra đồng nghiệp giành công của mình cho một dự án mà bạn phụ trách. Sếp thậm chí còn khen ngợi người đó trong khi công sức là của bạn. Bạn cần phải làm gì?
Theo Anthony, phản ứng của bạn còn phải tùy thuộc vào thâm niên công tác tại công ty của người đồng nghiệp nọ và tầm quan trọng của dự án bạn bị cướp công. “Nếu người đồng nghiệp đó đã làm việc cho công ty lâu năm hơn bạn hoặc dự án ấy không quá lớn, thì bạn nên tránh đối chất thẳng thừng.”
Nguyên tắc số một là không nên phản ứng quá đà, Ditzig cho biết. Chúng ta thường có khuynh hướng đặt nặng và xem trọng thành quả của mình hơn giá trị thực chất của nó, và người đồng nghiệp cũng có thể nghĩ rằng đóng góp của người ấy quan trọng hơn kết quả thực sự mà nó mang lại. Vấn đề không phải nằm ở chuyện so bì sếp khen ai mà quan trọng bạn phải chứng tỏ với sếp mình cũng đã nỗ lực không kém.
5. Làm sao để bảo đảm bạn luôn tạo được ấn tượng tốt tại công ty nhưng không cần phải sử dụng tiểu xảo?
Theo Bà Pang Li King, Giám đốc điều hành công ty tư vấn hình tượng Potenxia, cho biết, cách ăn mặc chiếm tầm quan trọng đáng kể trong việc này. Nếu bạn cần cho thấy quyền hạn của mình, hãy chọn cách ăn mặc phù hợp – vest bộ màu đen.
Tuy nhiên cũng đừng tỏ ra cứng ngắc, đặc biệt là với “trang phục thứ Sáu” vốn cho phép nhân viên thoải mái và linh động hơn. Nếu bạn làm trong những ngành sáng tạo, hãy thêm tiếng nói cho vẻ bề ngoài của mình bằng phụ trang, giỏ sách và giày.
Theo Thegioisanhdieu