Và đó là những điều chính xác về điệp viên 007. Kể từ năm 1952, khi Ian Fleming xuất bản cuốn sách đầu tiên về điệp viên James Bond với mật danh 007, “sản phẩm” này luôn là tâm điểm chú ý của mọi người. Chuyện về James Bond còn được hãng EON Productions khai thác và dựng thành 21 bộ phim.
Cùng với thời gian, hình ảnh James Bond trở thành biểu tượng của ngành giải trí thế giới – một trong những người hùng phiêu lưu mạo hiểm thành công nhất tại Hollywood. Rõ ràng James Bond không khác biệt mấy so với những chiếc lốp xe Goodyear hay cà phê Folgers: James Bond là một nhãn hiệu thực sự. Vậy chúng ta có thể rút ra được những bài học kinh doanh gì từ “sản phẩm thành công James Bond” này của ngành giải trí?
Bài học kinh doanh 1: Mọi sản phẩm/dịch vụ đều cần được cải tiến
Ngay cả những sản phẩm/dịch vụ hoàn hảo nhất cũng cần được cải tiến liên tục. “Có khi chúng ta thay đổi chất lượng, thay đổi bao bì, mẫu mã và có khi là tất cả”, chuyên gia hàng đầu trong dịch vụ khách hàng Paul Kowal tại hãng tư vấn kinh doanh và dịch vụ khách hàng Kowal & Associates Inc., cho biết.
“Aunt Jemima có thể là một ví dụ kinh điển”, Kowal giải thích rằng trong khi các công thức chế tạo bánh kếp của hãng Aunt Jemima không thay đổi trong nhiều năm qua, thì nhãn hiệu Aunt Jemima được cập nhật ba đến bốn lần trong một năm để thu hút các khách hàng trẻ tuổi.
Tất cả các bộ phim về James Bond đều rất thành công bởi vì chúng tuân theo một yếu tố gọi là “công thức thời gian và hành động”. Điều gì bất biến đối với Bond? Hành động, phụ nữ, mạo hiểm, vũ khí tối tân – chúng luôn xuất hiện trong mọi cuốn phim và sách về điệp viên 007. Điều gì thay đổi? Thời gian. Mọi thứ đều được cập nhập theo sự tiến triển của thời gian. Không có cuốn phim nào có nội dung xảy ra vào thời quá khứ, tất cả đều ở thì hiện tại.
Trong hoạt động kinh doanh, bạn hãy sử dụng công thức này. Điều cần duy trì bất biến: chất lượng dịch vụ, tiếp xúc cá nhân và phản hồi nhanh chóng. Điều gì cần thay đổi: bất kể điều gì có thể khiến sản phẩm/dịch vụ của bạn trở thành lỗi thời.
Bài học kinh doanh 2: Đừng bao giờ quên những khách hàng cốt lõi
Barbara Broccoli, nhà sản xuất nhiều bộ phim nổi tiếng về điệp viên 007, kể với tạp chí IF Magazine rằng khi lên kế hoạch làm bộ phim mới, ông đã nghĩ rất nhiều về bộ phim trước đó Die Another Day. Mặc dù, bộ phim này thành công khá lớn nhưng nhà sản xuất vẫn cảm thấy có điều gì đó không ổn, có quá nhiều yếu tố tưởng tượng, chẳng hạn như Bond lái một chiếc xe tàng hình. Thế là Broccoli quyết định sản xuất bộ phim mới với ít tính phi thực hơn, trung thành với những gì mà các cuốn sách và một số bộ phim trong quá khứ về James Bond đã thể hiện.
Tuy nhiên, Broccoli không cố gắng thay đổi hoàn toàn những gì về James Bond đã được mọi người yêu mến để làm lại từ đầu. Các bộ phim mới của ông vẫn có rất nhiều thiết bị công nghệ hiện đại, chỉ có điều nó thực tế hơn mà thôi. “Và đó là một điều tốt”, Peter Shankman, CEO của hãng dịch vụ PR, Geek Factory và là tác giả của nhiều cuốn sách PR (Giao tế công cộng), cho biết.
Peter Shankman nói: khi các công ty cải tiến sản phẩm/dịch vụ, hãy nhớ rằng chính các fan hâm mộ mới là những người đem lại thành công cho bạn. Đừng bao giờ quên họ. Bạn hãy luôn lấy họ làm tâm điểm và xác định mong muốn, nhu cầu của những khách hàng này. Khẩu súng của Bond có thể nhỏ hơn và chính xác hơn, song Bond vẫn đặt nó dưới chiếc gối của mình.
Bài học kinh doanh 3: Giao tiếp bằng ngôn ngữ của khách hàng và tránh dùng những từ chuyên môn khó hiểu
Nếu bạn không biết cách giao tiếp với các khách hàng, thì bạn có nói nhiều đến đâu, họ cũng sẽ không bao giờ nghe bạn. “Bond luôn nói chuyện theo cách thức giao tiếp rất đời thường pha lẫn sự hài hước”, Lovas – sáng lập viên AboutPeople, một công ty tư vấn chuyên về giúp đỡ các công ty và cá nhân – nói, “Trong hoạt động kinh doanh của tôi – để đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – chúng tôi nhận ra 62 từ và cụm từ chuyên môn không bao giờ nên nói với các khách hàng”.
Lovas khuyên các chủ doanh nghiệp nên giao tiếp theo cách cùng suy nghĩ với khách hàng sử dụng những ngôn từ nhất quán cho dù là qua điện thoại hay trên văn bản giấy tờ, đặc biệt cần tránh những thuật ngữ chuyên môn khó hiểu.
Bài học kinh doanh 4: Hình ảnh nhất quán và xuyên suốt
Tất cả người xem đều háo hức chờ đón bất cứ bộ phim nào về James Bond. Đó là lý do tại sao một năm trước khi phim Casino Royale được trình chiếu, có rất nhiều tranh luận về nam diễn viên Daniel Craig sẽ thủ vai James Bond. Daniel Craig có mái tóc vàng với đôi mắt xanh. Không giống với các nam diễn viên trước đây. Còn rất ít người biết về Daniel Craig. Chỉ một số nhớ Craig trong bộ phim Road to Perdition. Trong bộ phim này, anh vào vai nhà thơ đồng thời là người con trai tâm thần của một lính đánh thuê Sylvia. Cho dù Craig đã từng là ai chăng nữa, thì các fan của James Bond đều cảm thấy anh không phải là một diễn viên lý tưởng để thủ vai này.
Kowal giải thích việc này theo cách sau: “Tôi nghĩ rằng việc này là dễ hiểu. Thỉnh thoảng bạn phải thay đổi để thu hút các khách hàng mới. Đó là lý do tại sao các nhà làm phim đã nỗ lực thay đổi nam diễn viên chính đến 6 lần. Nhưng mọi người đều yêu thích cảm giác ổn định và vì vậy nên duy trì một hình ảnh James Bond nhất quán. Hình ảnh sản phẩm xuyên suốt là rất quan trọng”.
Bài học kinh doanh 5: Hiểu rõ nghệ thuật giao tiếp trong kinh doanh
Trong một bộ phim, khi Bond bị trói chặt vào bàn và trước mặt là một máy chiếu laze sẵn sàng phóng thẳng vào người, kẻ thù của Bond là Goldfinger nói: “Bond, hãy chuẩn bị nói lời cuối cùng đi”.
“Anh muốn tôi nói gì?”, Bond điềm tĩnh hỏi lại.
“Chẳng muốn gì, tôi chỉ muốn cái chết của anh”, Goldfinger đáp lại.
Sau đó, James Bond hé mở một vài bí mật và cho rằng không chỉ có anh ta biết rõ mà còn có một số đồng nghiệp nữa cũng biết. Điều này đủ để giữ cho Bond được tiếp tục sống. Những kiểu thương lượng như vậy bạn thường thấy trong các bộ phim về James Bond. Bond luôn tìm ra một yếu tố thích hợp nào đó vào thời điểm cần thiết. Đó có thể là thông tin hay điểm yếu của đối thủ để đạt được mục đích mình mong muốn.
Các chủ doanh nghiệp ngày nay cũng thực hiện những công việc tương tự như vậy hàng ngày, chỉ có điều là qua email hay tại một cuộc họp, chứ không phải đứng trước kẻ sát nhân với súng máy trong tay như James Bond. Việc có khả năng đề xuất một điều gì đó để thu về những kết quả như mong muốn là rất quan trọng trong kinh doanh.
Đó là lý do tại sao McDonald thường xuyên hợp tác với các hãng phim và nhà sản xuất đồ chơi để tạo dựng những giá trị lớn hơn trong Happy Meals (Bữa ăn hạnh phúc) – một khẩu hiệu quan thuộc của hãng. Các bộ phim về James Bond thường xuyên hợp tác với rất nhiều nhà sản xuất khác nhau. Trong Casino Royale, rượu martini của Smirnoff, ôtô của Aston Martin và điện thoại camera của Sony Ericsson.
Đối với Bond, bằng nghệ thuật giao tiếp tuyệt vời anh đã cứu được mạng sống của bản thân và có khi là cả sự tồn tại của thế giới. Tương tự như vậy, đối với một chủ doanh nghiệp, giao tiếp hiệu quả có thể tiết kiệm đ ược từ thời gian cho đến tiền bạc và thậm chí là cứu sống cả công ty.
Bài học kinh doanh 6: Xây dựng mạng lưới các mối quan hệ
Một trong những tính cách khiến Bond trở thành điệp viên vĩ đại nhất thế giới đó là khả năng thiếp lập mạng lưới các mối quan hệ. Ví dụ, khi Bond (do Pierce Brosnan thủ vai) tìm kiếm loại vũ khí vệ tinh GoldenEye bị mất tích trong bộ phim GoldenEye, anh ghé qua St. Petersburg, sử dụng một địa chỉ liên lạc của CIA đưa cho để gặp gỡ trùm mafia Nga – Valentin Zukovsky. Qua Valentin, Bond tiếp xúc với người đứng đầu một tổ chức tội phạm ở Nga để thu thập những thông tin quan trọng. Cứ thế, dần dần Bond tìm ra đầu mối cần thiết.
Yếu tố quan trọng ở chỗ cho dù là với những đồng nghiệp thân cận như M, Q, Felix hay trong những mối kết giao mới với những con người xa lạ, Bond luôn biết rõ tầm quan trọng của việc hiểu mọi người, luôn giữ mối liên lạc và không ngại tiếp cận để có được thông tin. Điều này cũng bổ ích với bất cứ ai trong thế giới kinh doanh. Phòng thương mại và công nghiệp địa phương có thể giúp bạn liên hệ với ai đó tại một tổ chức phi lợi nhuận để có được một số thông tin quan trọng.
Bài học kinh doanh 7: Luôn chủ động và tiên phong thực hiện
Lovas tin rằng thế giới được chia thành 2 nửa: thứ nhất đó là những người luôn tiên phong hành động và thứ hai là những người bị động phản ứng lại. “Những người chủ động sẽ nhanh chóng quyết định để đi đến hành động, còn những người bị động luôn chần chừ và cân nhắc”.
Ở đây không có nghĩa, Lovas muốn chỉ trích những CEO hay các chủ doanh nghiệp bị động. “Họ chần chừ bởi vì họ muốn chắc chắn rằng mình hoàn toàn đúng trước khi hành động”, Lovas giải thích, “Bond là một hình mẫu lý tưởng cho cả hai bởi vì anh luôn hành động trước và đồng thời đó luôn là những hành động chuẩn xác nhất”.
Có thể thấy rằng, mọi công việc Bond thực hiện đều đạt được kết quả mỹ mãn. Nhưng đó là trong phim truyện còn trong thế giới kinh doanh thực, chúng ta không phải là nhà viết kịch bản có thời gian suy ngẫm và tự xếp đặt các tình tiết để đảm bảo rằng quyết định của chúng ta là chuẩn xác nhất.
Mặc dù vậy, những triết lý và phương thức hành động của Bond vẫn là những bài học thú vị có thể ứng dụng vào các chiến lược kinh doanh. Thật hiếm khi một biểu tượng của ngành giải trí thế giới lại có thể đem đến nhiều bài học quý giá như vậy.
Theo marketingvietnam