Nguyên nhân bắt đầu từ sự việc: Công ty NRC của Mỹ chuẩn bị mua dầu thô của công ty thăm dò dầu khí Mỹ, sau đó sẽ xây dựng một căn cứ lọc dầu tầm cỡ ở miền Bắc Canada. Khi đó tập đoàn Akata cũng bắt đầu tham gia vào công việc này, đảm nhiệm việc tiêu thụ dầu mỏ do căn cứ lọc dầu này cung cấp. Mặc dù giữa Akata và công ty NRC có ký hợp đồng độc quyền tiêu thụ nhưng không đưa ra nhiều điều kiện kèm theo. Đầu tiên, tập đoàn Akata trả thay khoản tiền mua dầu thô, đồng thời trong giai đoạn đưa dầu thô vào lọc cho đến khi tiêu thụ, tập đoàn Akata phải chi ra cho việc này một khoản tiền lớn. Tổng cộng, số tiền tập đoàn Akata cho vay đã lên tới 43 triệu USD. Tuy nhiên, trong hợp đồng không hề có điều khoản bảo đảm nào cho Akata, và sau mười hai năm mới bắt đầu nhận hoàn lại vốn, một điều kiện tương đối bất lợi cho Akata.
Vậy vì sao Akata lại chấp nhận một hợp đồng với điều kiện hà khắc như vậy? Điều đáng nói là giao dịch này không do ban giám đốc tập đoàn quyết định mà do các trưởng đại diện hãng và giám đốc điều hành tự đàm phán. Và tâm lý nôn nóng muốn nhanh chóng trở thành hãng buôn tổng hợp lớn nhất Nhật Bản chính là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy họ thự hiện việc ký kết này. Sau đó, khi một số lãnh đạo quan trọng biết đến chuyện này và yêu cầu sửa lại hợp đồng, họ đã không được phía đối tác chấp nhận.
Tuy nhiên, sau khi vấn đề bất lợi của hợp đồng này lộ ra, nếu Akata chấm dứt hợp tác với NRC, xem sự việc đó như “việc đã rồi” thì sẽ không dẫn đến tình trạng phá sản. Nhưng tập đoàn Akata lại rất yếu về ngành dầu mỏ nên muốn dựa vào sự hợp tác với NRC, coi đó là cơ hội để cất cánh. Do đó, Akata lại tiến thêm một bước nữa là chi thêm 240 triệu USD nữa cho phi vụ làm ăn này. Và cuối cùng thì tập đoàn Akata đã mất hoàn toàn khả năng khống chế.
Việc số tiền mà tập đoàn Akata cho công ty NRC vay trở thành khoản nợ khó đòi phần nào đã cho thấy rằng thể chất kinh doanh của bản thân Akata có vấn đề. Điều đó cho thấy rằng cho dù quy mô của xí nghiệp lớn đến mức độ nào, nếu không có cách thu hồi khoản tiền nợ lớn thì kết cục phá sản là khó tránh khỏi.
Truy cứu trách nhiệm về sự “ngây thơ khờ khạo” của những người quản lý tồi chăng? Hay là do các hãng buôn sinh sau đẻ muộn một mực muốn vượt gấp lên trước “các bậc tiền bối” – những hãng buôn tồn tại từ trước chiến tranh – cho nên quyết tâm mở rộng sự nghiệp sinh ra sự nôn nóng chăng? Dù sao chăng nữa, cả hai nguyên nhân trên đều khó có thể biện hộ cho những quyết định của Akata và hãng đã phải chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình. Âu cũng là một bài học đau xót cho sự nôn nóng mạo hiểm của doanh nghiệp vậy.
Theo Financial Times