Ưu đãi thanh toán – Thật và ảo

Trong kinh doanh, để có được khách hàng, khá nhiều công ty không ngần ngại đưa ra các hình thức ưu đãi và giảm giá. Nhưng đó lại là con dao hai lưỡi, nếu bạn dành cho khách hàng những điều kiện ưu đãi thanh toán mà không có đủ thông tin về họ hay sơ hở trong việc kết hợp điều kiện cơ sở giao hàng với phương thức thanh toán không đủ sức ràng buộc trách nhiệm của người mua hàng thì rủi ro sẽ vô cùng lớn. Là hãng kinh doanh đồ điện lạnh khá uy tín tại Pháp, Jean Francois Co.Ltd đã mở rộng thị trường của công ty sang nhiều thị trường lớn tại châu Á như Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản,… Hãng rất chú trọng đến việc khai thác và phát triển thị trường Trung Quốc, một thị trường đầy tiềm năng và rất rộng lớn.

Từ tháng 4 năm 2004, sau nhiều nỗ lực, Jean Francois đã có được những hợp đồng xuất khẩu đầu tiên sang Trung Quốc cho một doanh nghiệp thương mại Trung Quốc là công ty Limex Shanghai. Những hợp đồng suôn sẻ ngày càng thắt chặt mối quan hệ thân tình giữa Jean Francois và Limex Shanghai. Không những thế, qua lời giới thiệu của một số doanh nhân Pháp sống tại Trung Quốc thì Limex Shanghai cũng là doanh nghiệp khá có uy tín, nên Jean Francois hoàn toàn yên tâm trong các giao dịch sau đó.

Đến năm 2004, Jean Francois đã ký với Limex Shanghai một hợp đồng hàng điện lạnh với trị giá là 700.000 USD, điều kiện FOB Trung Quốc và thực hiên thanh toán thông qua phương thức nhờ thu bằng chứng từ D/A (Documentary Against Acceptance) qua Ngân hàng BNP Parisbas Pháp và có thể trả chậm trong vòng một tháng sau khi giao hàng. Đây là điều khoản khá rộng rãi của Jean Francois dành cho Limex Shanghai vì thông thường, thanh toán bằng phương thức nhờ thu sẽ không an toàn bằng thanh toán tín dụng chứng từ (L/C). Hơn nữa việc cho phép đối tác có thể trả chậm một tháng sau khi giao hàng cũng là sự “hy sinh lớn” vì tinh thần phục vụ khách hàng của Jean Francois.

Sau khi giao hàng, Jean Francois đã giao toàn bộ bộ chứng từ về hàng hoá cho ngân hàng cùng tờ hối phiếu đòi tiền. Ngân hàng BNP Parisbas Pháp cũng đã thông báo cho ngân hàng của Limex Shanghai tại Trung Quốc nhiều lần nhưng không thấy hồi đáp từ Limex Shanghai cũng như từ ngân hàng Trung Quốc. Trong khi đó, thông báo của hãng tàu về việc giao hàng đúng thời hạn cho Limex Shanghai đã được gửi đến Jean Francois. Sỡ dĩ hàng có thể giao cho Limex Shanghai được mà không cần những giấy tờ về hàng hoá khác là bởi vì hợp đồng được ký kết theo điều kiện FOB, trong đó, Limex chính là người đi thuê tàu và là người cầm vận đơn gốc có thể nhận hàng.

Sau một tháng không thấy phản hồi từ Limex Shanghai, Jean Francois lại tiếp tục nhờ ngân hàng BNP Parisbas Bank gửi thông báo đòi tiền đến ngân hàng bên Trung Quốc yêu cầu Limex Shanghai thanh toán tiền hàng. Nhưng ở đời không ai học được chữ ngờ: Hơn một tháng sau đó, Jean Francois nhận được thông báo từ ngân hàng của Limex Shanghai ở Trung Quốc cho biết Limex Shanghai đã phá sản.

Sững sờ trước thông tin này, Jean Francois lúc bấy giờ mới tìm hiểu kỹ càng về đối tác của mình. Thì ra Limex Shanghai tại Trung Quốc khi biết mình có nguy cơ phá sản đã quyết định lợi dụng người bán quen biết và dễ tin để mua hàng sau đó bán lại hàng hoá và không thanh toán. Và Jean Francois cũng không phải là nạn nhân duy nhất.

Số hàng điện lạnh của Jean Francois xuất sang đã ngay lập tức được bán lại cho một doanh nghiệp khác từ trước đó. Giờ đây, khách hàng phá sản, Jean Francois thật chẳng còn cách nào khách đòi lại được hàng chứ chưa nói đến việc được thanh toán tiền hàng. Trong khi đó, vì trong hợp đồng đã chót thoả thuận thanh toán bằng phương thức nhờ thu, nên công ty cũng không thể trông chờ sự chia sẻ trách nhiệm từ cả ngân hàng nước ngoài lẫn ngân hàng của chính mình. Lượng hàng mất đi không chỉ là 700.000 USD thiệt hại trong doanh thu mà còn là mất của Jean Francois không ít thời gian và công sức để điều tra tìm hiểu lại khách hàng.

Vụ việc Jean Francois là bài học đắt giá cho các công ty khi không có sự nghiên cứu kỹ thông tin về khách hàng trước khi ký kết hợp đồng có điều khoản thanh toán ưư đãi như thế. Nhất là khi những sự ưu đãi trong thanh toán lại được đi kèm với điều kiện giao hàng FOB. Một hợp đồng như thế thật chẳng khác gì đã đặt quyền lợi của mình trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi đối tác không có thiện chí trả tiền hàng.

Trong kinh doanh ngày nay, thanh toán quốc tế đang ngày trở nên phổ biến. Những phương thức thanh toán truyền thống như tiền mặt đã dần được thay thế bằng những phương thức thanh toán hiện đại hơn, nhanh chóng hơn. Các doanh nhân cũng sử dụng các phương thức thanh toán một cách thông dụng và linh hoạt hơn trong hoạt động giao thương của mình. Nhưng dường như đây lại là “con dao hai lưỡi”, không ít lần sự linh hoạt và dành nhiều ưu đãi thành toán cho các khách hàng lớn đã đẩy các công ty vào những hiểm hoạ khôn lường.

Thôi thì, “một lần ngã là một lần bớt dại”, hy vọng là sau bài học này, Jean Francois và các công ty khác hẳn sẽ không bao giờ lặp lại sai lầm này một lần nữa

Theo Bwportal