Bán hàng – Những kinh nghiệm không bao giờ cũ

Dưới đây là một số kinh nghiệm đúc kết từ thực tế kinh doanh, từ những quan sát của người viết. Đây không phải là lý thuyết trong sách giáo khoa nên có thể có những thiếu sót.

Bán thứ khách hàng cần
Nguyên tắc này xưa như trái đất, nhưng có lẽ chỉ một số người bán hàng còn dám tuân thủ vào thời điểm kinh doanh gặp bất lợi. Bởi khi buôn bán ế ẩm, ruột gan héo hon với đống hàng tồn chất đống trong kho, mấy ai còn đủ dũng khí mà không tìm mọi cách… bán tất cả những thứ mình có. Một vị khách vào cửa hàng hỏi mua hộp sữa tươi loại 1 lít, có đường. Nhằm ngay thời điểm khan hiếm hàng, người bán cho biết chỉ còn loại sữa tươi không đường, giàu canxi. Khách từ chối mua với lý do không quen dùng sữa không đường. Người bán hàng bèn tư vấn về nhu cầu canxi cho cơ thể của người tuổi trung niên: “Chị ơi, phụ nữ bước vào tuổi trung niên như chị em mình thì cơ thể bị mất dần canxi, nên phải bổ sung…”.
Nể lời, vị khách mua hộp sữa nhưng phát hiện hạn sử dụng của sản phẩm chỉ còn chưa đầy một tháng. Lúc này, vị khách cho rằng người bán hàng thực chất muốn… dọn hàng tồn kho nên đã từ chối mua sản phẩm.
Trong trường hợp này, nếu cửa hàng không còn loại sản phẩm khách hàng cần, người bán có thể chạy đi lấy hàng ở nơi khác, hoặc nếu là khách quen thì xin địa chỉ để giao hàng tận nhà cho họ. Như thế mới là bán đúng thứ khách hàng cần mua, chứ không phải chỉ tìm cách bán cái mình có!
Chưa kể, người bán còn vô tình làm phật lòng khách hàng khi nói rằng chị ta đang bước sang sườn dốc bên kia cuộc đời! Hiển nhiên, vị khách đó sẽ đưa ra những lý do để không mua hàng như lượng canxi cần thiết cho cơ thể có thể bổ sung từ nguồn thực phẩm khác ngoài sữa; việc bổ sung quá nhiều canxi cũng có thể gây hại cho cơ thể…

Làm vừa lòng khách hàng
Đây cũng là câu chuyện cũ. Ai chẳng biết muốn bán được hàng thì miệng lúc nào cũng phải cười tươi như hoa, nói năng nhỏ nhẹ, phục vụ chu đáo, tiếp đãi ân cần… Nhưng xét cho cùng, các thủ thuật trên nếu sử dụng một cách thành thục quá sẽ dễ tạo vẻ xởi lởi giả tạo. Những khách hàng tinh ý, hoặc chỉ cần đi mua hàng thường xuyên sẽ nhận biết ngay. Từ đó, khi vào cửa hàng, khách có thể chỉ săm săm đi tới chọn hàng, chứ chẳng thèm để ý xem người bán hàng đang chiêu dụ gì.
Vì vậy, chuyện làm vừa lòng khách nên được hiểu là hãy làm cho họ thoải mái, vừa ý, thậm chí là thỏa mãn với ngay cả những thứ họ không phải bỏ tiền ra mua. Ở đây không bàn chuyện tặng quà khuyến mãi, giảm giá sản phẩm… dù trên thực tế một số nơi làm điều này một cách chiếu lệ, được chăng hay chớ.
Giữa năm 2010, một siêu thị bán lẻ tại TPHCM rầm rộ khai trương. Trong ngày đó, khách đến tham quan đông như trẩy hội. Nhân viên, cán bộ quản lý siêu thị ra tận cửa đón khách với thái độ cung kính. Tuy nhiên, ấn tượng tốt đẹp này chỉ có ở tuần lễ khai trương, sau đó khách đến mua sắm thường phải chịu đựng những bực bội không đáng có. Siêu thị có bãi giữ xe rộng, nhiều tầng, lối đi ngoằn ngoèo như mê cung.
Mấy hôm đầu, do đông khách nên nhiều người cố nhẫn nhịn chuyện mấy anh bảo vệ điều khiển xe ra vào bằng những tiếng còi huýt váng tai, những tiếng quát mắng thô lỗ… Khi hết tháng khuyến mãi, lượng khách mua sắm giảm đáng kể nhưng mấy anh bảo vệ vẫn tiếp tục thể hiện uy quyền của mình bằng những cái chỉ tay, tiếng quát tháo, tiếng tu huýt chói tai với những vị khách vì chưa rành đường nên đi sai hướng trong mê cung gửi xe.
Nhiều người quá chán ngán nạn “chỉ trỏ, quát tháo” nên ra ngoài gửi xe. Siêu thị bèn đưa ra chính sách giảm giá giữ xe cho khách mua sắm. Chuyện tưởng đơn giản nhưng các “công đoạn thực hiện” lại quá rườm rà. Ngoài nỗi phiền toái này thì việc nhận tiền hỗ trợ gửi xe cũng có hơi hướm tem phiếu thời bao cấp. Ở các siêu thị khác, nếu đựng hàng trong làn xách tay của siêu thị thì khi tính tiền khách chỉ việc để cả làn lên quầy, nhân viên siêu thị sẽ lấy hàng ra giúp khách. Còn tại siêu thị này, dù không phải lúc đông khách nhưng nhân viên thu ngân vẫn kiên quyết bắt khách phải tự lấy hết hàng ra để trên quầy, rồi mới chịu tính tiền. Dù sao đi nữa ban quản lý siêu thị cũng nên để tạo cho khách hàng cảm giác thoải mái mọi lúc mọi nơi, để việc đi mua sắm không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng cá nhân, mà còn là hành vi ủng hộ doanh nghiệp.

Đối thủ luôn… mạnh hơn
Nhìn ở một góc độ nào đó, các đối thủ luôn có điểm mạnh hơn mình. Xét về lĩnh vực bán hàng, điểm mạnh về tiềm lực tài chính chưa hẳn đã tốt hơn khả năng thấu hiểu thị trường, phương pháp tiếp cận người tiêu dùng ở những góc độ và thời điểm thuận lợi cho việc mua sắm của họ nhất. Thời gian qua, nhiều hệ thống cửa hàng tiện lợi đã xuất hiện ở TPHCM. Dù là mô hình kinh doanh nhượng quyền của nước ngoài, tên cửa hàng bằng tiếng nước ngoài, nhân viên mặc đồng phục rất chuyên nghiệp… nhưng xét cho cùng thì đây cũng chỉ là những tiệm tạp hóa “lên đời”. Họ hướng đến sự phục vụ thân thiện với khách hàng bằng những cửa hàng sạch đẹp, hàng hóa trưng bày bắt mắt, nhân viên tiếp đón ân cần… Họ tạo sự tiện lợi trong việc mua sắm bằng cách xuất hiện ở những vị trí đắc địa, giữ xe miễn phí, giá cả niêm yết rõ ràng…
So với những cửa hàng tạp hóa truyền thống, họ có lợi thế nhiều hơn trong việc tiếp cận những khách hàng thuộc giới văn phòng, có thu nhập từ khá trở lên, không có nhiều thời gian mua sắm một số mặt hàng thiết yếu trong ngày… Tuy nhiên, điểm mạnh vừa nêu cũng có thể là điểm yếu. Trước hết, do chú trọng vào việc chiếm lĩnh các vị trí đẹp trên đường, họ có thể bỏ lỡ cơ hội phục vụ cư dân trong các con hẻm. Nhiều đường hẻm ở TPHCM dài, lối đi ngoắt ngoéo, ăn thông sang nhiều con đường, hẻm ở các phường, quận khác…
Trong khi thói quen mua tạp hóa không giống như việc mua sắm định kỳ ở siêu thị. Người ta có thể đang làm công việc nhà, đang nấu ăn và chợt thấy thiếu một thứ gì đó. Lúc đó, họ sẽ cảm thấy các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ trong hẻm tiện lợi hơn!
Kế đến, do hướng đến phục vụ sự tiện lợi, các cửa hàng tiện lợi thường tập trung vào việc trưng bày hàng bắt mắt nhằm lôi cuốn sự chú ý của khách mua sắm, đồng thời chỉ đáp ứng một số nhu cầu cần thiết của người tiêu dùng. Điều này tất yếu dẫn đến khả năng nguồn hàng của họ không đa dạng, trong khi tiệm tạp hóa thường kinh doanh theo lối “nhà kho chứa hàng” nên hầu như hàng hóa nào họ cũng có thể phục vụ.
Chưa kể, mô hình kinh doanh “nửa siêu thị, nửa tạp hóa” của các cửa hàng tiện lợi còn khiến giá bán luôn mắc hơn các tiệm tạp hóa. Có thể nhiều chủ cửa hàng tiện lợi cho rằng người tiêu dùng phải trả giá cao hơn để được phục vụ sự thuận tiện trong mua sắm. Điều này nói chung là đúng, nhưng trong nghề bán lẻ, khách mua hàng thường rất quan tâm đến những điều nhỏ lẻ. Chẳng hạn, khi giá bán của anh cao hơn đối thủ chỉ 1.000 đồng; khi nhân viên tính tiền làm tròn số lẻ 200 đồng thành 500 đồng trong phiếu tính tiền của khách thì biết đâu nhiều người chẳng tiện nói ra nhưng họ đã ngầm bất mãn và tẩy chay!

Theo Quanlybanhang.com