Phong trào nội địa hóa CEO ngoại

Kỳ vọng đem lại luồng gió mới, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã đặt quyền chỉ huy vào tay các vị quản lý người nước ngoài.

CEO ngoại ồ ạt cập bến

Trong những năm gần đây, làn sóng này đã lan sang Việt Nam ở nhiều lĩnh vực. Từ tháng 8/2008, Tập đoàn Đồng Tâm Group đã mời ông Etienne Lucien Laude (Pháp) làm Tổng giám đốc và ông Seiji Suzuki (Nhật) làm Phó giám đốc để triển khai dự án BiC (Bess in Class) nhằm nâng thương hiệu Đồng Tâm lên tầm khu vực.

Cùng thời điểm đó là sự bổ nhiệm ông Chad Ovel (Mỹ) của Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA với lý do đa số khách hàng của AA là người nước ngoài, nên ông Ovel là lựa chọn phù hợp. Ngoài ra còn có FPT (CEO Nhật Bản), Bitexco (CEO Hàn Quốc)…

Trong số đó, lĩnh vực ngân hàng thu hút sự chú ý với sự thay đổi CEO khá “rầm rộ”. Đầu tiên là Ngân hàng Mekong Bank chọn ông Lau Boon Tuan (Singapore) làm CEO; rồi đến vị giám đốc gắn bó 12 năm với Techcombank, ông Nguyễn Đức Vinh, ra đi, nhường chỗ cho ông Simon Morris (Anh), khiến không ít người bất ngờ; tiếp nối là sự tiếp quản Maritime Bank của ông Atul Malik (Ấn Độ).

Cùng với đó là sự xuất hiện của công ty kinh doanh cho thuê CEO của ông Robert Trần (Công ty Tư vấn Robenny châu Á – Thái Bình Dương) để đáp ứng nhu cầu của DN Việt Nam. Ông Robert cho biết, chi phí thuê CEO một tháng tại công ty ông là khoảng 10.000 USD/người, gấp năm lần chi phí thuê một nhà tư vấn, nhưng nhiều DN vẫn tìm đến công ty ông.

Lý giải cho xu hướng này là sự kỳ vọng và tin tưởng CEO “ngoại” sẽ có đủ kiến thức và kinh nghiệm để gỡ rối cho tình hình khó khăn của DN, bởi không ít CEO “ngoại” đã chứng tỏ được bản lĩnh và năng lực.

Trong năm đầu nhiệm kỳ tại Mekong Bank, vị giám đốc người Singapore Lau Boon Tuan đã nâng vốn điều lệ lên 750 tỷ đồng, đưa lợi nhuận tăng 39% so với kế hoạch và được tái bổ nhiệm giữ chức giám đốc cho đến năm 2017.

Với 25 năm kinh nghiệm và từng giữ chức CEO ở Citibank, Deutsche Bank, ông Atul Malik cam kết sẽ tăng 1.000 tỷ đồng vào quỹ vốn điều lệ của Maritime Bank, tăng 30,2% lợi nhuận và kiểm soát nợ xấu. Hay ông Michael Cluzel, tân Tổng giám đốc của Công ty Beeline, đã thành công khi tăng số thuê bao Beeline lên 6,67 lần.

Thua trên sân nhà hay tăng thu chất xám?

Thực tế đã cho thấy, không phải cứ “rước” được người giỏi là đem lại thành công cho công ty. Sau những thất bại liên tiếp tổn thất lên đến 1,2 tỷ USD, vị CEO người Mỹ Howard Stringer đã chính thức rời ghế lãnh đạo Tập đoàn Giải trí, Âm nhạc điện tử hàng đầu Nhật Bản Sony.

Lãnh đạo hãng sản xuất máy ảnh, thiết bị nội soi Olympus, CEO người Anh Michael Woodford, đã bị sa thải sau hai tuần do vấp phải ý kiến phản đối quyết tâm đem lại sự minh bạch cho Công ty.

Mới đây nhất là sự từ nhiệm của CEO người Mỹ Craig Naylor vì những bất đồng với chiến lược Công ty Nippon đưa ra.

Ở Việt Nam cũng có không ít trường hợp tương tự. Những trường hợp trên chứng minh “gió mới” chưa hẳn đã tốt.

Dù có chuyên môn giỏi đến đâu, nhưng nếu không nắm được tình hình trong nước, văn hóa công ty, môi trường làm việc để không áp đặt một cách máy móc những kinh nghiệm đã có lên bộ máy làm việc mới, thì CEO cũng khó điều hành thành công. Và với sự thay đổi đột ngột như vậy, chắc chắn DN cũng cần một quá trình để có thể tin tưởng giao toàn quyền cho họ.

Về CEO Việt thì có Lý Quý Trung – cha đẻ của hệ thống Phở 24, Võ Quốc Thắng của thương hiệu Đồng Tâm, Đặng Lê Nguyên Vũ của Cà phê Trung Nguyên… là những tên tuổi đã nâng công ty của mình lên tầm quốc tế, cạnh tranh với những đối thủ mạnh và tồn tại lâu năm trong ngành với hướng đi đúng đắn và quyết định mang tính đột phá.

Những CEO này đều không xuất thân từ những ngôi trường danh giá thuộc lĩnh vực kinh doanh, thậm chí có người còn thi trượt đại học, song họ đã vươn lên và khẳng định bản thân bằng sự khát khao và kiến thức tích lũy được từ thực tế.

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã thực hiện chính sách mở cửa được 26 năm và gia nhập WTO được gần 5 năm. Nhưng chừng đó thời gian cũng chưa đủ để hình thành và phát triển vững chắc những thế hệ CEO chất lượng người Việt.

Việc trở thành một CEO không chỉ đòi hỏi bằng cấp, mà còn là kinh nghiệm cá nhân, sự am hiểu văn hóa, ngôn ngữ… Do đó, thế hệ trẻ Việt Nam cần nhiều thời gian và cơ hội cọ xát hơn để chuyển mình cùng nhịp với tình hình hiện nay.

Đồng thời, DN cũng cần thêm thời gian để kiểm chứng năng lực của những CEO trẻ người Việt thông qua những thể hiện rõ nét trên thương trường, từ đó mới có được lòng tin nơi họ.

Trong thời gian làm việc tại các DN Việt Nam, CEO “ngoại” không những cải thiện được tình hình hoạt động, tăng lợi nhuận của những đơn vị này, mà còn giúp thay đổi về cơ chế quản lý, các quyết sách và cách tổ chức nhân sự.

Bên cạnh đó, những CEO “ngoại” có mối quan hệ rộng còn là đầu mối dẫn đến sự hợp tác với nhiều đối tác trên thế giới, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho DN.

Việc CEO ngoại xuất hiện ồ ạt và khá đa dạng trong nhiều lĩnh vực là “cơ hội vàng” cho người Việt Nam lĩnh hội được sự tiến bộ của những nền kinh tế phát triển trên thế giới.

Hay nói cách khác, Việt Nam hiện đang sở hữu nguồn chất xám “ngoại” và cố gắng “nội địa hóa” để có thể chuyển biến nền kinh tế nước nhà mà trước mắt là thay đổi được tư duy kinh doanh của người Việt Nam.

Theo Thiên Thuận – Vân Anh DNSG