Trước lời yêu cầu của người khác, không phải lúc nào bạn cũng có thể nói “có”, chấp nhận lời đề nghị ngay được. Tuy vậy, bạn cũng rất băn khoăn không biết nên từ chối thế nào cho thật “dễ nghe” hoặc chí ít chỉ là tạm thời trì hoãn lời đề nghị, không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ tốt đẹp đã có giữa hai người.
Dưới đây là một số những cụm từ bạn có thể sử dụng để nói “không” một cách tự nhiên, tự nhiên như khi bạn nói “có” vậy. Tuy vậy, để những cụm từ này mang lại hiệu quả như mong muốn, hãy nhớ rằng nét mặt và ngữ điệu của bạn cũng phải phù hợp với lời bạn nói ra.
“Không” hay “Không, cảm ơn”
Từ đơn giản nhất để tạo một điểm dừng là “không”. Đó là một từ của quyền lực thuần túy. Đôi khi bắt đầu câu nói bằng từ “không” sẽ rất hữu ích, mang quyền lực trở lại trong lời nói của chúng ta, làm cho lời nói có trọng lượng hơn. “Không! Mẹ chỉ muốn con ăn những gì tốt cho sức khỏe, vì thế con không được phép ăn kem trước bữa tối” – đó là lời đầy quyền uy mà người mẹ nói với con mình. Từ “không” đã mang nghĩa thật rõ ràng và thẳng thắn.
Từ chối một cách thẳng thắn cũng có ưu thế của nó nhưng tốt hơn hết là hãy biểu lộ ý một cách trang nhã. Trong một cuốn phim thời sự kể về Mahatma Gandhi, có đoạn kể về chuyến thăm và nói chuyện hòa bình của ông với người dân Anh, chúng ta thấy những phóng viên hăm hở phỏng vấn ông, đưa micro về phía ông, nhưng ông chỉ đáp lời một cách đơn giản: “Tôi nghĩ là không” và tiếp tục bước đi, mỉm cười.
Thêm một lời cảm ơn vào câu nói “không” sẽ thể hiện lòng tôn trọng và sự quan tâm dành cho mối quan hệ. Từ “không” mang nghĩa bảo vệ quyền uy và từ cảm ơn thể hiện mối liên hệ với sự quan tâm. Một câu nói đơn giản, đầy quyền uy và được đánh giá cao “Không, cảm ơn” là đủ để thể hiện lời khước từ của bạn. Nếu bạn đang cảm thấy tốn thời gian với những nhân viên marketing qua điện thoại phớt lờ hoàn toàn lời đáp ban đầu “Không, cảm ơn” của bạn, thì bạn có thể nói: “Bây giờ tôi đang nói Không. Cảm ơn! Tạm biệt”.
“Tôi có một nguyên tắc”
Có một cách đầy quyền lực để tạo dựng khung giới hạn đó là cách nói về một chính sách của riêng bạn. Ví dụ như: “Tôi có một nguyên tắc là không bao giờ cho bạn bè vay tiền mà không nói rõ là khi nào trả”, hoặc “Tôi không bao giờ đáp lời những cuộc gọi điện thoại nài xin, khẩn khoản”.
Khi bạn nói rằng bạn có một nguyên tắc, có nghĩa là bạn đang muốn nhấn mạnh rằng từ “không” của bạn không phải là một thông điệp “dùng một lần”, mà là một thói quen, một lối sống của riêng bạn, bạn đã phải đầu tư suy nghĩ nhiều cho nguyên tắc này. Đó là một dấu hiệu thể hiện sự kiên quyết, một dấu hiệu cho thấy bạn sẽ không thay đổi quyết định. Tất nhiên, cụm từ này chỉ có tác dụng khi đó thực sự là nguyên tắc của bạn và là thứ gì đó bạn đã dành nhiều thời gian để suy nghĩ.
Tạo dựng khung giới hạn như một nguyên tắc cũng có lợi là để những người khác biết rằng từ “không” của bạn không hề có ý cá nhân và nó còn thể hiện ý tích cực. Bạn nói “không” với họ cũng đơn giản như bạn nói “có” với những nguyên lý và giá trị bạn đã lựa chọn. Tóm lại, nói “Tôi có một nguyên tắc” khẳng định mối quan tâm của bạn, làm tăng thêm quyền uy và làm cho quyết định khước từ không còn thể hiện chỉ là ý kiến cá nhân tức thời nữa.
Hãy xem xét ví dụ sau đây. Đó là câu chuyện về một nhà máy dệt luôn trong tình trạng hối hả, gấp gáp trước các yêu cầu đặt hàng của khách. Qua nhiều năm, công ty giải quyết tình trạng này bằng cách tự điều chỉnh kế hoạch cho “hợp lý”. Khi có một khách hàng nào đó bắt đầu tức giận vì đơn hàng bị đình trệ, nhà sản xuất sẽ giải quyết bằng cách “leo thang – chen ngang” – có nghĩa là sẽ làm gấp riêng đơn hàng đó và tạm ngưng tất cả các đơn hàng khác lại.
Hậu quả là một hệ thống làm việc không có tổ chức và luôn vấp phải sự không hài lòng nói chung của tất cả các khách hàng. Cuối cùng, sau nhiều lần quá mệt mỏi với tính trạng này, ban lãnh đạo công ty quyết định cần phải đối mặt với thực tế vấn đề và thuê một đội chuyên gia tư vấn tìm ra giải pháp xây dựng một hệ thống sản xuất làm việc đúng thời hạn. Để hệ thống đi vào hoạt động có hiệu quả, họ đưa ra một chính sách mới cho tất cả các khác hàng: không “leo thang – chen ngang”. Họ thông báo về chính sách mới và làm đúng theo chủ trương chính sách đề ra bất luận các phản hồi khác nhau từ phía khách hàng.
Kết quả cuối cùng là gì? Chính sách không leo thang đã giúp nhà máy giảm thiểu tối đa sự chồng chéo trong cách quản lý đơn hàng và vì vậy cho phép công ty có thể hoàn thành các đơn hàng chỉ trong vòng 2 tuần thay vì 6 tuần như trước đây. Giờ đây, có rất ít sự trì hoãn xảy ra trong các đơn đặt hàng và công ty không cần phải dùng tới biện pháp “leo thang – chen ngang” tạm thời như trước đây nữa – chính sách đã đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, cả công ty và khách hàng.
Theo Quantri.vn