Họ có hàng nghìn người và mỗi phát ngôn trên mạng của họ đều là “lời vàng ý ngọc” đối với rất nhiều người khác. Đó là “mummy blogger” – những bà mẹ viết blog về các vấn đề xoay quanh cuộc sống gia đình. “Mummy blogger” mang đến cho các bà mẹ mạng hỗ trợ và tranh luận; cho các hãng quảng cáo công cụ quảng cáo phổ biến, tin cậy với chi phí hợp lý.
Trong chiến dịch marketing cho bộ phim mới về gia đình mang tên Despicable Me, lần đầu tiên hãng Universal Pictures bổ sung truyền thông xã hội vào các phương pháp quảng cáo truyền thống. Họ nhắm tới những người yêu thích Facebook, Twitter và cũng là những ông bố, bà mẹ viết blog nổi tiếng ở Mỹ.
Đội quân hùng hậu
Jennifer Donovan làm nội trợ ở Connecticut đã có thâm niên sáu năm viết blog. Chị được Universal Pictures tài trợ vé máy bay tới Los Angeles, sắp xếp nghỉ trong khách sạn cao cấp Four Seasons và tiếp xúc với các ngôi sao Hollywood như Steve Carrell, Miranda Cosgrove, Julie Andrews cùng nhà sản xuất phim. Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi chị viết blog phản hồi rất tích cực về bộ phim.
Trả lời phỏng vấn chương trình BBC World Service′s Digital Planet (Hành tinh số), chị cho biết: “Phải thích bộ phim từ trước tôi mới có thể viết một bài cảm nhận dài hơi như vậy. Còn nếu chỉ vì nhận lời mời của hãng, cảm xúc của tôi đã không dồi dào đến thế.”
Đối với hãng sản xuất, chi phí cho Donovan là xứng đáng. Giám đốc marketing mạng Internet và di động của Universal Pictures, ông Doug Neil đã thẳng thắn trao đổi về mục đích của công ty: “Chúng tôi tin rằng những ông bố bà mẹ viết blog có sức ảnh hưởng rất lớn. Họ có thể quảng bá bộ phim tới các độc giả trên mạng và “cộp” mác đảm bảo đó là một bộ phim lành mạnh dành cho gia đình.”
“Các nhà phê bình vẫn quan trọng, nhưng ở nhiều bộ phim vai trò của họ giảm đi khi truyền thông xã hội đang thế chân tiếp cận người xem. Chúng tôi nhận thấy cộng đồng blog có ảnh hưởng rất lớn khi họ nói về những bộ phim mà họ thích hoặc cho rằng nên xem.”
Những con người thực trong thế giới ảo
Giống như các trào lưu khác trên mạng, những gì bắt đầu ở Mỹ cũng sẽ lan tới Anh.
Linda Jones bắt đầu viết blog dành cho gia đình từ năm 2005 trên trang web cá nhân gotyourhandsfull.com, trong đó cô tập trung vào vấn đề nuôi dạy trẻ sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn nữa. Hiện nay cô viết blog trên trang havealovelytime.com về những chuyến đi và kỳ nghỉ với con cái. Gia đình cô thường được các công ty lữ hành mời nghỉ tại resort và tham gia các hoạt động du lịch.
Linda từng được mời tới Florida và Bahamas nhưng theo cô, du lịch miễn phí không đồng nghĩa với những bài viết tích cực nếu thực tế kỳ nghỉ đó không tốt đẹp. “Trên blog tôi luôn nói rõ đó là bài viết với mục đích PR hoặc kỳ nghỉ có tài trợ. Bạn có thể gặp những lời chê nhưng mang tính chất xây dựng. Chẳng hạn, mấy tuần trước tôi đi nghỉ ở Eurocamp và nói rằng sẽ rất thất vọng nếu phải trả tiền cho kỳ nghỉ đó – và tôi cũng viết như vậy trên blog.”
Cô cho rằng tính minh bạch là điều tối quan trọng để giữ lòng tin của độc giả, vì “Blogger được coi là những con người thực.”
Tôi đang viết PR đây!
Tại Mỹ, quan tâm quanh vấn đề đạo đức và tính hợp pháp của các bài blog đằng sau sản phẩm hoặc dịch vụ đã khiến Ủy ban thương mại liên bang (FTC) phải vào cuộc. Cụ thể, FTC mới đây đã bổ sung sửa đổi luật quảng cáo trong đó quy định các blogger phải nói rõ mối quan hệ của họ với các hãng quảng cáo.
Patrick Ruddell, một trong những “daddy blogger” (ông bố viết blog) cho rằng sức hấp dẫn của đồng tiền có thể dẫn tới làn sóng các bài viết khen ngợi sản phẩm. “Họ ngồi nhà, viết blog và có một nguồn thu nhập tốt từ blog. Vì vậy khi có sự tham gia của đồng tiền thì rõ ràng nội dung bài viết cũng bị tác động. Người ta không trả tiền cho bạn để bạn nói xấu về công ty hoặc sản phẩm của họ.”
Tại Anh, tuy không có hướng dẫn hoặc quy định chính thức nào đối với các “mummy blogger” về việc công khai quan hệ với các hãng tài trợ, nhưng đa phần vẫn cam kết thực hiện điều này. Tôn chỉ của họ là tuyệt đối minh bạch.
Susanna Scott, một “mummy blogger” người Mỹ tại Anh cho biết: “Tôi dùng thử một chiếc máy hút bụi, tôi thấy thích và viết bài về chiếc máy đó. Nhưng tôi viết và nói rõ rằng đây là bài viết có nhuận bút.”
Ở đầu trang blog, Susanna đăng tin về “British Mummy Bloggers Do It With Integrity (“Mummy blogger” Anh viết bài bằng sự minh bạch) – chiến dịch thúc đẩy tính minh bạch và công khai do các blogger khởi xướng. “Chiến dịch này xuất phát từ hướng dẫn của FTC tại Mỹ. Chúng tôi là người đi sau và có thể rút ra bài học từ kinh nghiệm từ người đi trước.”
Susanna cũng cho biết bà đã từng gửi trả lại sản phẩm cho hãng tài trợ khi cảm thấy không phù hợp để viết bài. “Còn việc minh bạch quan hệ là rất quan trọng. Nếu một blogger làm việc với một nhãn hiệu, bạn cần nói rõ với độc giả vì họ có quyền được biết.”
Theo Economics.com.vn