Bảo hộ thương hiệu – Bảo hộ quyền lợi doanh nghiệp

Nhiều thương hiệu Việt Nam bị chiếm dụng ở nước ngoài và các doanh nghiệp (DN) đã rất khó khăn để đòi lại quyền sở hữu chính đáng của mình. Những tranh chấp liên quan vẫn tiếp tục gia tăng cho thấy sự lơ là của nhiều DN trong vấn đề bảo hộ thương hiệu. 

Dùng trước còn mất
Vụ tranh chấp thương hiệu VietAir giữa Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) và Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VietJet) tốn khá nhiều thời gian và giấy mực báo chí. Câu chuyện bắt đầu tư năm 2008, khi Cục Sở hữu Trí tuệ đăng công báo sẽ cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu VietAir cho VietJet. Ngay lập tức, VNA gửi đơn lên Cục Sở hữu Trí tuệ đề nghị không cấp bảo hộ độc quyền thương hiệu VietAir cho VietJet với lý do VNA đã sử dụng nhãn hiệu này từ nhiều năm nay.
Theo VNA, dù không đăng ký nhưng từ năm 1992 đến nay, VNA đã sử dụng thương hiệu VietAir cho các dịch vụ của mình. Hiện tại, thương hiệu VietAir vẫn đang được VNA sử dụng trên các chuyến bay đến Đài Bắc và Cao Hùng (Đài Loan). Nếu thương hiệu VietAir được cấp cho VietJet, khả năng gây nhầm lẫn cho các chuyến bay của hai hãng là không thể tránh khỏi.
Hiện tại, chưa có kết quả cụ thể nhưng theo các chuyên gia, nhiều khả năng thương hiệu này sẽ thuộc về VietJet mặc dù VNA đã sử dụng nhiều năm nay. Vì theo quy định sở hữu trí tuệ, nếu cả hai đơn vị cùng đề nghị được cấp bằng bảo hộ cho một nhãn hiệu trùng nhau thì sẽ xét đến quyền ưu tiên, quyền đó thuộc về đơn vị nộp đơn đầu tiên.
Thương hiệu trùng nhau đó chỉ có thể thuộc về đơn vị nộp đơn sau nếu đơn vị này chứng mình được mình đã sử dụng thương hiệu này rộng rãi, phổ biến. Trong ngành này, cách đặt tên hãng và thương hiệu kinh doanh phổ biến là chọn tên quốc gia rồi ghép với các từ mang tính đặc thù của ngành là Airlines, Air, Airways, Jet. Nếu mất thương hiệu VietAir xem ra VNA cũng mất đi một tài sản giá trị không thể tính bằng tiền.
Không chỉ có VNA, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Công ty Cà phê Trung Nguyên, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) cũng đã rơi vào trường hợp tương tự. Khác một chút là không xảy ra trong nước, cả ba đơn vị Vinataba, PetroVietnam và Trung Nguyên đều “chậm chân” bảo vệ thương hiệu của mình ở nước ngoài. Trung Nguyên thì bị một DN nước ngoài đăng ký sở hữu trí tuệ tên và logo cà phê Trung Nguyên với Tổ chức Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) để kinh doanh cà phê tại thị trường Mỹ.
Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam bị một công ty của Indonesia “nhanh chân” đăng ký nhãn hiệu Vinataba cho sản phẩm quần áo, giày dép ở 14 nước. Cả Vinataba và PetroVietnam đều bị mất thương hiệu ở nhiều nước, còn Trung Nguyên may mắn hơn đã lấy lại thương hiệu tại Mỹ nhưng phải mất rất nhiều thời gian và tiền bạc.
…nữa là thờ ơ
Mặc dù đã có rất nhiều bài học cho việc chậm trễ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nhưng xem ra số lượng DN quan tâm đến vấn đề này vẫn chưa tiến triển. Theo thống kê của Cục Sở hữu Trí tuệ, năm 2009, chỉ có trên 200.000 DN đăng ký so với trên 400.000 DN đang hoạt động. TS. Trần Lê Hồng – Phó Chánh văn phòng Cục Sở hữu Trí tuệ, cho rằng, nhiều DN chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến việc bảo hộ nhãn hiệu.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến DN chưa quan tâm đến việc đăng ký thương hiệu nhưng quan trọng nhất vẫn là do vốn ít, tổ chức sản xuất khó khăn và chưa nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của nhãn hiệu. Ông Hồng cho rằng đã đến lúc DN nên “thức tỉnh”. Không chỉ đăng ký nhãn hiệu trong nước, các DN cần nhanh chóng đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài nếu không muốn mất thị trường, mất thương hiệu.
Hiện nay mới có khoảng 1.000 thương hiệu Việt Nam được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài so với hàng trăm ngàn thương hiệu được hình thành ở Việt Nam. Quả là quá ít để tạo hành lang an toàn cho chính DN và cho cả nền kinh tế quốc gia. Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Sáng tạo Công ty Brand Vision Media, những nhãn hiệu nổi tiếng luôn là mục tiêu của các đối thủ cạnh tranh, các DN, cá nhân làm ăn bất chính. Họ sẽ tìm cách làm giả, sao chép, lợi dụng uy tín của DN “có tên tuổi” để làm những điều có lợi cho mình và có hại cho kẻ khác. Vì thế, nếu DN để mất thương hiệu bởi những “đối thủ” này cũng đồng nghĩa với việc mất thị trường, mất bạn hàng và mất cả thương hiệu.
Theo Văn phòng Luật sư Pham & Associates, đăng ký thương hiệu hay nhãn hiệu ở nước ngoài tương đối thuận lợi cho DN và thương hiệu hay nhãn hiệu được bảo hộ chặt chẽ trong thời gian dài là 10 năm. Đăng ký sở hữu trí tuệ là công cụ đảm bảo quyền được bảo hộ ở tất cả các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm mang tính định hướng xuất khẩu. Sử dụng danh mục sở hữu trí tuệ như đòn bẩy trong khi tìm kiếm các nguồn lực đầu tư cho việc kinh doanh của DN (ví dụ đưa các tài sản sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các sáng chế và kiểu dáng công nghiệp vào kế hoạch kinh doanh của DN vì điều đó có thể giúp thuyết phục các nhà đầu tư về thị trường tiềm năng mở ra cho DN)…
DN có thể tự yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu tại bất kỳ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào trên thế giới bằng ba cách: Nộp đơn đăng ký tại từng nước riêng biệt; nộp đơn đăng ký khu vực theo các điều ước quốc tế giữa các nước; nộp đơn đăng ký quốc tế theo hệ thống Madrid.
Riêng hai thị trường Mỹ, Nhật, DN phải đăng ký bảo hộ trực tiếp ở hai nước này. Nếu đăng ký nhãn hiệu thông qua Thỏa ước Madrid, nhãn hiệu sẽ được bảo hộ tại nhiều nước vì Việt Nam là thành viên của hệ thống Madrid. Tại thị trường châu Âu, có thể đăng ký qua Cơ quan Hài hòa Thị trường Nội khối (OHIM). DN chỉ cần đăng ký một lần, thương hiệu sẽ được bảo hộ tại tất cả các nước ở châu Âu.

Theo Doanh nhân cuối tuần