“Không làm phiền người khác”: Cốt lõi của văn hóa và tính cách đáng khâm phục Nhật Bản

Nguyên tắc sống này là cốt lõi của văn hóa, cách ứng xử văn minh, tinh tế cũng như các giá trị của xã hội Nhật Bản, nơi người dân sống luôn biết cách tôn trọng cộng đồng xung quanh.


Ảnh minh họa

Ở Nhật Bản, chúng ta dễ dàng nhận ra người dân tuân thủ các quy tắc một cách rập khuôn đến mức gần như nghiêm ngặt. Những nguyên tắc này mang đầy đủ các giá trị của một xã hội văn minh với những hành vi ứng xử, lối sống, văn hóa mà các quốc gia khác phải ngưỡng mộ như luôn luôn đúng giờ, tập trung cao độ trong công việc, xếp hàng khi sử dụng các dịch vụ công cộng, không vứt rác bừa bãi, không nói năng bỗ bã, thường xuyên sử dụng tiếng “cảm ơn” và “xin lỗi”…

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, cái lõi của tất cả những hành vi trên đều xuất phát từ một câu “thần chú” duy nhất, ngắn gọn, cô đọng, bao hàm tất cả các giá trị nêu trên của một xã hội mà người dân sống luôn biết cách tôn trọng cộng đồng xung quanh, đó là “không làm phiền người khác”.

“Không làm phiền người khác” là gì?

Không có một thuật ngữ nào cụ thể để chỉ khái niệm này, nhưng không làm phiền người khác là cốt lĩ của các giá trị sống, ứng xử của người Nhật, có nghĩa là không làm bất kỳ một cá nhân nào khác phải bận tâm hay cảm thấy phiền phức về những hành vi của mình, kể cả khi đó là một người xa lạ hoặc là chính thành viên trong gia đình. Ở Nhật, các vấn đề về lợi ích cá nhân phải được xếp sau các giá trị cộng đồng. Họ cho rằng, mỗi cá thể chính là hạt nhân cấu thành nên xã hội, vì vậy bất kỳ một hành vi nào của cá nhân, ít nhiều nó cũng ảnh hưởng đến cả xã hội, hoặc một quần thể dân cư nhất định xung quanh phạm vi sống của họ.

Không làm phiền người khác và quyền lực tuyệt đối của chiếc đồng hồ với người Nhật

Người Nhật Bản tin tuyệt đối vào quyền lực của chiếc đồng hồ, vì vậy, đúng giờ với họ là một nguyên tắc bất thành văn. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi đối chiếu lịch trình giờ tàu chạy với điểm thời gian thực tế mà tàu đến ga, hiếm khi có một sự cố nào khiến tàu đi trễ dù chỉ 1 phút nhỏ nhoi. Và nếu có, thậm chí khi tàu đến ga trễ vào phút cuối thì nhân viên tàu cũng sẽ xin lỗi hành khách rối rít qua hệ thống loa với lý do duy nhất “chúng tôi đã làm phiền lòng các bạn”. Và bạn biết không, tổng kết cả năm thì trung bình tàu đến sân ga trễ chỉ có… 7 giây mà thôi.

Trong các cuộc hẹn, người Nhật luôn có một câu nói để tự nhủ bản thân phải luôn đúng giờ là “nếu bạn không thể đi sớm 10 phút, thì nên đi đúng giờ”. Vì vậy, trễ hẹn với một người Nhật tức là bạn đang thiếu tôn trọng họ, họ dành thời gian cho bạn, mà bạn đã làm phiền họ vì đến trễ. Nhiều người, khi có chuyện đột xuất đi trễ vài phút họ cũng sẽ gọi điện thông báo và gửi lời xin lỗi chân thành. Điều này đã ăn sâu vào tiềm thức của người Nhật đến mức, hầu hết ngoài đường luôn luôn có cảnh tượng một người vừa bước chân vội vã vừa nhìn kim giây trên chiếc đồng hồ đeo tay.

Khi tạo ra âm thanh mà chưa chắc có làm phiền đến ai hay không thì tốt nhất là nên yên lặng

Người Nhật Bản cũng né tránh việc để các âm thanh phát ra từ mình làm phiền người khác. Vì vậy họ luôn yên lặng ở nơi công cộng hoặc nói chuyện rất nhỏ, điều này dễ dàng được nhìn thấy trên những chuyến tàu, nơi mà hầu hết mọi người đều chỉ đọc sách, hoặc ngủ, âm thanh vắng lặng như tờ; hoặc khi tham gia giao thông, dù mật độ xe đông đến cỡ nào cũng khó mà nghe thấy được một tiếng còi xe.

Họ không có khái niệm “tôi nói chuyện nhỏ sao mà ảnh hưởng đến anh được”, bởi vì từ sớm họ đã nhận thức được chuyện mỗi cá thể khác nhau đều có một phạm vi chịu đựng nhất định với âm thanh khác nhau.

Chẳng hạn như tiếng cắn hạt dưa vô cùng bé, một số người sẽ vui vẻ chấp nhận, nhưng với một ai khác nhạy cảm với âm thanh, không chắc họ có cảm thấy khó chịu hay không. Vì thế, khi tạo ra một âm thanh mà chưa chắc làm hài lòng được tất cả mọi người thì tốt nhất mình nên yên lặng, để tránh gây phiền hà.

Tính kỷ luật và tập trung cao độ trong công việc cũng xuất phát từ “thần chú” không làm phiền

Đặc biệt nhất là trong công việc. Đa số người ta cảm thấy người Nhật khá hà khắc và làm việc cao độ đến mức gần như một cỗ máy. Tuy nhiên, nó cũng xuất phát từ câu thần chú “không làm phiền người khác”, bởi vì khi bạn không hoàn thành tốt công việc được giao, bạn sẽ làm phiền lòng sếp, khi tiến độ công việc chậm, nó có thể ảnh hưởng đến bộ máy vận hành chung của cả tập thể…

Vì thế để tránh gây phiền cho các đồng nghiệp, tốt nhất là bạn cũng nên nghiêm túc hoàn thành thật tốt công việc của mình. Có lẽ vì thế, không ai thấy lạ khi thấy hình ảnh người Nhật quá sức ngủ ngay tại bàn làm việc hoặc trên tàu điện ngầm giờ tan sở.

Không làm phiền lòng người khác, dù là qua một hành vi xúc cảm nhỏ nhất

Câu thần chú “không làm phiền người khác” của người Nhật còn thể hiện qua những hành vi xúc cảm bình thường nhất. Chẳng hạn như khi bạn rủ một người Nhật đi xem phim, dù cho bận, họ cũng cười nói vui vẻ và cho rằng đó là một ý kiến hay, họ rất muốn đi, tuy nhiên sau đó họ sẽ đưa ra những lý do khách quan, thậm chí là nói một cách lấp lửng để từ chối.

Người Nhật hiếm khi nói “không” thẳng thừng vì sợ làm người khác buồn lòng, thay vào đó, họ hay vòng vo để người khác tự hiểu. Dù vậy, họ luôn luôn giữ cho mình một cảm xúc rất mơ hồ khó đoán, không biểu lộ một cảm xúc tiêu cực nào nhất định dù chỉ qua một hành vi thị giác nhỏ nhất, bởi họ rất sợ làm người khác cảm thấy không vui.

Còn rất nhiều việc được người Nhật áp dụng bắt nguồn từ câu thần chú này thông qua những hành động nhỏ nhất như không vứt rác nơi công cộng vì vứt rác nơi công cộng sẽ làm phiền người lao công quét dọn; không được ăn cắp vặt vì ăn cắp vặt sẽ làm phiền lòng người bị mất cắp; luôn biết nói tiếng “xin lỗi” dù mình không phải là nguyên nhân gây nên hành vi tiêu cực, chẳng hạn như khi va quệt một người Nhật ngoài đường, người ta sẽ vẫn vui vẻ mà chủ động xin lỗi mình trước.

Câu thần chú “không làm phiền” làm nên tinh thần Nhật Bản

Mới đây, trên mạng xã hội có đăng tải bài viết nói về một số việc do các công ty Nhật Bản làm để tránh gây phiền người dân/người tiêu dùng. Đơn cử như chuyện, khi xưa mì gói ở Nhật cũng được đóng gói như các nước khác, nhưng người dùng đập trứng sống bỏ vào mì, rồi dội nước sôi lên, hoặc là trứng bị trôi, hoặc bị vỡ. Điều này làm phiền lòng các bà nội trợ, nên một số công ty mì đã chế ra một vết lõm nho nhỏ trên vắt mì để khi đập trứng vào, trứng được cố định trong đó.

Hoặc trước kia, những chiếc xe tang ở Nhật được trang trí cầu kỳ và đặc trưng, tuy nhiên, sau khi người dân phàn nàn việc những chiếc xe tang lễ như vậy cứ chạy qua chạy lại mỗi ngày, gây khó chịu thì công ty cho thuê xe tang cũng tối giản hóa việc trang trí, để khi lưu thông ngoài đường, nó trông như một chiếc xe bình thường, không làm phiền mắt người dân.

Có thể nói, thần chú “không làm phiền người khác” chính là kim chỉ nam của mỗi công dân Nhật để hướng đến một xã hội văn minh, hiện đại mà không gây bắt kỳ trở ngại nào cho bất kỳ một cá nhân nào. Câu nói “tự tôn dân tộc” hay được người nước ngoài đánh giá về Nhật Bản nghe có vẻ nặng nề cao siêu nhưng thực chất nó chỉ bắt nguồn từ một câu thần chú giản dị.

Câu thần chú bắt nguồn từ cách giáo dục trẻ em Nhật Bản tự lập

Câu thần chú này xuất phát từ cách giáo dục của những bậc phụ huynh Nhật Bản cho thế hệ con em ngay từ tấm bé, đó chính là tự lập và tự chịu trách nhiệm trước những hành vi của chính mình. Bởi khi tự nhìn nhận hành vi của chính mình, những đứa trẻ mới có thể đánh giá khách quan rồi đưa ra giải pháp xử lý mà không làm phiền đến ai khác, không đổ thừa ai hết.

Để thực hiện hướng giáo dục này, dễ nhìn thấy là bố mẹ Nhật Bản không can thiệp quá nhiều vào hoạt động đến lớp của con em ngay từ khi còn là học sinh tiểu học. Các bé phải tự dậy sớm, sắp xếp cặp sách, chuẩn bị đồ dùng dụng cụ giáo khoa và cá nhân rồi tự mang lên xe buýt hoặc tàu điện ngầm để đến trường. Đến trường thì các cô cậu bé cũng tự dọn dẹp lớp học, đến giờ ăn cũng phân công chia phần cho nhau, tự đánh răng, ngủ nghỉ học tập với nhau rồi đến khi tan trường thì cũng tự về nhà.

Những hoạt động “tự” đó đã dạy cho thế hệ trẻ con Nhật Bản biết rằng, tất cả đều là do mình vì vậy dù có xảy ra hậu quả thế nào bản thân mình đều phải là người chủ động chịu trách nhiệm đầu tiên.

Cho trẻ con thấy anh hùng trong mình, tội đồ cũng ở trong mình để không làm phiền ai cả

Ngoài ra cách giáo dục này hay ở chỗ, các phụ huynh người Nhật dung hình dung cho con thấy anh hùng và tội đồ đều ở trong mình, không có ai tác động cả thông qua những cách ứng xử hằng ngày thường gặp như sau:

“Mẹ ơi tại sao tháng này con lên cân?”, thì thay vì trả lời “à, có lẽ mẹ nấu nhiều đồ ăn ngon cho con ăn nên con mập lên đó”, thì một bà mẹ Nhật sẽ trả lời rằng “do con hay nằn xem truyện tranh mà không vận động, lại ăn nhiều nên con tăng cân”.

“Mẹ ơi tại sao sáng nay con đến lớp con buồn ngủ?”, thì thay vì trả lời “vì tối qua mẹ quên nhắc con ngủ sớm để sáng mai đi học”, thì một bà mẹ Nhật sẽ trả lời rằng “do con thấy bộ phim hoạt hình hay quá, con mải xem nên ngủ muộn, khi đi học con mệt vì thiếu ngủ”.
Và khi con lên cân không kiểm soát, con sẽ phá hỏng các chỉ số về một sức khỏe tốt, con sẽ bị bệnh, con sẽ phiền tới bố mẹ, tới những người yêu thương con. Khi con mệt vào buổi sáng, con học không tốt, con sẽ làm phiền tới thầy cô, bố mẹ. Vì vậy, một hành động nhỏ của con thôi nó sẽ ảnh hưởng tới nhiều người và gây ra rất nhiều sự phiền lòng. Nên con phải chịu trách nhiệm bằng cách nhìn nhận vấn đề để kiểm soát nó, không gây phiền ai cả.

Cũng chính vì cách giáo dục như thế, mỗi thế hệ Nhật lớn lên luôn đặt cái “tôi” và lợi ích cá nhân đi sau các giá trị cộng đồng để luôn biết cách tôn trọng người khác, từ đó hình thành được một đặc tính “tự tôn” rất Nhật Bản.

Thần chú “không làm phiền” như luật nhân – quả

Cũng theo người Nhật, thì các giá trị, nguồn năng lượng cho đi luôn thu về một giá trị tương xứng, tương tự với luật nhân quả, chẳng hạn như khi bạn khiến một người phiền lòng, bạn sẽ cảm nhận được chuyện đó và tất nhiên bạn cũng sẽ cảm thấy phiền vì mình vừa khiến một người không vui.

Vì thế tốt nhất là mình nên cẩn trọng và tinh tế để không phiền ai và không ai phiền đến mình. Đó cũng chính là vế sau của câu thần chú trên, “không làm phiền ai cả và mình cũng không thích ai làm phiền chính mình”, nhưng muốn nhận được vế sau phải thực hành vế trước.

Theo trí thức trẻ