Apple không phải khi nào cũng là nhà sản xuất tung ra các sản phẩm đi trước đối thủ. Thực tế, đây là một chiến lược có chủ ý của “Táo Khuyết” và nó được dựa trên một lý thuyết được đưa ra bởi doanh nhân Raymond Loewy. Lý thuyết này dựa trên sự hiểu biết rằng người dùng luôn tìm kiếm sự quen thuộc trong một sản phẩm hay dịch vụ mới nào đó.
Người dùng không thích “sự mới mẻ tối ưu” và trong một số trường hợp, họ thậm chí còn sợ hãi, tỏ ra rè rặt với những sự tiến bộ về công nghệ có thể làm họ cảm thấy lạ lẫm. Vì thế, thường thì, Apple sẽ tung các sản phẩm ra thị trường sau khi tất cả những người khác đã làm.
Apple ít khi là kẻ đi trước. “Táo khuyết” chỉ xuất hiện khi thị trường bắt đầu quen hơn với những sản phẩm mới đã được nhiều công ty giới thiệu trước đó (mà không thực sự thành công).
Sự ra đời của hầu hết sản phẩm Apple luôn đi sau các cách tân mà một số công ty đã thử nghiệm trước đó trước “tòa án người dùng”. Chúng ta đều biết iPod không phải chiếc máy nghe nhạc MP3 đầu tiên. iPod khác biệt hóa bằng rất nhiều cách, ví dụ như có iTunes hỗ trợ, nhưng nó thành công một phần là nhờ các công ty khác đã làm người dùng quen với ý tưởng về một thiết bị điện tử di động có khả năng chơi nhạc.
Bill Gates đã cho ra đời chiếc máy tính bảng đầu tiên mang tên gọi Touch 10 năm trước khi iPad ra đời. Thế nhưng khi Apple ra mắt iPad thì thời đại của máy tính bảng dường như mới bắt đầu. Người dùng luôn cho rằng iPad như thể một thứ gì đó họ chưa từng thấy nhưng thực tế thị trường công nghệ đã có 10 năm để tin vào sự khả thi của một chiếc máy tính cầm tay có màn hình cảm ứng như vậy. Điều tương tự cũng đúng với các sản phẩm như Apple Watch hay HomePod.
Most Advanced Yet Acceptable (MAYA, tạm dịch: Tiến bộ nhất nhưng ở mức chấp nhận được) và Loewy
Như đã nhắc đến ở bên trên, doanh nhân Raymond Loewy phát triển một lý thuyết liên quan đến thiết kế sản phẩm cho rằng người dùng sẽ cảm thấy thoải mái khi được dùng các sản phẩm mới nhưng vẫn có các yếu tố mà họ cảm thấy quen thuộc.
Ông gọi lý thuyết này là Most Advanced Yet Acceptable (MAYA, tạm dịch: Tiến bộ nhất nhưng ở mức chấp nhận được). Raymond theo đó nhận ra rằng, kể cả khi người dùng muốn tiếp cận những sản phẩm mới và “nguyên gốc”, họ thực tế cũng muốn những sản phẩm đó là biến thể một của một sản phẩm nào đó mà họ đã biết.
Dựa vào hiểu biết này, Raymond Loewy đã thiết kế thành công rất nhiều sản phẩm được người dùng yêu thích. Ông có ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ nhiều hơn bất kì doanh nhân ucngf thời nào. Và ông đã làm điều này không phải bằng cách tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới mà bằng cách làm những thứ quen thuộc đáng ngạc nhiên hơn. Bạn đã thấy nó giống như chiến lược của Apple rồi phải không?
Vì sao Apple không bao giờ là người làm đầu tiên?
iPhone 8 sắp ra mắt và rất nhiều tính năng “mới” trên sản phẩm này đã có trên thị trường từ rất lâu, ví dụ như màn hình OLED hay tính năng sạc không dây.
Mặc dù Apple đạt được lợi ích từ các sản phẩm gây sốt vừa quen thuộc vừa đáng ngạc nhiên, các công ty muốn áp dụng chiến lược MAYA cần đạt được hai điều kiện:
– Đây không phải là kiểu thị trường mà một-người-thắng-cuộc-có-được-tất-cả: Chiến lược MAYA đạt được hiệu quả tối ưu trong những thị trường nơi có nhiều “kẻ thắng cuộc” cùng tồn tại. Bạn không nhất thiết phải là người tiến vào thị trường đầu tiên, điều cần làm là bạn cần phải vào thị trường theo cách tối ưu nhất.
– Bạn phải thâm nhập nhanh vào thị trường với một sản phẩm vượt trội hơn hẳn: Điều khiến Apple áp dụng chiến luược MAYA thành công nằm ở việc Apple hiểu những gì người dùng thực sự khát khao ở một sản phẩm, bên cạnh các nhu cầu cơ bản. Hầu hết các sản phẩm đầu tiên trên thị trường đều chỉ hoàn thành được sứ mệnh đáp ứng các nhu cầu đầu tiên và cơ bản nhất. Để vào thị trường sau mà vẫn thắng, bạn cần khai thác được những nấc thang cảm xúc của người dùng. Và làm điều này một cách nhanh chóng.
Bằng cách này bạn có thể tận dụng một mức giá cao mà những người sẵn sàng bỏ tiền ra để trải nghiệm sớm công nghệ mới. Bạn có thể tiếp tục giữ mức này về sau bằng cách khẳng định thương hiệu của mình. Vì thế khi đối thủ đua nhau giảm giá, công nghệ của bạn vẫn tỏ ra vượt trội và bạn vẫn đảm bảo được biên lợi nhuận khi mà giá thành các linh kiện cấu thành sản phẩm ngày một giảm xuống. Đó là lợi thế của việc nhanh chóng tạo ra một sản phẩm tốt trong một thị trường có nhiều người chiến thắng cùng tồn tại.
Theo trí thức trẻ