Steve Jobs làm gì để cho ra những sản phẩm hoàn hảo đến vậy?

Apple giống như phòng làm việc của các nghệ sĩ, còn Jobs chính là người thầy đi đi lại lại kiểm tra tác phẩm và đưa ra đánh giá, chỉ có điều đánh giá của ông thường là phủ định. Lúc nào ông cũng thôi thúc mọi người, không ngừng nâng cao kì vọng đối với sản phẩm của mình. Vì thế họ thường làm được những việc mà bản thân họ vốn chưa bao giờ nghĩ mình có thể làm được, John Sculley – Cựu CEO Apple cho biết.


Ảnh minh họa

Trong ngành IT, rất nhiều phác thảo thiết kế sản phẩm vốn vô cùng ưu việt, nhưng kết quả trong quá trình chế tạo, sản phẩm dần dần “biến dạng” so với thiết kế ban đầu, rất nhiều công ty vì muốn giải quyết vấn đề nan giải này mà đã phải bỏ ra rất nhiều sức người sức của. Apple – dưới sự lãnh đạo của Jobs đã có giải pháp trước vấn đề này. 

Trước tiêu chuẩn chặt chẽ và nghiêm ngặt mà Jobs đề ra cho đội ngũ nghiên cứu, công cuộc chế tạo sản phẩm cần phải trải qua vô số lần chế tạo mô hình thực tế, sau đó sửa chữa, hoàn thiện để cho ra nguyên mẫu sản phẩm tốt nhất. Trong quá trình này, sản phẩm sẽ không ngừng được truyền qua lại giữa nhà thiết kế, lập trình và quản lí. 

Đây không phải là một quá trình mang tính hình thức, trong quá trình chế tạo ấy, Jobs sẽ chủ trì rất nhiều cuộc thảo luận, nhằm truyền thụ tiêu chuẩn hoàn mĩ của ông tới các kĩ sư chế tạo sản phẩm. Điều đó có nghĩa là sản phẩm được thiết kế ra cần không ngừng sửa đổi hết lần này đến lần khác, dần dần được đơn giản hóa một cách tối ưu. Thậm chí có nhiều lúc, họ phải bắt đầu lại từ đầu hoặc vứt bỏ hoàn toàn. 

Chủ nghĩa hoàn mĩ khắc nghiệt của Jobs đã khiến đội ngũ và đối tác của ông hình thành nên tiêu chuẩn rất cao về sản phẩm. Họ sẽ làm đi làm lại hết lần này đến lần khác, đến tận khi hoàn toàn hài lòng mới thôi.

Việc thiết kế Mac kéo dài ba năm, quãng thời gian dài làm việc vô cùng gian khổ, nhưng sản phẩm này đã không bị đánh gục trên thị trường mà liên tục trải qua hết lần sửa đổi này tới lần sửa đổi khác. Mỗi chi tiết của thiết kế (từ màu nâu nhạt của vỏ máy tới kí hiệu trên bàn phím) đều trải qua nhiều lần nghiên cứu vô cùng nghiêm khắc, tỉ mỉ, đến khi tất cả mọi mặt đều khiến người ta hài lòng mới thôi. Jobs vô cùng chú trọng từng chi tiết trong thiết kế máy tính, thậm chí cả khâu thiết kế đóng gói máy tính cũng không nằm ngoài mối quan tâm của ông.

Để giúp người tiêu dùng quen với chuột và các bộ phận khác của Mac, Jobs cho rằng nên để người mua tự tiến hành lắp đặt các bộ phận máy tính trong thùng hàng thành một bộ máy tính hoàn chỉnh. Thông qua việc lắp đặt máy tính, khách hàng sẽ hiểu các bộ phận của máy cũng như nguyên lí làm việc của máy tính. Jobs yêu cầu tất cả các bộ phận của Mac – máy chủ, màn hình hiển thị, bàn phím, chuột, dây điện, đĩa từ và hướng dẫn sử dụng – đều nên được đóng gói riêng. Vì thế, nhóm thiết kế đã thiết kế ra thùng hàng có thể tích nhỏ gọn nhất thời bấy giờ. 

Jobs chú trọng sự “thanh thoát” và “đẳng cấp”, đồng thời quan niệm về quy cách đóng gói sản phẩm của ông đã giúp thúc đẩy sự phát triển của “trình tự tháo dỡ” mà hiện nay đã rất thông dụng trong lĩnh vực điện tử. Ngày nay, từ hãng Dell tới các nhà chế tạo máy tính khác đều áp dụng cách làm này để giúp khách hàng làm quen với sản phẩm.

Tiêu chuẩn cao mà Jobs đặt ra với nhóm nghiên cứu chế tạo cũng được thể hiện trong sản phẩm iPod. Không lâu sau khi iPod ra mắt thị trường, Jobs phát hiện ra rằng, khi cắm và rút tai nghe iPod ra thì trong tai nghe không phát ra tiếng động nào nhằm mục đích cảnh báo. Điều đó khiến Jobs cảm thấy rất thất vọng. Sau đó, Jobs đã yêu cầu kĩ sư tiến hành cải tiến thêm một bước với tất cả thiết bị, thiết kế cho chúng lỗ cắm mới có thể sinh ra tiếng động cảnh báo mỗi khi tai nghe được kết nối hoặc ngắt kết nối với thiết bị.

Việc chú trọng chi tiết này nhìn qua thì dường như có vẻ vụn vặt, nhưng qua đó có thể phản ánh rất rõ yêu cầu cao của Jobs đối với đội ngũ của mình, như những gì ông đã nói khi trả lời phỏng vấn tạp chí Times:  “Tất cả các hãng đều có thể làm ra mô hình gần như hoàn mĩ, nhưng rất ít hãng có thể làm ra sản phẩm thực sự chất lượng, bởi vì trong quá trình chế tạo sản phẩm, bộ phận kĩ thuật, thiết kế sẽ lấy lí do ‘không làm được’ để tiết kiệm công sức. Lúc ấy cần một nhà lãnh đạo cứng rắn biến không thể thành có thể.”

Theo Nhịp sống kinh tế