Nổi tiếng vì hàng quá tốt, Nhật Bản giờ đây xuất hiện nhiều startup bán ‘hàng thải’ ra nước ngoài kiếm bội tiền

Nhiều startup ở Nhật Bản đang trở thành những người chơi chính trong sân chơi hàng hóa đã qua sử dụng trên toàn cầu – từ xe hơi tới cần câu cá.


Ảnh minh họa

Hãy mở đầu với câu chuyện về số phận một chiếc xe hơi gặp tai nạn đâm xuống mương ở miền Tây Nhật Bản. Người lái xe – 45 tuổi sống ở quận Hyogo đã mất lái, trượt ra khỏi đường và lao xuống bờ mương bên cạnh. Tai nạn đã khiến chiếc xe bị phá hủy khá nhiều, mà theo mô tả của chủ nhận là “dự tính chi phí sửa phải ngang với mua một chiếc xe mới”.

Nhưng thật may mắn, Tau – một công ty chuyên về xe cộ hỏng có giải pháp cho vấn đề này.

Công ty này được thành lập năm 1996 có trụ sở tại Saitama – miền bắc Tokyo. Họ mua lại những chiếc xe hỏng – gồm cả những cái hỏng gần như hoàn toàn và rao bán lại trên website của mình – nơi có hơn 100.000 đại lý đăng ký. Được biết những chiếc xe hơi hỏng của Nhật Bản có thể dễ dàng bán lại cho những người có nhu cầu ở nước ngoài là nhờ danh tiếng về chất lượng tốt.

“95% những xe cộ được bán đấu giá chỉ trong vòng 48 giờ”, CEO Akitaka Miyamoto của Tau nói. Tau bán được khoảng 50.000 xe ô tô mỗi năm tại cả Nhật Bản và nước ngoài.

Có một điểm đáng chú ý là những chiếc xe hơi trong tình trạng hỏng hóc khi xuất khẩu sẽ được hưởng mức thuế rất thấp. Ví dụ như chiếc xe mà Tau mua từ người đàn ông ở Hyogo kể trên đã được bán cho một đại lý tại Peru – nơi nó sẽ được tân trang lại. Những doanh nghiệp như vậy rất thích mua lại những chiếc xe thương hiệu Nhật Bản hỏng với giá thấp. Đại lý này đã mua hàng loạt xế hộp hỏng mà không có bất kỳ vấn đề nào cả.

Phía Tau sẽ tiến hành những kiểm tra về nguồn gốc xe để đảm bảo họ không mua phải một chiếc xe bị ăn cắp.

Tau không phải là công ty Nhật Bản duy nhất đang ăn nên làm ra nhờ ý tưởng kinh doanh hàng “secondhand” như vậy.

SynaBiz – một startup có trụ sở tại Tokyo đã mua hàng loạt mặt hàng tồn kho hay những sản phẩm bị lỗi được trả lại. Nhìn chung, chẳng công ty nào muốn bán lại những sản phẩm như kể trên với giá rẻ mạt vì như vậy sẽ phá vỡ khung giá mà họ đã xây dựng. Cách cuối cùng được thực hiện là vứt bỏ luôn số hàng hóa đó.

“Tại Nhật Bản, giá trị của những hàng hóa lưu động như vậy được ghi trong sổ sách lên tới 20 nghìn tỷ yen, tương đương 182 tỷ USD”, theo Nobuyuki Tajima – Giám đốc SynaBiz.

SynaBiz giải quyết những mối lo của khách hàng. Họ có thể giới hạn số lượng bán ra những mặt hàng như vậy tại những khu vực đặc biệt, như một vài thị trường nước ngoài. Nhưng kèm theo đó sẽ có nhiều điều khoản hơn được áp dụng – có xu hướng làm giảm giá trị những sản phẩm của SynaBiz.

Hiện tại, công ty đang tập trung vào những trang thiết bị gia dụng trong nước, máy tính, quần áo và thực phẩm. Họ nhận được khoảng 150 lời chào bán hàng mỗi tháng và thực mua lại khoảng 30% trong số đó.

MarketEnterprise thì xử lý 28 loại mặt hàng khác nhau trong đó có dụng cụ âm nhạc, đồ gia dụng, cần câu cá và thiết bị làm nông. “Chúng tôi muốn xóa bỏ định kiến về chất lượng của hàng secondhand”, theo nhà sáng lập và chủ tịch Yasushi Kobayashi.

Ông Kobayashi đã nảy ra ý tưởng về hệ thống cho phép khách hàng nhận được ước tính giá trị những mặt hàng mà họ muốn bán, truy cập qua internet hoặc điện thoại. Thông thường các công ty chỉ đưa ra ước tính này sau khi đã khảo sát trực tiếp hàng hóa.

Nhìn chung, Tau, SynaBiz hay MarketEnterprise đều có điểm chung là mác hàng hóa “đã qua sử dụng của Nhật Bản” cũng có thể trở thành cỗ máy kiếm tiền đáng kể.

Theo trí thức trẻ