Quỹ dân số liên hợp quốc dự báo đến năm 2030, số nam giới ở châu Á sẽ nhiều hơn nữ giới 100 triệu người trong đó chênh lệch lớn nhất ở Trung Quốc và Ấn Độ. Theo một nghiên cứu mới được công bố thì mất cân bằng giới tính khiến kinh tế thế giới mất 9.000 tỷ USD mỗi năm. Không chỉ là vấn đề sinh con trai sau này khó lấy vợ hơn mà mất cân bằng giới tính còn đang gây ra tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Những tác động này không chỉ là dự báo mà đang là cơn ác mộng ngày càng rõ nét và nguy hiểm hơn đặc biệt là khu vực châu Á trong đó nổi cộm lên 4 vấn đế lớn.
Thiếu hụt lực lượng lao động một số ngành nghề
Hệ lụy dễ thấy liên quan tới mất cân bằng giới tại châu Á là sự thiếu hụt lao động trong những nghề cần nhiều lao động nữ đòi hỏi sự khéo léo như may mặc, giáo viên mầm non, công nghiệp chế biến.
Bỏ lỡ tiềm năng tăng trưởng
Kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng 7% mỗi năm tuy nhiên tình trạng mất cân bằng giới trong lực lượng lao động khiến nước này bỏ lỡ nhiều tiềm năng tăng trưởng. Theo một báo cáo của McKensey Global năm 2015, trong bối cảnh kinh tế ổn định, GDP năm 2025 của Ấn Độ có thể cao hơn 60% nếu như nữ giới đóng vai trò tương đương như nam giới.
Gây ra bong bóng bất động sản
Sau nhiều thập kỷ vì ít nữ nên nam giới Trung Quốc thường xuyên gặp phải khó khăn trong việc tìm vợ và một trong những yếu tố khiến họ hấp dẫn và giá trị hơn là sở hữu nhà. Theo khảo sát được tờ Shanghai Daily thực hiện, thì 80% bà mẹ có con gái không muốn con họ kết hôn với một người không có nhà do đó áp lực mua nhà lên nam giới nước này càng thêm nặng nề. Ngoài ra nhu cầu sở hữu nhà càng nhiều này cũng được xem là nguyên nhân khiến giá nhà đất Trung Quốc liên tục tăng cao góp phần tạo ra bong bóng bất động sản ở đây.
Gánh nặng an sinh xã hội
Nghiên cứu của đại học Colombia cho thấy, mất cân bằng giới tính khiến nam giới châu Á khó lấy vợ, gia tăng tình trạng bạo lực tình dục, bắt cóc trẻ em gái, buôn bán người, tỷ lệ sinh giảm, tỷ lệ già hóa dân số tăng qua đó tạo gánh nặng với hệ thống an sinh xã hội.
Theo tờ Nikkei, mất cân bằng giới tính ở châu Á ngày càng trầm trọng hơn. Ước tính nam giới châu lục này đang nhiều hơn nữ giới 100 triệu người tương đương với dân số một quốc gia như Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Tại Ấn Độ, quốc gia hiện có tỷ lệ 108 nam/100 nữ nguyên nhân do tập tục văn hóa. Ở đây khi kết hôn gia đình cô dâu phải chuẩn bị của hồi môn cho con gái và đây là gánh nặng tài chính khổng lồ. Nhiều cha mẹ thậm chí phải tiết kiệm, mua của hồi môn khi con gái ra đời đó là lý do khiến các cặp cha mẹ muốn đẻ con trai hơn là con gái.
Tỷ lệ chênh lệch giới tính ở Trung Quốc là 106 nam/100 nữ một phần nguyên nhân đến từ chính sách 1 con trong hơn 30 năm khiến nhiều gia đình chỉ muốn có con trai hơn là con gái để nối dõi tông đường.
Tại Việt Nam theo thống kê của Tổng cục dân số và kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ chênh lệch giới tính ở Việt Nam là 112 nam/100 nữ. Dù chưa có thống kê cụ thể nào về việc Việt Nam sẽ thiệt hại như thế nào do mất cân bằng giới tính nhưng hiện đã có những hệ lụy nhãn tiền.
Theo ước tính của Bộ y tế, đến năm 2050 khoảng 4,3 triệu đàn ông Việt Nam ở độ tuổi trưởng thành sẽ không tìm được người để kết hôn. “Khi đã thiếu hụt phụ nữ ở trong đất nước thì tất yếu phải nhập khẩu cô dâu. Khi những cô dâu từ các nước khác đến có xu hướng không tham gia và thị trường lao động, phụ thuộc chồng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội “, ông Nguyễn Văn Tân, phó Tổng cục trưởng- Tổng cục dân số và kế hoạch hóa gia đình, Bộ y tế cho biết.
Thực tế với những gia đình đông con trai, việc tích lũy thường phổ biến hơn chi tiêu. “Những người bạn của tôi có 2 cô con gái gia đình thường xuyên đi du lịch, mua sắm bởi quan niệm con gái sau này có nhà chồng lo. Dường như họ kiếm được bao nhiêu để chi tiêu bấy nhiêu trong khi gia đình tôi có 2 con trai rất áp lực trong việc kiếm tiền, tích lũy để sau này mua nhà cho con”, chị Mai- chủ một Spa tại Hà Nội cho biết.
Với những ngành nghề thích hợp với phụ nữ như giáo viên mầm non, tiểu học, y tế, dệt may thì việc thiếu hụt lao động nữ đã có ngay lập tức không chỉ là mối lo ngại trong tương lai. Theo ông Bùi Quang Chiến, Phó chủ tịch công đoàn dệt may Việt Nam trước đây nhưng vị trí khéo tay thường do nữ giới đảm nhận thì ngày nay do tỷ lệ chênh lệch giới tính, cơ hội trong những ngành nghề khác ít đi khiến nam giới chuyển dần sang ngành dệt may. Nam giới dần thay thế nữ giới tại những vị trí này. Hiện nay với ngành dệt may tỷ lệ nam giới tăng dần lên chiếm từ 25-30% trong khi trước đây chỉ khoảng 10%.
Hiện nay Chính phủ các nước châu Á đang nỗ lực thay đổi như dỡ bỏ chính sách 1 con, tuyên truyền thay đổi phong tục trao của hồi môn,… dù hiệu quả chưa có ngay nhưng được kỳ vọng sẽ thay đổi nhiều thay đổi thực trạng này trong tương lai.
Theo Nhịp sống kinh tế