Phương pháp Brain Dump – Giải pháp khoa học giúp bạn thoát khỏi sự phiền não trong cuộc sống

Thông tin đến từ nhiều nguồn như mạng xã hội, công việc, gia đình,… luôn khiến bộ não của bạn trở nên lộn xộn với một hệ thống thông tin cần xử lí. Khi ngồi xuống cạnh máy tính và bắt đầu làm việc, bạn thường xuyên cảm thấy thật khó khăn để tập trung, cảm giác như chính mình bị mắc kẹt. Đây là tình trạng chung của người hiện đại khi cố gắng tập trung vào quá nhiều thứ vào cùng một lúc, không để cho bộ não nghỉ ngơi và rồi lại tự vướng vào “mối tơ vò” do chính mình bày ra.


Ảnh minh họa

Giải pháp cho vấn đề này là “Brain dump”. Brain Dump được hiểu là sự chuyển tải những kiến thức trong não của bạn sang một phương tiện lưu trữ khác như giấy, ổ cứng máy tính,… Nó có thể giải thoát bạn ra khỏi tình trạng quá tải, tê liệt trí não. 10 phút thực hiện phương pháp brain dump mỗi ngày sẽ giúp bạn giải thoát những thông tin mà bộ não đang cố lưu trữ, từ đó, cho phép bạn nhận biết điều gì quan trọng hơn, nên thực hiện trước.

10 phút mỗi ngày với Brain dump

Khi bạn bắt đầu làm quen với brain dump, bạn sẽ rất khó khăn để viết ra những suy nghĩ của mình. Nhưng đôi khi, tại một thời điểm khác, các ý tưởng đến một cách nhanh chóng với rất nhiều từ ngữ bạn muốn viết ra. Dù bạn gặp bất cứ trường hợp nào thì hãy lấy giấy bút ra và hẹn đồng hồ trong giới hạn thời gian 10 phút.

Thậm chí, khi 10 phút gần trôi qua, nếu bạn không có bất kì suy nghĩ nào, hãy viết “Tôi không có gì để viết”. Điều này giúp bạn giữ vững mạch suy nghĩ, không vì thiếu ý tưởng mà buông bút xuống, từ đó, sẽ gợi mở dòng suy nghĩ của bạn.

Còn nếu có bất cứ ý nghĩ nào ập đến, hãy viết ra và đừng quan tâm đến công đoạn chỉnh sửa câu cú, ngữ pháp,… Những thông tin vừa rồi, sau khi đọc nếu cảm thấy cần thiết, bạn có thể lưu trữ chúng.

Sắp xếp Brain dump

Sau khi ghi lại những thông tin cần thiết, bạn bắt đầu với việc xem lại và phân loại các thông tin trong đó. Đầu tiên, hãy tạo các chủ đề khác nhau và sắp xếp những ý tưởng bạn có được vào các mục phù hợp tương ứng, thậm chí bạn nên có hẳn một phần dành cho những suy nghĩ ngẫu nhiên, linh tinh của bạn.

Khi bạn thực hiện công việc này, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy sự thay đổi trong tâm trí mình, đầu óc trở nên tập trung hơn, có thể nhận biết đâu là phần mục cần dành nhiều thời gian, công sức hơn. Một brain dump hiệu quả sẽ thu hút sự chú ý của bạn vào những thứ thật sự quan trọng.

Khi thực hiện phương pháp brain dump, nhiều người thường cảm thấy hoài nghi bởi mức độ hiểu quả của nó. Họ cho rằng một số thông tin được viết ra là vô dụng, “mất công viết”. Nhưng hãy nhớ rằng, những gì bạn viết đôi khi không phát huy tác dụng vào bây giờ nhưng bạn có thể cần nó vào một ngày nào đó trong tương lai.

Biến ý tưởng thành danh sách những việc cần làm

Như đã nói ở trên, việc bắt đầu một ngày mới với một brain dump có sẵn sẽ giúp bạn chủ động hơn trong công việc rất nhiều. Thay vì tốn thời gian vào việc nghĩ hôm nay mình sẽ phải làm gì và quay cuồng với đống công việc ấy, thì bây giờ việc bạn cần chỉ là đi một đường thẳng theo brain dump.

Chi tiết hơn, hãy nhìn vào lịch trình của bạn và tập trung vào 2 – 3 nhiệm vụ quan trọng nhất trong ngày. Bạn có thể ưu tiên nhiệm vụ dựa trên quy mô và mức độ khẩn trương của chúng.

Dần dần những thói quen này được lặp đi lặp lại, brain dump sẽ trở thành một phần cuộc sống của bạn, bạn sẽ nhận thấy rằng sự choáng ngợp khi đến văn phòng vào ngày mới đã dần biến mất, não của bạn cũng không còn trong trạng thái lộn xộn, “đầu bù tóc rối nữa”.

Một gợi ý nhỏ cho việc làm quen brain dump trở nên dễ dàng hơn là mỗi đêm hãy thực hiện một bài tập brain dump bằng cách xây dựng hệ thống những việc bạn cần làm trong ngày mai.

Có thể nói, để giải phóng trí não, brain dump là một giải pháp hoàn hảo, từ những cảm xúc tiêu cực khi quá tải, brain dump sẽ giúp bạn biết mình cần làm gì vào ngày mai, hoặc xa hơn nữa là tháng sau. Bằng cách tập trung vào nhiệm vụ hằng ngày, với mức độ ưu tiên thấp dần, bạn biết, hiểu mình cần làm gì và sẽ phải làm như thế nào. Thông qua đó, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, sức lực. Những tình cảnh như: Một nhân viên đang cố gắng hoàn thành dự án được giao nhưng lại bị sao nhãng bởi những email quảng cáo và những cuộc điện thoại không mời, một bà mẹ hai con đang băn khoăn làm sao cô có thể giải quyết hết đống deadline công việc mà vẫn có thể dạy hai đứa trẻ của mình học,… cũng sẽ không còn nữa.

Theo Nhịp sống kinh tế