Thiếu thuế, nợ tiền thậm chí phá sản, vỡ nợ đang là chuyện xuất hiện ngày càng nhiều. Trong bối cảnh ngân hàng siết chặt tín dụng, doanh nghiệp lâm vào cảnh cạn tiền ngày càng nhiều, phải chăng đây là dấu hiệu của hoàn lưu sau cơn bão tài chính?
Bạn tôi là dân xây lắp, mới năm ngoái vẫn xông xênh vì vừa trúng mấy gói thầu của của dự án xây dựng. Gặp chủ đầu tư tốt, làm đến đâu quyết toán đến đấy, tiền nong đàng hoàng, không chậm một xu. Bây giờ gọi điện thấy nhăn nhó: “Hết hơi rồi anh ạ”!. Xem ra, chuyện làm ăn đang rơi và thời bi đát.
“Năm ngoái thì ngon lành, tưởng như tiền nong của đại gia này là vô biên, nên em nhận thêm mấy gói nữa, nhưng làm xong đã lâu mà chưa thấy tiền đâu. Giờ em còn đọng ở đó cỡ chục tỷ!”, bạn tôi nói.
Chuyện doanh nghiệp (DN) khó khăn, cạn tiền là hiện tượng không mới. Tình trạng này diễn ra cách đây vài năm khi cơn bão tài chính từ bên kia bờ đại dương tràn qua châu Âu, sang châu Á rồi vào Việt Nam. Tuy nhiên, thời đó, do nền kinh tế nước ta còn trên đà tăng trưởng mạnh, lại thêm việc nhà nước áp dụng những chính sách kích cầu, tiếp sức cho doanh nghiệp nên hiện tượng khó khăn, chỉ diễn ra đơn lẻ. Không những thế, nhiều doanh nghiệp còn được hưởng lợi từ chính sách kích cầu của chính phủ, trở nên rủng rỉnh tiền bạc.
Tuy nhiên, những gói kích cầu cũng chỉ có tác dụng như một liều thuốc tăng trọng. Khủng hoảng thường đi liền với suy thoái, suy thoái thường đi liền với lạm phát – đó là quy luật khắc nghiệt của nền kinh tế. Lạm phát kéo dài tác động đến các tầng lớp bình dân đã gây xáo trộn xã hội. Năm 2011, lạm phát của Việt Nam đã đạt con số đáng sợ: trên 18%. Người dân hàng ngày cầm tiền đi chợ thấy như bị móc túi. Để kiềm chế lạm phát, Chính phủ phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, thực hiện thắt chặt tiền tệ.
Theo dự kiến của Ngân hàng Nhà nước, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2012 sẽ khống chế trong khoảng từ 15-17%. Chính sách này đã giúp cho việc kiềm chế lạm phát một cách có hiệu quả, nhưng với cộng đồng doanh nghiệp thì đó là một liều thuốc đắng.
Với doanh nghiệp khoẻ mạnh, có sự chuẩn bị tốt sẽ vượt qua được liều thuốc đắng đó, với những doanh nghiệp khác không thuộc số đó, sẽ chết lâm sàng. Vấn đề còn lại là bao giờ được “chôn”?
Theo một kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 9 tháng đầu năm 2011, đã có khoảng 50.000 doanh nghiệp “mất tích”. Đó chỉ là con số của 9 tháng đầu năm ngoái, còn nếu tính đến thời điểm này (3/2012) thì số đó sẽ lớn hơn rất nhiều. Sự mất tích là hiện tượng âm thầm, chỉ có cơ quan quản lý mới nắm được, bởi DN không nộp báo cáo tài chính, không tiến hành đại hội cổ đông, không nộp báo cáo thuế. Một vài DN nghiêm chỉnh hơn làm đơn xin tạm dừng hoạt động. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng.
Một phần nổi khác rùm beng hơn là sự vỡ nợ của các DN tham gia huy động vốn. Những cuộc vỡ nợ nho nhỏ, một vài chục tỷ thường được dàn xếp nội bộ theo kiểu: đóng cửa bảo nhau, gán nhà, gán xe, gán sổ đỏ rồi cam kết: công nợ trả dần. Những cuộc vỡ nợ lớn hơn, cỡ hàng trăm tỷ khiến các con nợ ùn ùn kéo đến chủ nợ đập phá, đe dọa tính mạng khiến các cơ quan điều tra phải vào cuộc…
Tình trạng trên gần đây xuất hiện ngày càng nhiều, tin loan khắp các báo. Một thành phố nhỏ như thành Vinh, chỉ trong một thời gian ngắn, đã xảy ra 47 vụ vỡ nợ với số tiền lên tới hơn 412 tỷ đồng.
Nếu như cách đây ba năm, thì những vụ phá sản này là do ảnh hưởng của cơn bão tài chính từ bên kia bán cầu ập vào Việt Nam. Còn nay chỉ có thể gọi nó là “hoàn lưu sau bão”.
Công bằng mà nói, trong số năm chục ngàn DN “xấu số” đó, không phải DN nào cũng đã chết hẳn mà có một số chỉ ngừng hoạt động, nằm im chờ thời, đợi “mùa xuân” ấm áp sẽ hoạt động trở lại. Thế mới có chuyện hàng trăm doanh nhân rủ nhau ra sân golf vừa giải trí, vừa đốt thời gian chờ thời cơ mới.
Vậy khi nào thì thoát khỏi tình trạng này? Trả lời câu hỏi này, một doanh nhân tâm sự: “Chờ thêm một thời gian ngắn nữa sẽ có thêm các DN chết hẳn. Ba năm qua, những người khôn ngoan đều tháo chạy khỏi bất động sản, âm thầm gom vàng và coi đó như là một kênh đầu tư. Đó là nguyên nhân chính để bất động sản rớt chưa có điểm dừng”.
Sự ế ẩm của thị trường bất động sản, (ở thời kỳ hưng phấn, thị trường này chiếm non nửa GDP) là một trong những nguyên nhân để nền kinh tế trì trệ.
Những doanh nghiệp hoạt động trên thị trường này đang đứng ở giữa hai con đường mà con đường nào cũng tới cửa tử: Trong khi thị trường chứng khoán đìu hiu không thể huy động được vốn, nếu được vay vốn ngân hàng, phải chịu lãi suất quá cao cũng không sống nổi, nhưng chỉ có điều là cái chết sẽ đến muộn hơn. Nếu không vay được vốn ngân hàng, hoặc là chết luôn hoặc lâm vào tình trạng ngủ đông chờ khi thị trường ấm lên sẽ gượng dậy.
Khi vàng hết động lực tăng trưởng, những nhà đầu tư khôn ngoan sẽ tháo chạy khỏi vàng để tìm đến kênh đầu tư khác có hiệu quả hơn. Chứng khoán cũng là một sự lựa chọn. Nhưng dẫu sao, với một thị trường non trẻ như Việt Nam, vừa qua thị trường này đã chứng kiến một cuộc rớt giá thê thảm khiến người ta phải thận trọng và việc thăng hoa như cách đây dăm năm là điều không thể lặp lại.
Một kênh đầu tư khác có truyền thống lâu hơn là bất động sản sớm muộn sẽ sôi động trở lại. Bởi, tốc độ tăng trưởng kinh tế thường kéo theo tốc độ đô thị hoá. Dòng người đổ về thành thị ngày càng nhiều, kéo theo đó là nhu cầu an cư. Thị trường bất động sản ấm lên sẽ cứu sống nhiều doanh nghiệp hiện đang ngắc ngoải.
Sau bão sẽ có hoàn lưu. Hoàn lưu sau bão là những “đám tang”. Sau đám tang sẽ là “đám cưới”. Ai vượt qua được đám tang sẽ có cơ hội dự đám cưới. Đó là quy luật, chúng ta hãy kiên nhẫn chờ xem!
Theo Vef