Suzana là một cô gái 20 tuổi, thân thiện và xinh đẹp. Suzana tốt nghiệp ngành ngân hàng. Sau khi ra trường, cô được nhận vào làm tại một ngân hàng địa phương, vì đồng lương ít ỏi không tương xứng với khối lượng công việc, cô đã nghỉ việc.
Cô quen với một khách hàng cũ tại ngân hàng, người đang bán hàng thức ăn tại khu chợ đêm. Suzana rất ấn tượng với người phụ nữ đó khi bà ấy có thể kiếm tiền, mua ô tô riêng và hàng nghìn ringgit (RM) tiết kiệm hàng tháng.
Họ rất hợp nhau và thường xuyên liên lạc, ngay cả khi Suzana nghỉ việc. Và bà đã nhờ Suzana phụ bán hàng tại chợ đêm trong thời gian cô chờ xin việc mới.
Suzana rất thích không khí náo nhiệt ở chợ đêm và thích cả việc phục vụ món mỳ xào. Cô rất bất ngờ khi phát hiện ra rằng trong một buổi tối, họ bán được 120 hộp mee rebus (mỳ xào cay), 80 hộp soto (mỳ sốt súp gà) và 140 hộp laksa Johor (mỳ sốt cá cay) đồng nghĩa với việc kiếm được từ 700 – 800 RM mỗi tối.
Bên cạnh quầy hàng của bà, có một cậu học sinh trung học bán lạc rang giá 1,2RM/gói. Cậu nói rằng cậu có thể bán 80 gói lạc một tối và lợi nhuận từ việc bán đồ ăn là hơn 100% có nghĩa là bà cô bán mỳ lãi được 200 RM và cậu học sinh kiếm được 40 RM tiền lãi mỗi tối.
Buổi tối hôm đó đã ấn tượng mạnh với Suzana và mở ra trang mới trong cuộc đời cô. Từ “e ngại” không bao giờ còn nằm trong từ điển của cô nữa. Cô yêu thích công việc bán hàng này đến mức xin làm lâu dài với người phụ nữ nọ.
Không lâu sau đó, Suzana đã thuê địa điểm ở chợ và bán 5 tối/tuần. Cô bán mỳ xào và kue teow chiên. Cô cũng thuê thêm người phụ bán hàng với sự giúp đỡ ban đầu của người đã đưa cô đến với công việc kinh doanh chợ đêm.
Với tính cách dễ chịu và tài nấu ăn, gian hàng của Suzana rất đông khách và ai cũng thích những món ăn hấp dẫn của cô. Cô có thể dễ dàng bán được từ 100 – 150 hộp mỳ xào mỗi tối.
Tuần đầu tiên, cô thấy thấm mệt có thể do chưa quen với guồng công việc nhưng đến tuần thứ 2, cô rất vui khi số lượng bán ngày càng tăng.
Gia đình cô không hề biết chuyện này. Một người hàng xóm đã nhìn thấy cô bán hàng ở chợ vào một buổi tối nọ và tin tức đã đến tai mẹ cô. Mẹ cô vô cùng kinh ngạc khi biết tin. bà khóc lóc đề nghị cô dừng ngay công việc này vì không thể chấp nhận việc cho con ăn học để rồi làm công việc bán hàng ở chợ đêm.
“Thật không thể chịu được. Ai sẽ muốn lấy con nữa đây. Hãy nhớ rằng con vẫn chưa lập gia đình”, mẹ cô phàn nàn.
Cô vẫn giữ quyết định của mình. Cô thích công việc mới của mình và quyết tâm đi theo con đường đã chọn. mẹ cô cũng kiên quyết ngăn cản, thậm chí bà còn quyết từ mặt và đuổi cô ra khỏi nhà nếu cô khăng khăng làm theo mong muốn của mình.
Suzana vẫn bền bỉ tiếp tục công việc trong 3 tháng sau đó, trong khi vẫn tiếp tục thuyết phục mẹ. Cuối cùng, cô cũng thuyết phục được họ.
Ngoài ra, cô còn cho họ thấy mình đã tiết kiệm được 12.000 RM chỉ trong một thời gian ngắn – số tiền mà nếu cô tiếp tục làm nhân viên ngân hàng có thể cô phải mất đến hàng chục năm để tích lũy được. Thật ấn tượng. Đến cả Suzana cũng cảm thấy bất ngờ vì những gì cô đạt được. Cũng như cô, cậu học sinh bán lạc cũng đã tiết kiệm được 5.000 RM trong ngân hàng.
Bạn không được phép để sự ngại ngùng cản trở sự thành công của bản thân… Chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta làm ăn chân chính và kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, vì vậy không có điều gì đáng xấu hổ cả. Thực ra, chỉ những người không dám thử sức kinh doanh mới là người đáng xấu hổ.
Nội dung được trích trong cuốn: “Những triệu phú thầm lặng” do Vũ Ngọc Ánh dịch, Alphabooks phát hành toàn quốc.
Từ xưa tới nay, định nghĩa “triệu phú” trong mắt mọi người là những người sở hữu những ngôi biệt thự, nhà cao cửa rộng, những người có chức vị và có chỗ đứng trong xã hội, được mọi người biết tới và kính nể.
Tuy nhiên, Rusly Abdulla, sau một thời gian dài nghiên cứu về những “triệu phú thầm lặng” đã cho chúng ta biết tới một khái niệm khác với từ “triệu phú” qua cuốn sách Những triệu phú thầm lặng.
Theo Nhịp sống kinh tế