Thuốc kích thích, lương thấp, nỗi lo bị sa thải: đằng sau vỏ bọc hào nhoáng của ngành thời trang

Trên các mặt báo không thiếu gì những hình ảnh thời trang hào nhoáng, lộng lẫy nhưng hiếm có ai biết rằng, những người đứng phía sau sân khấu đã phải chịu đựng những nỗi sợ hãi đến tột độ.


Ảnh minh họa

Anna đã từng mơ ước có một vị trí trong ngành thời trang. Cô được đánh giá là một người thông minh, có tham vọng và luôn sẵn sàng làm việc trong môi trường áp lực lớn. Khi chưa tốt nghiệp đại học, Anna đã được nhận làm thực tập sinh ở Dolce & Gabbana và ngay sau khi ra trường, cô đã được nhận vào làm trợ lí ở Tommy Hilfiger ở New York. Nhưng cô nhanh chóng nhận ra những gì cô nghĩ về ngành thời trang trước kia hoàn toàn không hào nhoáng và lộng lẫy như vậy.

Đối với những nhân viên mới, Anna cho biết mức lương của cô là 24.000 USD một năm, ngay cả trong những năm 2010 thì số tiền này cũng không đủ sống ở New York và may mắn là bố mẹ cô vẫn hỗ trợ con gái tiền sinh hoạt cuộc sống. Cô chia sẻ: “Những ai chấp nhận làm công việc như tôi và thực tập không lương đều phải có cha mẹ hỗ trợ thêm thì mới tồn tại trong ngành này được”.

Tuy thời gian làm việc không ít và sức khỏe có hạn nhưng sếp của Anna vẫn mong cô làm việc 24 tiếng mỗi ngày, vì vậy trong mỗi kì nghỉ phép, hay thậm chí ăn trưa, ăn tối, đi tắm, cô cũng phải kè kè điện thoại để check mail và nghe điện. Cô luôn cảm thấy bản thân bị vây quanh bởi những khủng hoảng không đáng có và với các vị sếp của Anna, mỗi vấn đề khẩn cấp liên quan tới thời trang đều là những vấn đề sống còn.

Ngành thời trang ngày càng đón nhận nhiều nhà thiết kế, giám đốc sáng tạo, nhân viên giỏi có thể thay đổi và đẩy mạnh cải cách thời trang thế giới. Một phần công sức lớn không thể phủ nhận là ekip nhân viên những ngành khác như kĩ thuật hay tài chính đã hỗ trợ và giúp đỡ. Tuy nhiên, việc lạm dụng đến thuốc kích thích là chuyện có thể chấp nhận của các nhân viên khi làm việc với các nhà thiết kế nổi tiếng cho những nhãn hiệu danh tiếng.

Không ít nhân viên làm việc quá sức đã phải mua thuốc kích thích ở chợ đen để có thể thức nhiều giờ liền và làm việc trong môi trường áp lực cao. Những người tham gia trò chuyện cho cuộc khảo sát về điều kiện làm việc trong ngành này đều chia sẻ rằng họ đều sử dụng thuốc ít nhất một lần và lúc nào họ cũng cảm thấy có nguy cơ bị sa thải vì công việc chưa hoàn thành.

CEO Karen Harvey – người đã dành cả hàng thập kỉ để tư vấn cho các nhãn hàng nổi tiếng thế giới như Burberry, Coach, Nike, Tiffany và The Row, cho biết: “Thời trang không phải là một cánh cửa dễ bước vào. Bạn phải yêu thời trang, mặt khác bạn phải đánh đổi rất nhiều, bên ngoài thì hào nhoáng nhưng thực chất điều kiện làm việc khó khăn và yêu cầu đòi hỏi rất cao. Khi bạn còn trẻ và chỉ mới bắt đầu làm việc trong ngành này, nếu bạn dành cả 24 tiếng cho nó thì bạn sẽ có cơ hội thăng tiến.”

Mảnh đất của 1%

Tiền lương thấp chỉ là một chuyện rất nhỏ nhưng lại có tác động sâu sắc đến môi trường làm việc trong làng thời trang. Tiền lương thấp tức là ngành này có xu hướng thu hút những người xuất thân từ gia đình khá giả như Anna vì bố mẹ cô vẫn có khả năng kiếm tiền và chi trả cho cuộc sống của con gái.

Julie Zerbo, founder kiêm tổng biên tập The Fashion Law cho biết: “Mức bồi thường cho nhân viên thậm chí còn thấp hơn bởi nó được coi là một đặc ân khi làm việc trong một ngành công nghiệp hào nhoáng như thế này. Vấn đề tiền lương chỉ là một vấn đề bình thường vì có rất nhiều người thừa kế và người nổi tiếng ở các lĩnh vực xã hội khác cũng hoạt động trong ngành này”.

Mối quan hệ và tài sản sở hữu cũng là một điểm cộng khi làm việc trong ngành thời trang. Một tỉ lệ lớn những người làm việc trong ngành này là những người giàu có nên họ không có động lực để đấu tranh vì một mức lương phù hợp. Những người này đi làm chủ yếu là để tìm kiếm các mối quan hệ với những người nổi tiếng và sao hạng A; tham gia các show thời trang, các sự kiện lớn và các bữa tiệc; dẫn đầu xu hướng với những thiết kế thời trang mới nhất của các nhãn hiệu nổi tiếng.

Sự bùng cháy

Đối với những người có niềm đam mê với ngành thời trang mà gia đình không khá giả, việc thăng tiến là rất khó. Nhiều vụ kiện đã buộc các hãng thời trang danh tiếng phải trả tiền hỗ trợ cho thực tập sinh. Tuy nhiên, lương khởi điểm của những người đam mê thời trang cũng rất bèo bọt.

Curtis muốn trở thành nhà thiết kế thời trang nên sau khi tốt nghiệp đại học cô lại quyết tâm học thêm về thời trang hai năm nữa. Curtis luôn hoàn thành xuất sắc bài tập của mình nên những thiết kế của cô đã được lựa chọn trình diễn cho buổi fashion show của những sinh viên giỏi nhất trường.

Năm 2010, cô nhận thiết kế trang phục cho Richie Rich’s New York Fashion Week Show. Mỗi tháng, Curtis nhận được 400 USD để làm ra những bộ trang phục dành cho người mẫu trình diễn và người nổi tiếng. Cô cũng dành cả năm làm trợ lý thiết kế cho Maggy London nhưng không hề nhận được một đồng lương nào cả. Đến năm 2011, cô làm việc cho Diane von Furstemberg nhưng cả một năm cũng chỉ kiếm được 30.000 USD.

Curtis chia sẻ rằng rất nhiều người làm ở vị trí như cô đã bỏ việc. Nhưng có nhiều người không dám lên tiếng về sự bất công này vì họ vẫn đam mê với nghề và không muốn bị tai tiếng làm ảnh hưởng tới tương lai của mình. Còn Curtis không có ý muốn trở lại làm việc dưới chướng bất kì nhà thiết kế nào nữa.

Những viên thuốc bí mật

“Nếu bạn có thể tồn tại sau những năm đầu tiên làm việc trong ngành thời trang thì chắc chắn lương sẽ tăng. Nhưng, bạn phải chấp nhận đầu óc lúc nào cũng căng thẳng và bị áp lực.” Harvey giải thích: “Một khi bạn đã chấp nhận làm trong ngành này thì hãy chọn một con đường thực sự tốt, mức lương ở đó chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với các ngành khác.”

Alice đã dành 15 năm làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng cho các nhãn hàng danh tiếng và cuối cùng cô ấy đã kiếm được công việc được trả lương hậu hĩnh xứng đáng với khả năng của mình. Cô bắt đầu sự nghiệp của mình tại một nhãn hàng thiết kế của Ý, hướng tới trở thành giám đốc truyền thông. Sau đó, cô đã tự mình điều hành mạng lưới truyền thông toàn cầu cho ba nhãn hiệu nổi tiếng của Mỹ.

Alice từng đứng đầu trong trò chơi của riêng mình, cô đã thành công việc thiết lập các mối quan hệ với các biên tập viên thời trang để đảm bảo nhãn hàng của mình là một đại diện tốt cho những tạp chí thời trang hào nhoáng, bóng bẩy, cô cũng tự mình tổ chức những buổi fashion show hoành tráng với những bữa tiệc dành cho người nổi tiếng. Nhưng khi Alice kết hôn và có con, cô không thể chịu nổi cảnh làm việc trong nhiều giờ liên tục với áp lực lớn.

“Chúng tôi đang làm việc cho một ngành công nghiệp mà tất cả mọi người đều mong muốn sự hoàn hảo. Tôi rất sợ thất bại và kéo tinh thần mọi người xuống. Có một nền văn hóa sa thải nhân viên trong làng thời trang mà chắc chắn không ai biết. Nhân viên trong ngành này thường sử dụng thuốc kích thích để làm việc liên tục trong nhiều giờ. Vào những năm 80, 90, cocaine rất phổ biến nhưng nhiều đồng nghiệp của tôi lựa chọn thuốc Adderall cho phép tinh thần tập trung tốt hơn trong một khoảng thời gian dài.

Lần đầu tiên tôi được bạn tặng viên thuốc này, sau khi uống tôi cảm thấy mình như siêu nhân vậy. Tôi có thể thức cả đêm, tôi có thể làm việc không ngừng nghỉ trong một tuần mà không mất tập trung hay thiếu năng lượng. Dần dần nó trở thành một thói quen của tôi. Tôi có thể dành cả đêm tập trung cho một sự kiện và sáng hôm sau đến nơi làm việc vẫn tươi vui như thường. Tôi dành cả cuối tuần để ngủ, 12 tiếng chỉ ở trên giường.

Tôi không nói cho ai biết về thuốc Adderall ngay cả chồng mình. Tồi tệ nhất là khi con trai tôi tìm thấy một viên Adderall và nuốt chửng, may rằng nó không sao nhưng tôi đã phải giải thích rất nhiều cho chồng tôi. Tôi cảm thấy như mọi thứ sụp đổ.”

Những đốm sáng

Cuối cùng Alice cũng đã tách được Adderall khỏi cuộc đời mình nhưng cô ấy vẫn cảm thấy rất stress với công việc mình đang làm. Nhưng Alice quả quyết không bao giờ rời khỏi ngành thời trang. Alice đã được thăng chức và được tăng lên một mức lương khá, cô ấy đã bắt đầu thấy những dấu hiệu tốt hơn trong công việc của mình.

Alice không có bất kì ảo tưởng nào rằng ngành thời trang sẽ trải qua một sự thay đổi lớn ngay trong đêm. Nhưng cô đã nhìn thấy những dấu hiệu nhỏ rằng ngành công nghiệp này đang dần chuyển mình hướng tới một môi trường làm việc lành mạnh hơn, hợp lí hơn.

Trong cốt lõi của nó, Alice vẫn tin rằng ngành công nghiệp thời trang nuôi dưỡng vẻ đẹp và sự sáng tạo. Cô chia sẻ: “Tôi đã làm việc trong lĩnh vực này từ nhiều năm nay nhưng chính tôi vẫn cảm thấy ớn lạnh ngay trước mỗi buổi trình diễn, khi đèn tắt và người mẫu bước ra sân khấu. Có rất nhiều điều tôi không thích ngành này, nhưng ở thời điểm đó, tôi lại cảm thấy mọi thức xứng đáng.”

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Theo trí thức trẻ