Món quà của người thợ sửa giày bên đường khiến cụ ông rơi nước mắt

Người thanh niên căm cụi sửa chữa lại chiếc giày đã hỏng. Từng mũi kim, anh may giáp vòng chiếc đế giày. Hết một chiếc rồi tiếp một chiếc khác, anh giúp người nghèo bằng tấm lòng của một người thợ cũng nghèo…


Ảnh minh họa

Người thợ sửa giày đường phố

Người chủ đôi giày hỏng đang ngồi chờ. Đó là một ông già râu tóc bạc phơ với bộ quần áo trên người cũ kỹ nhưng sạch sẽ, phẳng phiu. Đầu ông đội chiếc nón rộng vành sụp xuống, tay ông cầm xấp vé số.

Anh thanh niên sửa xong đôi giày trao cho ông. Ông cầm lấy và mang vào chân, đứng dậy. Ông cám ơn anh thanh niên rồi tiếp tục công việc bán vé số.

Đây là hình ảnh tại một điểm sửa giày đầu hẻm 549 Nguyễn Đình Chiểu (phường 2, quận 3, TP.HCM) vào một buổi sáng. Anh thanh niên ngồi làm việc phía trước anh có dòng chữ: “Tuấn, chuyên sửa giày dép các loại”. Ở góc bên phải, một tấm biển nhỏ ghi thêm: “Nhận sửa giày dép miễn phí cho các anh chị vé số – xích lô – ba gác và người khiếm thị”.

Điểm sửa giày này có mặt tại đây đã 4 năm nhưng anh thanh niên này không phải là chủ nhân mà chỉ là người làm công. Anh là Lê Trần Đại Hải, 27 tuổi.

Hải học nghề từ lúc 15 tuổi. 6 năm sau ra nghề, anh ở lại làm cho thầy thêm 6 năm nữa. Điểm sửa giày này là của thầy giao cho Hải trông coi.

Hải kể, nhà nghèo, học đến lớp 10, Hải đành phải rời ghế nhà trường đi học nghề. Tuấn – thầy dạy nghề – tiếp nhận và dạy Hải trong nhiều năm. Qua những lời kể, chúng tôi thấy được sự kính trọng của Hải dành cho ân sư của mình…

Hải kể tiếp: “Hàng ngày cháu ở với thầy từ sáng đến tối. Thầy vừa dạy nghề, vừa giảng cho cháu nghe những câu chuyện về đạo đức làm người.

Thầy Tuấn khuyên các học trò phải biết thương yêu người nghèo, thương những mảnh đời cơ nhỡ và nếu có điều kiện thì nên giúp họ bằng cái tâm trong sáng”.

“Của cho không bằng cách cho”

Chúng tôi đang trò chuyện thì anh Huỳnh Thanh Tuấn (42 tuổi) – thầy của Hải đến trên chiếc xe đạp. Tuấn mời tôi về “cơ ngơi” của anh để trò chuyện bởi ở đây chật chội quá. Anh đạp xe đi trước, chúng tôi theo sau.

Cơ ngơi của Tuấn cũng là một quầy sửa giày ở lề đường bên trong khu dân cư đông đúc. Ở đây thoáng đãng hơn với một mái hiên di động được căng lên kèm theo tấm biển ghi địa chỉ 175/17 Nguyễn Thiện Thuật (phường 1, quận 3).

Anh Tuấn học nghề sửa giày trong nhiều năm. Đến năm 1996, anh xin thầy ra riêng về vị trí này mở quầy sửa giày làm cho đến bây giờ.

Hơn 20 năm qua, anh đã nhận nhiều con em các gia đình lao động xin theo học nghề. Tuấn cho biết: “Dạy nghề thì dễ bởi ai cũng có thể học được nhưng điều quan trọng là mình phải truyền cho các em đạo lý làm người.

Theo học nghề đa số là con nhà nghèo vì thế các em đều được trả lương học việc. Sau khi thành nghề, nếu ở lại làm – như trường hợp của Hải – tôi sẽ trả công theo sản phẩm. Có vậy các em mới đủ tiền xoay sở trong cuộc sống.

Tôi luôn nhắc nhở các em, đối với những người nghèo, những người cơ nhỡ phải làm miễn phí với thái độ kính trọng, không được xem thường họ. Của cho không bằng cách cho, mình giúp người nghèo phải làm bằng cái tâm trong sáng… “.

Nhớ lại ngày xưa, Tuấn kể tiếp: “Khi học nghề, tôi đã từng chứng kiến những người ăn xin, bán vé số, xe ôm, xích lô mang dép đứt, giày rách thậm chí phải đi chân trần, tôi không khỏi xót xa. Tôi tâm nguyện khi có điều kiện sẽ giúp họ.

Chính vì thế mà có lần, một bác cao tuổi ở Củ Chi, TP.HCM bị tai biến tìm đến. Bác nói: “Bác muốn sửa đôi giày mà không có tiền, nghe tin cháu làm miễn phí cho người nghèo nên bác tìm đến”.

Tôi sửa cho bác xong vừa kịp lúc có người cho một đôi sandal cũ. Tôi sửa lại và tặng luôn cho bác. Bác ôm tôi và đôi mắt đỏ hoe…”.

Anh chia sẻ thêm: “Giúp được ai tôi vui và hạnh phúc lắm. Tôi không giàu, các em cũng không giàu nhưng tôi luôn luôn nhắc các em và nhắc cả chính mình, phải thương người nghèo như thương chính bản thân”.

Cuộc sống của những “thợ mỏ” tại mỏ đào bitcoin lớn nhất thế giới, mỗi ngày kiếm hơn 6 tỷ trả tiền điện gần 900 triệu

Theo vietnamnet