Doanh nghiệp và thế tiến thoái lưỡng nan

Đại diện 8 Hiệp hội ngành hàng chủ lực của Việt Nam phản ánh, dù lãi suất đã hạ nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được vốn. Liều thuốc cứu của ngân hàng chưa đủ mạnh, “doanh nghiệp đang ở thế không thể chịu đựng hơn được nữa”.

Hàng tồn kho lớn

Theo thông tin chia sẻ từ ông Nguyễn Hữu Cát, Trưởng ban Đào tạo thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tại buổi tọa đàm “Đánh giá thực trạng hoạt động và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” tổ chức tại Hà Nội ngày 4/5, trên 620.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 98% tổng số các doanh nghiệp trong cả nước) thì có tới 39% gặp khó khăn, 25% phá sản và chỉ còn 36% hoạt động bình thường. Lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng nhanh làm chậm vòng luân chuyển vốn. Điều này khiến các doanh nghiệp càng thêm thiếu vốn.

Ông Đỗ Đức Oanh, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, khó khăn lớn nhất của ngành xi măng hiện nay là lượng tồn kho lớn. Dự kiến năm 2012 toàn ngành chỉ tiêu thụ được khoảng 46 – 47 triệu tấn, cộng với xuất khẩu được khoảng 7 triệu tấn, nghĩa là vẫn còn dư trên 10 triệu tấn không tiêu thụ được. Hiện tại, gần 100 doanh nghiệp ngành này đang rất khó khăn. Điển hình là, Nhà máy xi măng Cẩm Phả lỗ lũy lế lên tới 1.259 tỷ đồng; tiếp đến là Nhà máy xi măng Hạ Long lỗ 982 tỷ đồng và Nhà máy xi măng Đồng Bành lỗ 149 tỷ đồng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xi măng rất khó có thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng, những doanh nghiệp nào vay được thì vẫn ở mức 16 – 18%/năm. Ông Oanh cho rằng, nếu ngân hàng cho vay ở mức 15% thì các doanh nghiệp xi măng sẽ rất phấn khởi.

Hiện Hiệp hội Xi măng Việt Nam đang có cuộc điều tra toàn diện xem bao nhiêu doanh nghiệp khó khăn, bao nhiêu doanh nghiệp không thể trụ nổi để báo cáo lên Chính phủ.

Nối tiếp mạch với đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ông Lê Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) chia sẻ doanh nghiệp đang ở thế “không thể chịu đựng hơn được nữa”. Vicem trước kia lãi 1.600 tỷ đồng thì nay chỉ còn 400 – 500 tỷ đồng.

Theo vị đại diện này, năm 2008, doanh nghiệp đón nhận khủng hoảng với một tinh thần khác vì được giảm thuế cùng nhiều cơ chế kích cầu, còn năm 2011 thì ngược lại. “Doanh nghiệp đi vay với khí thế hừng hực của năm 2008 thì đã “chết” rồi. Sản phẩm chưa hình thành đã bị siết tín dụng”, Chủ tịch Vicem thẳng thắn nói. Do đó, “nhiều doanh nghiệp xi măng lỗ 700 – 800 tỷ đồng xin nhập về tổng công ty nhưng chúng tôi không dám nhận, vì nhận cũng hết hơi”.

Đại diện Hiệp hội cà phê ca cao cũng cho biết, ngay từ đầu năm 2012 nhiều doanh nghiệp thực hiện thu mua, tạm trữ cà phê trong thời gian dài hơn nhưng các tổ chức tín dụng chỉ xem xét cho vay trong thời gian 1 – 3 tháng khiến họ gặp khó khăn trong thanh toán, hoàn trả nợ vay. Bên cạnh đó, lãi suất vay ngân hàng cao làm phát sinh tăng nhiều chi phí, đẩy giá thành lên cao dẫn đến việc các doanh nghiệp trong nước kém khả năng cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp FDI trong thị trường thu mua cà phê.

Kiến nghị giảm thuế VAT

Trước những khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp, ông Lê Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đề xuất giải pháp gỡ khó cụ thể cho doanh nghiệp nên tập trung vào chính sách vĩ mô ổn định, giảm 5% thuế VAT cho doanh nghiệp cũng như cơ cấu lại vốn vay ngân hàng.

Đồng quan điểm này, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho rằng, việc giảm thuế VAT xuống 5% cho doanh nghiệp là rất cần thiết bởi nó sẽ ảnh hưởng ngay vào cơ cấu giá thành để sản phẩm có khả năng cạnh tranh, giảm giá bán nhằm tăng lượng tiêu thụ trong bối cảnh hàng tồn kho nhiều như hiện nay.

Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Minh lại kiến nghị ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ cho người tiêu dùng để kích cầu, giúp giải bài toán đầu ra cho doanh nghiệp. Theo thông tin từ vị đại diện này nhiều doanh nghiệp bất động sản đang sống lay lắt vì giá căn hộ sụt giảm 10 – 15% kể từ đầu năm, nhiều dự án chậm tiến độ, thậm chí không triển khai được. Và theo như bình luận của ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thì: “Cách đây 4 năm, địa ốc đếm tiền, còn nay đếm tràng hạt”.

“Mấy hôm nay nhiệt độ ngoài trời khoảng 40 – 41 độ C đã làm cho tất cả chúng ta cảm thấy rất nóng nực và ngột ngạt nhưng nhiệt độ của các doanh nghiệp thời điểm này phải lên đến 100 độ C. Tất cả đều như đang đứng trên chảo lửa”, ông Trần Bắc Hà nói thêm.

Theo Dân trí