Tái cơ cấu kinh tế – Khi doanh nghiệp bị đẩy đến đường cùng

Những thông tin không mấy lạc quan về bức tranh hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN VN dường như đang che phủ lên cả những điểm sáng, những tín hiệu tích cực từ chính cộng đồng DN. Không mấy ai muốn, hoặc chịu nhìn ở chiều ngược lại: “cái khó ló cái khôn” – khi bị dồn đến chân tường, các DN sẽ phải tự bật lên, cứu mình bằng mọi cách. Hay nói cách khác, một cơ hội đổi mới, đột phá của DN sau hơn 20 năm đổi mới kể từ giai đoạn mở cửa thị trường 1986 đến nay, đang đến rất cận kề.
Trong khi nhiều DN đang băn khoăn, lo lắng vận mệnh của mình và chỉ nghĩ làm thế nào để sống, để tồn tại, thì cũng đã có rất nhiều DN dù đang ăn nên làm ra, nhưng vẫn có ý thức và cân nhắc, lựa chọn: Sống như thế nào, chứ không chỉ là tồn tại.
Không đổi mới, không tồn tại

Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận Tải Sài Gòn (Samco) là một ví dụ.
Cần phải nói rằng Samco là thương hiệu hàng đầu của DN VN. Với cơ chế sở hữu nhà nước và kinh doanh từ vốn ngân sách của nhà nước, trong nhiều năm qua, Samco không chỉ thực hiện được mục tiêu hoạt động kinh doanh có lãi mà còn thực hiện nhiều mục tiêu, định hướng đầu tư để phục vụ chiến lược nội địa hoá thị trường công nghiệp ôtô – một mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế công nghiệp của VN từ nay đến năm 2020. Năm 2011, Samco được vinh danh trong top 500 DN hàng đầu VN theo bảng xếp hạng của chương trình VNR500. Thế nhưng, không mấy ai biết là với số vốn điều lệ 1.200 tỉ đồng được cấp, hiện nay, Samco vẫn đang “nướng” phân nửa số vốn tương đương 600 tỉ đồng vào các hạng mục đầu tư trực tiếp gắn với chức năng, ngành nghề chính của DN, và liên tục thua lỗ hoặc “chôn vốn”, kinh doanh cầm chừng mà vẫn chưa cơ hội nào để thoái vốn, thoát ra.
Theo ông Phạm Quốc Tài – Phó TGĐ Samco, thì từ trước đến năm 2010, Samco luôn có tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm, doanh thu đạt 14.000 tỉ /năm và đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 2.000 tỉ đồng/ năm. Tuy nhiên, từ năm 2011 trở lại nay, tốc độ tăng trưởng của Samco đã chậm lại, xu hướng giảm sút kinh doanh thấy rõ. Việc giải quyết phần vốn đầu tư không sinh lợi theo đó càng trở nên bức thiết. Cũng theo ông Tài, các lĩnh vực đầu tư đang “chôn tiền” của Samco là: Một là, Đầu tư vào cảng Phú Định: một quyết định đầu tư hạ tầng nhưng lại không mang đến hiệu quả do chính sách quy định về lưu thông vận tải đường sông, cảng biển khiến cảng Phú Định “lửng lơ” ở mức phục vụ ghe bầu lấy hàng thì không thoả đáng, cũng không thể vận tải chuyển hàng, trong khi theo quy định chỉ có tàu trọng tải dưới 400 tấn mới được vào cảng Phú Định nhưng thực tế lại không có tàu trọng tải nào dưới 400 tấn, nên cảng Phú Định xây xong chỉ để… chụp ảnh cho đẹp;
Hai là, hạng mục đầu tư xe Bus Sài Gòn hàng năm được Chính quyền TP trợ giá từ 1.200 – 1.500 tỉ đồng. Nghe thì… ngon nhưng cũng giống… “xương gà chiên bơ”, vì DN vẫn sống dở chết dở do không thể có lãi. Có thể nói đây là hạng mục đầu tư cho Samco tỉ suất lợi nhuận bằng 0.
Ba là, về vận tải biển, Cty có đội tàu… 2 chiếc, lỗ triền miên, kêu bán không ai mua, cho thuê thì thu nhập thấp. Và bốn là hạng mục đầu tư vào Cty đóng tàu An Phú, chỉ có thể nói ngắn gọn là “đến Tập đoàn đóng tàu Vinashin còn lỗ, huống gì Cty đóng tàu con con”…
Căn cứ trên những khó khăn đó, và trên các định hướng thoái vốn sở hữu nhà nước xuống chỉ còn trên dưới 50%, Samco lên nhiều phương án phát hành cổ phiếu, nhưng… bất thành. Ví dụ, với bến xe miền Tây, vốn điều lệ chỉ 25 tỉ đồng, doanh thu đạt 60 tỉ đồng/năm, lãi cũng có thể đạt trên dưới 20 tỉ đồng/ năm, nhưng nay để có thể phát hành được cổ phiếu, DN phải đầu tư 1.000 tỉ đồng tính theo giá trị 6 ha đất, cộng thêm 1.000 tỉ đồng đầu tư phương tiện. “2.000 tỉ đồng đầu tư để làm cơ sở định giá và chào bán cổ phần ra công chúng là một bài toán không dễ có đáp án. Chi bằng quay về đầu tư sản xuất xe ô tô. Mà lĩnh vực đầu tư này cũng phải có những đổi thay, đột phá, không thể cứ đi theo định hướng cũ là nội địa hoá thị trường ô tô bằng cách mỗi năm sản xuất vài trăm chiếc xe, ì à ì ạch. Nói bắt chước theo Trường Hải Thaco thì… buồn cười, nhưng có lẽ đó là mô hình đúng!”.
Tái cấu trúc triệt để, đổi mới toàn diện nhằm nâng cao sức cạnh tranh, giành lấy lợi thế trong cuộc đua căng thẳng trên thương trường, cũng là câu chuyện “vượt biển” đã được nhiều DN tư nhân trước đây trải nghiệm. Nếu không có thách thức và suy nghĩ “không đổi mới, không tồn tại”, có lẽ VN hôm nay đã không có một thương hiệu FPT với tầm nhìn từ nay đến năm 2014 sẽ lọt vào top 500 DN lớn nhất toàn cầu, bởi cách đây hơn 20, FPT vẫn mới chỉ là một Cty… chế biến thực phẩm kinh doanh trong ngành thực phẩm, gần như không mấy ai biết…

Một cách “bán mình”…
Nếu như Samco là một DNNN tự thân có nhu cầu tái cấu trúc, chưa cần việc tới bất kỳ lực tác động nào từ chủ sở hữu, hay từ các cấp lãnh đạo, các chủ trương, chính sách chung trong nền kinh tế, thì trong cộng đồng DN hôm nay, cũng đã có rất nhiều DN tư nhân đi đầu, nghĩ thoáng, dám nghĩ và dám làm, dám cơ cấu và có thể nói dám… đảo lộn những quy cách kinh doanh trước nay đã thành nếp, đã từng mang thành công rực rỡ tới cho DN. “Bán mình”, chấp nhận mua bán và sáp nhập DN với các đối tác, nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, là một hoạt động điển hình để đổi mới, lột xác của các DN tư nhân, DN dân doanh.
Hiện nay, vẫn có rất nhiều quan điểm khác nhau về hoạt động M&A của DN VN. Không thể phủ nhận là có nhiều DN do quá khó khăn, đã phải chọn phương án “bán mình”, hoặc mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư đa quốc gia, để tồn tại. Và cũng không thể phủ nhận M&A cũng sẽ mang đến những hệ luỵ đối với chính DN và nền kinh tế như mất đi các thương hiệu do chính DN đã dày công xây dựng, mất đi những thương hiệu Việt trên bản đồ thương hiệu quốc tế. Nhưng một thực tế khá nghiệt ngã là trên bản đồ các thương hiệu quốc tế, có lẽ vẫn chưa có nhiều thương hiệu Việt. Nói như ông Lê Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND TP HCM: “Tại sao chúng ta không đặt ra những vấn đề, những cách thức, những kỳ vọng, những dịch chuyển có thể mang đến một sự hình thành thương hiệu VN, chỉ cần một thương hiệu thôi, như Phần Lan đã được định vị với thương hiệu Nokia, trong một sản phẩm bé tý tích hợp cả công nghiệp điện tử, viễn thông, sản xuất nhựa, công nghệ thông tin, dịch vụ, thương mại. Tôi tin là có nhiều người không biết Phần Lan ở đâu, nhưng rất nhiều người biết Nokia là gì!”.

Cởi mở và chuẩn bị để đón nhận hành động mới, tâm thế mới, cũng là một cách để DN tự tái cơ cấu, đón vận hội mới.
Nokia là một thương hiệu toàn cầu, phát triển đa quốc gia. Năm 2011, tờ Thời báo Phố Wall đưa tin hãng điện tử Hàn Quốc Samsung Electronic đã đặt vấn đề mua lại Nokia. Thương vụ này vẫn chưa ngã ngũ nhưng qua đó, có thể nói rằng nếu được chuẩn bị tốt, mang đến lợi ích cho hai bên, thì không có thương hiệu nào không thế đặt vấn đề giao dịch M&A. Và vì vậy M&A thực sự là một hoạt động tích cực (loại trừ trường hợp bị thâu tóm thù địch). Nếu nhìn ở góc độ tích cực này, M&A cũng là đòn bẩy để các DN Việt thụ hưởng, ứng dụng các công nghệ mới, một biện pháp “đi tắt” nhanh chóng để bước lên con đường sản xuất công nghiệp với hàm lượng công nghệ cao, với vị thế DN mới. Như thế, cái giá phải trả dù đắt nhưng cũng “sắt ra miếng”.
Có lẽ vì vậy mà Diana đã vui vẻ trở thành người nhà của DN Nhật Bản, Quạt VN đã “bán mình” cho DN Pháp, Giấy Sài Gòn cũng mở cửa đón nhận chủ sở hữu đầu tư từ xứ sở Hoa Anh Đào, và Phở 24 cũng chấp nhận sang nhượng thương hiệu về tay Hightland Coffee, trong khi Hightland Coffee lại bắc cầu Nhãn hàng fastfood Jollibee…
Cũng có thể trong số hàng chục tới hàng trăm thương vụ “bán mình”, sẽ không có nhiều DN còn giữ được yếu tố Việt để có cơ hội triển khai công nghệ mới. Hoặc, sẽ có những thương vụ đưa đến câu chuyện hệ thống phân phối sản phẩm trên thị trường VN sẽ đi vào lối mòn “độc quyền”, mà nhân vật “độc quyền” sẽ là những ông chủ có tiền ngoại quốc. Nhưng, cởi mở và chuẩn bị để đón nhận hành động mới, tâm thế mới cũng là một cách để DN tự tái cơ cấu, đón vận hội mới.

Hay làm “con nợ”
Không chọn “bán mình”, DN có thể chọn cách tận dụng vốn, sử dụng vốn quốc tế, biết tái cơ cấu và đầu tư nguồn vốn vào đâu trong quy mô kinh doanh đa ngành, mở rộng. Đó cũng là một bước tiến tự thân của rất nhiều DN đầu ngành, mỗi bước tiến có thể ví như một bước tự tái cấu trúc để vươn lên tầm cao mới. Ấy là lựa chọn của Hoàng Anh Gia Lai, thương hiệu đã được khẳng định trên thị trường… nợ quốc tế, khi phát hành thành công 200 triệu USD trái phiếu quốc tế và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Singapore vào năm 2011, và trước đó cũng đã thực hiện niêm yết hơn 24,3 triệu chứng chỉ lưu ký toàn cầu trên Sở Giao dịch Chứng khoán London. Trở thành một “con nợ” trên thị trường nợ quốc tế không hề dễ, nếu không, hẳn đã có rất nhiều DN VN xếp hàng xin được trở thành “con nợ”. Cho đến nay thì ngoài HAG, cũng mới chỉ có một số DN lớn như Vincom – tập đoàn kinh doanh ngành bất động sản, là có thể huy động vốn dễ dàng nhiều với trị giá hàng chục triệu USD từ thị trường trái phiếu chuyển đổi quốc tế, hay một số DN ngân hàng, chủ yếu là NH quốc doanh có tên tuổi như Vietcombank, Vietinbank, BIDV… Ngoài chuyện có vốn liếng và đồng thời trở thành con nợ quốc tế, DN có dám chấp nhận đặt mình vào yêu cầu, tình thế phải minh bạch, công khai theo thông lệ và quy định của thế giới? Một thách thức không nhỏ với những ai vừa thấy biển đã sợ … say sóng, nhưng có lẽ nếu không dong thuyền ra biển, không chấp nhận say sóng, thì người đi biển sẽ không bao giờ được tận hưởng niềm vui của vụ cá đầy khoang!

Theo DDDN