Trong lịch sử, trái đất đã chứng kiến 5 lần xảy ra nạn đại tuyệt chủng. Lần đầu cách đây 443 triệu năm được gọi là thời kỳ “End Ordovician” khi nhiều khu vực băng giá được hình thành khiến lượng nước biển sụt giảm khoảng 100m, qua đó làm tuyệt chủng 60-70% số sinh vật vốn chủ yếu sống dưới nước thời kỳ đó.
Cách đây 360 triệu năm, một đợt biến đổi khí hậu mạnh khiến 70% số sinh vật diệt tuyệt. Các nhà khoa học gọi đây là thời kỳ “Late Devonian”. Tiếp đó, cách đây 250 năm, thời kỳ “Permian Triassic” giết tới 95% sinh vật trên thế giới do hàng loạt núi lửa vùng Siberia hoạt động khiến nhiệt độ ấm lên, thay đổi môi trường sống.
Đến 200 năm trước đây, thời kỳ Triassic Jurassic, khoảng 3/4 số sinh vật diệt tuyệt do hoạt động thường xuyên của núi lửa. Đây là thời kỳ tuyệt chủng của loài khủng long. Cuộc tuyệt chủng cuối cùng diễn ra cách đây 65 triệu năm, chấm dứt hoàn toàn loài khủng long và con người cũng những loài có vú khác bắt đầu sinh sôi này nở.
Hiện nay, nhiều nhà khoa học cho rằng trái đất đang có dấu hiệu của lần tuyệt chủng thứ 6. Một bản báo cáo khoa học đăng trên tạp chí PNAS cho thấy các sinh vật trên trái đất hiện nay đang suy giảm nhanh chóng đến mức các chuyên gia gọi chúng là thảm họa về sinh học. Khoảng 50% số cá thể trên trái đất đã tuyệt chủng kể từ năm 1970 theo số liệu của IUCN, tương đương hàng tỷ cá thể do sự tàn phá của thiên nhiên và con người.
Việc tăng trưởng dân số quá nhanh kèm theo sức tiêu thụ mạnh của nhân loại đang đe dọa nghiêm trọng đến tồn vong của nhiều loài sinh vật khác trên trái đất. Tuy nhiên, do quá trình hủy diệt này không ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của con người nên chúng bị bỏ qua. Nghiên cứu cho thấy 1/3 số sinh vật đang dần tuyệt chủng trên trái đất không được con người nhận định là đang gặp nguy hiểm về giống loài.
Số liệu mới đây cho thấy gần 50% số động vật có vú đã mất 80% cá thể trong vòng 100 năm qua và tất cả các loài trong đó đều giảm ít nhất 30% về số lượng. Hàng tỷ sinh vật thuộc họ chim, bò sát và lưỡng cư đã biến mất trên hành tinh này và báo hiệu một cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6.
Những hoạt động sản xuất, sinh hoạt và sự bành trướng dân số, nhu cầu tiêu dùng tăng cao đã ảnh hưởng đến vòng tuần hoàn sinh thái của nhiều loài, qua đó phá hủy tự nhiên một cách nhanh chóng. Số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy khoảng 37% số đất đai trên toàn cầu hiện nay được cải tạo thành đất nông nghiệp hay xây dựng cho sinh hoạt của loài người, qua đó giới hạn dần diện tích rừng tự nhiên cho các loài sinh vật khác.
Điều đáng buồn là con người sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, thậm chí không thể đảo ngược hoặc chữa trị sự hủy hoại này. Dữ liệu của IUCN cho thấy khoảng 1/3 số loài có xương sống trên cạn đang giảm số lượng nhanh chóng trong 10 năm qua.
Ví dụ tiêu biểu nhất là loài sư tử khi chúng được phân bố rộng rãi tại các vùng Châu Phi, Nam Âu, Trung Đông cho đến tận Tây Bắc Ấn Độ cách đây 10 năm thì nay chỉ còn những khu vực nhỏ có hoạt động của loài này.
Kể từ thập niên 1980, số hươu cao cổ đã giảm 40% từ 152.000 con xuống 98.000 cá thể vào năm 2015. Trong khi đó, khoảng 30% số voi thường đã bị sát hại 10 năm qua và 80% voi rừng bị săn bắn. Thậm chí một số ước tính cho thấy loài voi rừng sẽ biến mất trên tất cả các vùng ngoại trừ khu vực rừng quốc gia Nam Phi.
Số cá thể loài báo hiện nay trên thế giới đã giảm mạnh xuống chỉ còn chưa đến 7.000 con trong khi đười ươi là chưa đến 5.000 con.
Điểm sáng duy nhất trong các bản báo cáo trên là loài người vẫn còn thời gian, dù không nhiều để cố gắng cứu vớt sự hủy diệt giống loài trên hành tinh này.
“Hãy chỉ cho tôi thấy bất kỳ một nhà khoa học nào nói rằng trái đất không gặp vấn đề về dân số và giống loài, tôi sẽ chứng minh cho bạn kẻ đó là một tên đần”, Giáo sư Paul R.Ehrlich của trường đại học Standford đã viết trong tác phẩm “The Population Bomb” năm 1968 như vậy.
Theo Thời đại