Khi ai đó nói về Netflix , bạn có thể nghe nó được so sánh với Amazon , Hulu hay công ty truyền hình cáp nào đó. Tuy nhiên, sẽ là một sự ngạc nhiên lớn khi nghe Netflix và Starbucks xuất hiện trong cùng một câu nói (Dĩ nhiên là trừ câu: “Tôi đang xem Netflix trong quán cà phê Starbucks”).
Hai doanh nghiệp này dường như không thể có ít điểm chung hơn. Một người thì “gây nghiện” bằng cà phê ngon, trong khi người kia thì cung cấp những bộ phim tuyệt hảo. Tuy nhiên, cả Netflix và Starbucks đều có một sự tập trung giống nhau vào khách hàng của họ. Trong khi Amazon đang có gắng đáp ứng tất cả nhu cầu với dịch vụ “thượng hạng” của mình thì Netflix chỉ hướng tới cung cấp một dịch vụ duy nhất mà khách hàng của họ cực kì đam mê, phần lớn giống với cách mà khách hàng của Starbucks cực kì đam mê thức uống và địa điểm yêu thích của họ.
Tại một hội nghị dành cho giới truyền thông và công nghệ ở San Francisco, khi được hỏi liệu Netflix có sẽ bước vào lĩnh vực tường thuật trực tiếp các môn thể thao không, CEO Reed Hastings đã nói như sau:
“Chúng tôi không cố gắng đáp ứng tất cả các nhu cầu. Những gì chúng tôi có thể làm là trở thành một thương hiệu “kết nối đầy cảm xúc”, như HBO hay Starbucks. Vì thế hãy nghĩ về nó như việc Amazon đang cố gắng trở thành Wal-Mart. Chúng tôi đang cố gắng để trở thành Starbucks. Vì thế, chúng tôi đang hết sức tập trung vào một điều mà mọi người rất đam mê”.
Chiến lược tạo sự khác biệt
Cả Netflix lẫn Starbucks đều đang rất nỗ lực để tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình.
Starbucks là nhà sáng tạo hàng đầu trên thị trường quán cà phê, với các thức uống espresso và frappuccino đặc trưng. Hiện đây cũng là công ty ứng dụng tốt công nghệ để giúp cho việc đặt thức uống nhanh hơn và dễ dàng hơn. Họ cũng tự phân biệt mình với những đối thủ lớn bằng cách tạo ra một môi trường dễ chịu để ngồi và thưởng thức cà phê – một “nơi thứ ba”, như lời của nhà sáng lập Howard Schultz.
Tương tự, khi Hastings được hỏi về thể thao, ông lưu ý rằng Netflix không thể làm bất kì điều gì để tạo thêm giá trị vào những gì đã có sẵn thông qua các kênh khác. Hiện Netflix tạo thêm giá trị cho trải nghiệm xem phim và truyền hình bằng cách cho phép người dùng xem liên tục nhiều tập của một xê-ri phim. Các thuê bao không phải lo lắng về việc thanh toán cho video theo yêu cầu vì mọi thứ đã được tính vào tổng số tiền thuê bao mỗi tháng.
Đáng chú ý là Amazon mới ký một thỏa thuận truyền 10 trận bóng đá vào tối thứ Năm trong mùa này, độc quyền dành cho các khách hàng thuê bao cao cấp Prime. Dẫu vậy, Amazon không cố gắng tạo sự khác biệt cho nội dung và dịch vụ của họ so với các đối thủ mà đang cố gắng tích hợp những phần tốt nhất của mọi thứ vào dịch vụ của mình. Netflix không thể hi vọng cạnh tranh với điều đó – họ không có tiền. Tuy vậy, họ có thể tập trung vào việc làm cho trải nghiệm theo yêu cầu của mình tốt hơn Amazon và những công ty khác – giống như Starbucks tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm uống cà phê của mình tốt hơn các đối thủ mà thường tập trung nhiều hơn vào cà phê và bánh ngọt.
Netflix và Starbucks là các sản phẩm “ngách” với sức hấp dẫn lớn
Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng thật sự Netflix và Starbucks hiện là các sản phẩm “ngách” với sức hút khổng lồ. Họ phục vụ những khách hàng muốn có một dịch vụ thượng hạng. Họ có quy mô đủ lớn để có thể đưa ra một mức giá rất phải chăng cho các sản phẩm thượng hạng của mình.
iPhone của Apple sẽ là một ví dụ khác về sản phẩm “ngách” với sức hút khổng lồ. Đó là một món hàng xa xỉ được định giá cao hơn nhiều so với thị trường, nhưng lại bán được tới hơn 200 triệu chiếc mỗi năm.
Bằng cách tập trung vào những gì mình làm tốt nhất thay vì đi vào những lĩnh vực mà mình không có thế mạnh, Netflix có thể dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh và tiếp tục có thêm số lượng thuê bao mới. Ngay khi Netflix bắt đầu làm những điều bên ngoài năng lực cốt lõi của họ, thì đó chính là lúc nhà đầu tư nên lo lắng về sức cạnh tranh của Netflix.
Theo trí thức trẻ