Khử trước khi phát tin đồn thất thiệt

Trước tin đồn một sản phẩm nào đó “có chất độc hại”, thông thường người tiêu dùng “tự bảo vệ” bằng cách dừng mua sản phẩm. Doanh nghiệp (DN) sản xuất ra sản phẩm đó thì khổ sở thanh minh bằng mọi phương tiện. Kết quả: chỉ có kẻ tung tin là đắc lợi.
Dù là biểu tượng của cà phê Việt Nam nhưng Trung Nguyên luôn bị tin đồn công kích

Cà phê ký ninh, mì điều vị
Vài tháng gần đây, thị trường liên tục rộ lên nhiều tin đồn về chất lượng thực phẩm, đồ uống không đảm bảo an toàn khiến người tiêu dùng hoang mang.
Trong đó, cà phê Trung Nguyên bị đồn là có chất ký ninh (thuốc chữa sốt rét) giúp tăng độ đắng, chất gelatin Trung Quốc để giữ hương vị…; mì Gấu Yêu chứa chất “siêu bột ngọt”; và trà Dr.Thanh bị vẩn đục…
Bà Phạm Thị Điệp Giang, Phó giám đốc Truyền thông Tập đoàn Trung Nguyên, cho biết, thông tin về cà phê Trung Nguyên có chất ký ninh và gelatin đã xuất hiện từ năm 2009, và đây là thông tin thất thiệt đăng trên một website chống phá Việt Nam, kêu gọi cộng đồng Việt kiều và người tiêu dùng tại Việt tẩy chay các thương hiệu hàng Việt uy tín.
Công ty Trung Nguyên từng có văn bản chính thức gửi đến cơ quan an ninh và vụ việc đã được giải quyết. Thế nhưng, gần đây, bài viết này lại được một số mạng xã hội đăng tải và lan truyền trên mạng rất nhanh.
Không chỉ vậy, các đại lý, cửa hàng của Trung Nguyên cũng liên tiếp nhận được nhiều thông tin không tốt về công ty. Cùng lúc đó, một số nhân viên sản xuất của công ty cũng nhận được lời mời làm việc với mức lương hấp dẫn hơn rất nhiều lần so với tại Trung Nguyên. 
Cũng như Trung Nguyên, thời gian gần đây, cái tên “trà Dr.Thanh” của Tập đoàn Tân Hiệp Phát xuất hiện nhiều bất thường trên các phương tiện truyền thông. Vào Google, chỉ cần gõ cụm từ “trà Dr.Thanh” thì ngay lập tức có ngay hơn 1,4 triệu kết quả.
Sự bất thường này bắt nguồn từ loạt bài đăng trên một tờ báo mạng phản ánh ý kiến của một khách hàng tại TP.HCM tự nhận đã mua phải “hàng ngàn chai Dr.Thanh bị vẩn đục, sủi bọt”. Ngay sau đó, nhiều tờ báo đã đăng tải lại và hiển thị những lời bình với những chủ ý khác nhau.
Thật ra, trong số “hàng ngàn chai Dr.Thanh” như loạt bài đã nêu chỉ có một số chai bị vẩn đục. Tuy nhiên, người có những chai Dr.Thanh bị vẩn đục yêu cầu Tân Hiệp Phát phải bồi thường hơn 1 tỷ đồng thiệt hại mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của lô hàng đã mua. 
Được xem là thông tin dồn dập nhất hiện nay là trường hợp của nhãn hàng mì Gấu Yêu. Hàng loạt các báo, từ báo giấy đến báo mạng đều đăng tải thông tin cho rằng Công ty CP Thực phẩm Á Châu – nhà sản xuất mì Gấu Yêu, có sự lập lờ về thành phần chất điều vị và chất bảo quản.
Theo các báo, trên bao bì sản phẩm công bố không sử dụng chất bảo quản nhưng sử dụng các chất phụ gia thực phẩm có công dụng tương tự để thay thế. Ông Trần Bảo Minh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Á Châu, cho rằng, việc ghi nhãn mác trên bao bì Gấu Yêu được công ty nghiêm túc thực hiện theo đúng hướng dẫn bằng công văn của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế).
Công ty không sử dụng thêm chất điều vị (tạo ngọt) vào trong sản phẩm mì Gấu Yêu trong quá trình sản xuất. Hàm lượng MSG (Monosodium Glutamat – chất điều vị) trong mì Gấu Yêu là từ nguyên liệu tự nhiên.
Nhằm tăng vị ngon cho sản phẩm, công ty cũng đã sử dụng lượng lớn bột thịt sấy như thịt heo, thịt tôm nhập trực tiếp từ Nhật Bản để sản xuất mì Gấu Yêu. “Tôi khẳng định Gấu Yêu là một sản phẩm theo đúng như tiêu chuẩn công bố, ba không (không chất điều vị, phẩm màu, chất bảo quản) là đúng ba không”, ông Minh nói.
Ông Minh cho rằng, hai vụ việc liên tục xảy ra (trước mì Gấu Yêu là vụ lùm xùm của quảng cáo mì Gấu Đỏ) không còn là sự việc bình thường nữa. “Trong trường hợp này tôi nghĩ là có những điều rất bất thường và cố tình gây khó khăn cho công ty”, ông Minh phỏng đoán.
Tự cứu trước khi… trời cứu
Nhận thấy sự việc không còn là vô tình, mà có chủ ý, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhanh chóng tuyên bố trên website (www.trungnguyen.com.vn) rằng đây là tin đồn thất thiệt. Việc sử dụng bài báo này và những hành động diễn ra trên thị trường là toan tính của những đối thủ cạnh tranh của Trung Nguyên, nhằm hạ thấp uy tín thương hiệu cà phê của công ty.
Ông Vũ khẳng định: “Mọi sản phẩm cà phê Trung Nguyên đều đã được kiểm định và chứng nhận an toàn về chất lượng bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền có liên quan trong lĩnh vực y tế, chất lượng thực phẩm tại Việt Nam. Sản phẩm cà phê Trung Nguyên cũng đã vượt qua những tiêu chuẩn kiểm định ngặt nghèo nhất của những thị trường quốc tế khó tính và kỹ lưỡng nhất như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… để được nhập khẩu vào gần 60 quốc gia trên thế giới và được người tiêu dùng của các nước này ưa chuộng. Không một số tiền nào có khả năng mua chuộc được người tiêu dùng và cơ quan chức năng của gần 60 quốc gia ấy”.
Cũng như Trung Nguyên, Tân Hiệp Phát là một thương hiệu quốc gia với ba nhãn hiệu Trà xanh Không độ, trà Dr.Thanh, nước tăng lực Number 1. Nhiều năm qua, sản phẩm của công ty được thị trường chấp nhận và tiêu thụ tốt.
Ông Phạm Long Minh, phụ trách truyền thông Công ty Tân Hiệp Phát, cho rằng, các dòng sản phẩm của công ty đều được sản xuất từ hệ thống công nghệ hiện đại nhất Đông Nam Á và khó bị mắc lỗi khi ra thành phẩm. “Tân Hiệp Phát cam kết với người tiêu dùng là sản phẩm của công ty luôn đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn cao nhất và chúng tôi chịu trách nhiệm về cam kết đó”, ông Long Minh nói.
Ba vụ việc diễn ra tại Trung Nguyên, Tân Hiệp Phát, Á Châu cũng có cơ sở để tình nghi đây là những chiêu trò quấy nhiễu, cạnh tranh không lành mạnh. Thực hư chưa biết thế nào, nhưng rõ ràng những thương hiệu này đang bị thiệt hại.
Trung Nguyên may mắn chưa thiệt hại về mặt kinh doanh nhưng ít nhiều thương hiệu đã bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nhiều đánh giá cho rằng mì Gấu Yêu chắc chắn bị ảnh hưởng nặng về mặt kinh doanh vì mới đưa ra thị trường chưa lâu. 
Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ có những chiêu trò cạnh tranh như hiện nay là vì hành lang pháp lý chưa rõ ràng và cũng chưa có biện pháp chế tài cụ thể. Điều đáng nói là các DN khi gặp sự cố đều tự mình giải quyết chứ không được sự hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan chức năng.
Một đại diện của DN sản xuất thực phẩm cho rằng: “Đáng lý ra, khi có những thông tin thất thiệt thì các cơ quan chức năng phải nhanh chóng lên tiếng và giải quyết triệt để nhằm: một là bảo vệ người tiêu dùng (nếu sản phẩm đó có hại thật sự); hai là bảo vệ những DN chân chính”. 
“Tân Hiệp Phát mong các cơ quan quản lý cần có những biện pháp hữu hiệu hơn để hỗ trợ người tiêu dùng, bảo vệ những DN chân chính. Nếu không, những tin đồn hoặc chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh còn làm hại người dân và DN”, ông Long Minh khuyến cáo.

Theo DNSG