[A Tùng] TS Lê Xuân Bá: Giống như quả trứng muốn đứng được thì đành phải đập vỡ, kinh tế Việt Nam nếu muốn làm mới mình cũng buộc phải trả giá lấy 3 điều

Vị Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương đã đưa ra 3 cái giá mà Nhà nước sẽ phải trả nếu muốn làm mới nền kinh tế, với lời cam đoan” tôi dám lấy đầu tôi ra mà cược”


Ảnh minh họa

Quý I/2017, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,1% – mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây – gián tiếp đe dọa mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra cuối 2016. Ngay sau đó, trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thay mặt Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp cho 3 quý tới, qua đó giúp nền kinh tế có thể ‘cán đích an toàn’.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đồng ý rằng đây vẫn chỉ là những giải pháp tình thế. Nguyên nhân sâu xa của con số 5,1% kia là vì ‘điểm nghẹn của tăng trưởng’ đã đến với nước ta. Và vì thế, việc quan trọng hiện tại Chính phủ cần làm là tìm lấy một mô hình tăng trưởng đổi khác cho kinh tế Việt Nam so với hiện tại.

Mới đây, tại một hội thảo công bố báo cáo kinh tế thường kỳ, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với PGS. TS Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về đúng vấn đề tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam này.

Theo vị này chia sẻ, vấn đề của Việt Nam lúc này không chỉ ở việc ‘đi tìm’. Nó còn nằm ở chuyện chúng ta sẽ chấp nhận ‘trả giá’ đến đâu trong công cuộc đổi mới sắp tới!

Câu chuyện quả trứng muốn đứng thì buộc phải đập vỡ hay kinh tế Việt Nam muốn ‘đi lên’ thì buộc phải trả giá!

Một quả trứng có cả hai đầu đều tròn và đang nằm trên bàn, làm cách nào để làm nó đứng được ?

Ông Lê Xuân Bá kể câu chuyện này và đưa ra giải pháp hãy đập vỡ quả trứng ở đầu, rút hết phần lòng và từ đó quả trứng có thể đứng được một cách vững chắc. Từ con mắt của mình, vị nguyên Viện trưởng cho rằng điều tương tự cũng xảy ra với kinh tế Việt Nam lúc này.

“Phàm trên đời này không đập bỏ được cái cũ thì không xây được cái mới. Vậy muốn thay đổi mô hình tăng trưởng thì chúng ta phải chấp nhận rằng ‘quả trứng’ sẽ không còn được như trước nữa”, ông Bá chia sẻ.

Thậm chí, ông còn nhấn mạnh: “Nếu như chúng ta không chấp nhận trả giá, tôi dám lấy đầu tôi ra mà cược là tái cơ cấu đổi mới mô hình tăng trưởng là không thể được, kinh tế Việt Nam sẽ khó mà khởi sắc được”.

Như vậy, câu chuyện bây giờ đối với nền kinh tế sẽ không chỉ nằm ở việc đi tìm những động lực mới mà còn ở việc chọn ra những thứ mà chúng ta chấp nhận đánh đổi. “Điều quan trọng là phải xác định xem rằng những giá nào mà chúng ta chấp nhận được để đánh đổi” – ông Bá nói.

3 cái giá mà Nhà nước sẽ phải trả nếu muốn nền kinh tế được tái cơ cấu triệt để

Việc phải trả giá, đánh đổi quyền lợi vậy đã rõ ràng, vấn đề đặt ra giờ đây là “nghệ thuật đập quả trứng vỡ mà làm sao quả trứng vẫn còn nguyên vẹn hình hài” – lời của Tiến sĩ Lê Xuân Bá nói.

Từ đó, theo ông Bá thì nếu tiến trình tái cơ cấu được thực hiện triệt để, Nhà nước sẽ phải trả lấy 3 cái giá. Đây đều là những lề thói cũ, những tư duy cũ trong cung cách quản lý của Nhà nước

– “Nhà nước có dám từ bỏ sự can thiệp quá nhiều vào trong nền kinh tế như hiện nay không?”

Vị Tiến sĩ Nguyên Viện trưởng đã ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ kiến tạo trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, rút bớt bàn tay về vốn và hành chính của mình khỏi nền kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số liệu đáng suy ngẫm rằng năm 2016, chi phí phi chính thức của doanh nghiệp bỏ ra đã không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng lên.

“Điều đó có nghĩa là quan chức Nhà nước còn ‘can thiệp’ lắm, nên doanh nghiệp người ta mới phải ‘chủ động’. Tôi phải nói thẳng ra như vậy. Nếu như Nhà nước không chịu bỏ đi cái quyền lực can thiệp vào nền kinh tế thì tái cơ cấu nền kinh tế không làm được đâu”.

– “Nhà nước có chịu để một loạt các doanh nghiệp phải đóng cửa, một loạt các công nhân bị sa thải hay không?”

Đổi mới mô hình tăng trưởng được nhắc đến nhiều ở việc gia tăng hàm lượng khoa học công nghiệp hiện đại vào các ngành và từng công việc đơn lẻ. Nếu tình trạng sử dụng những công nghệ lạc hậu từ cách đây 30, 40 năm vẫn còn tồn tại thì có lẽ bất cứ sự đổi khác nào trong nền kinh tế cũng khó xảy ra.

Tuy nhiên, điều này cũng tương đương với viễn cảnh máy móc thay thế con người, hàng loạt doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ kỹ đóng cửa, hàng loạt công nhân làm những công việc trình độ thấp bị sa thải sẽ đến trong không xa. “Chúng ta có chấp nhận điều này không, hay chúng ta chấp nhận nó đến mức độ nào ?” – Ông Lê Xuân Bá đặt câu hỏi.

Để trả lời câu hỏi này, vị Tiến sĩ nhấn mạnh tới vai trò của giáo dục với công tác đào tạo ra thế hệ nhân lực mới có khả năng thích nghi nhanh với làn sóng công nghệ từ thế giới. Từ đó, bài toán lại được quay về cách đổi mới tư duy nơi ngành giáo dục.

“Chúng ta có dám thay đổi tư duy về đào tạo không, hay là chúng ta vẫn đào tạo như trước để rồi ra kết quả vẫn như trước đến nay. Đây cũng là một cái giá chúng ta phải trả: liệu có chấp nhận đổi mới trên mặt trận giáo dục hay không ?”

– “Nhà nước có chấp nhận tăng đầu tư cho phát triển mà giảm chi tiêu công tốn kém như hiện nay không?”

Vị Nguyên Viện trưởng đặt câu hỏi rằng với một loạt doanh nghiệp đóng cửa thì Ngân sách Nhà nước chắc chắn sẽ bị giảm thu.

Tuy nhiên bối cảnh hiện nay rằng chi tiêu công của Việt Nam vẫn được đánh giá là tốn kém trong khu vực, còn nhiều thách thức để hạn chế thì việc Ngân sách bị giảm nguồn thu quả là một thử thách khó cho Nhà nước. Tuy nhiên, nếu muốn tái cơ cấu thực hiện được triệt để, đây là điều không thể thiếu.

“Đó là những cái giá phải trả. Nếu không chấp nhận những cái giá như thế thì chúng ta khó mà đổi mới nền kinh tế được” – Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Lê Xuân Bá kết luận.

THeo trí thức trẻ