Chợ truyền thống ‘chết dần chết mòn’ giữa lòng thành phố

Hai ngôi chợ truyền thống ở Hà Nội gồm Ngã Tư Sở và Nhật Tân đã bị xuống cấp từ lâu, không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, đồng thời còn làm mất mỹ quan đô thị.


Ảnh minh họa

Cho truyen thong chet dan chet mon giua long thanh pho hinh anh 1

Chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa, Hà Nội) được thành lập từ năm 1987, nằm ở vị trí trung tâm, thuận tiện giao thông, dân cư đông đúc nhưng lâu nay ở trong tình trạng “chết dần chết mòn”.

Bước vào trong, không ai còn nhận ra khu chợ hạng 1 của thành phố một thời. Trước đây, chợ vốn đông đúc, kinh doanh buôn bán sầm uất. Bây giờ, hàng loạt các kiốt bị phủ bạt, đóng kín.

Những thanh giá treo hàng hóa, biển đánh số thứ tự các gian hàng han gỉ, xuống cấp.

Mạng nhện chăng kín trên trần nhà. Hiện nơi đây chỉ còn hơn 200 trong tổng số 700 hộ hoạt động kinh doanh.

Nhiều biển cho thuê gian hàng được trưng ra nhưng sau nhiều thời gian vẫn chưa tìm được chủ mới.

Đã xế chiều nhưng một người phụ nữ với quầy hàng bán nước vẫn chìm trong giấc ngủ. Một tiểu thương ở gian hàng bên cạnh cho biết chị vốn bị câm điếc, đã bán hàng ở chợ chục năm nay. Bây giờ không biết ra ngoài làm được gì nên ngày ngày chị vẫn dọn quán rồi tối đóng cửa đi về. Do không có khách nên chị này nằm nghỉ ngơi.

Người bán nhiều hơn khách, thỉnh thoảng trong chợ mới có lác đác người đi mua sắm. Còn các tiểu thương ngày ngày tụ tập tán chuyện hoặc ngồi bấm điện thoại giết thời gian.

Chợ Ngã Tư Sở có 3 mặt tiền, mặt chính là đường Nguyễn Trãi, hai mặt bên cạnh giáp với đường Láng và Cầu Mới. May mắn được bày bán ngay phía ngoài nhưng cửa hàng của anh Tuấn (Hà Đông) vẫn không có nhiều khách ghé.

Hiện trong chợ chỉ còn lác đác một vài ki-ốt của những tiểu thương đã nhiều tuổi, chẳng biết đi đâu, làm gì thì bám trụ lại. Bà Nguyệt (65 tuổi), chủ ki-ốt bán vải cười buồn: “Tôi bán hàng ở chợ cũng ngót nghét 30 năm rồi. Khoảng 5 năm trở lại đây, mọi thứ trở nên khó khăn, tôi chỉ bán được khoảng 1/3 so với trước”.

Bà Vũ Thị Hằng (một tiểu thương trong chợ) cho rằng từ ngày xây cầu vượt (năm 2006) không có bãi để ôtô nên ít khách vào. Hơn nữa, nhiều quầy hàng bày trên vỉa hè tiện cho người dân mua bán hơn.

Nền lối đi lại cũng nứt toác từ nhiều năm nay.

May mắn hơn chợ Ngã Tư Sở, chợ Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) không nhiều gian hàng bị bỏ không.

Chợ Nhật Tân vẫn buôn bán đầy đủ các mặt hàng từ quần áo, giày dép đến rau củ, thịt cá… Tuy nhiên các tiểu thương vẫn không tránh khỏi sự ế ẩm, khó khăn.

Tháng 12/2014, chợ Nhật Tân bị cháy, cơ sở hạ tầng hư hỏng nặng. Mái tôn bị hở từng mảng, các hàng quán bên dưới phải căng thêm bạt.

Anh Nam (Âu Cơ) cho biết ngày trước cả một dãy chợ bán thịt chó nhưng mấy năm trở lại đây các cửa hàng mọc lên nhiều, chỉ duy nhất còn quán nhà anh bán mặt hàng này tại chợ.

Hôm sau là ngày mùng 1 nhưng gian hàng bán đồ mã của bà Thu vẫn thưa khách: “Bây giờ tạp hóa nào cũng bán vàng mã. Khách ngại đi vào trong chợ để mua hàng. Ngày trước quán tôi tấp nập lắm”.

Một tiểu thương bán quần áo chẳng buồn mời chào khách mua hàng.

Các quán ăn chủ yếu phục vụ người bán hàng trong chợ.

Một vài gian hàng bỏ không, bẩn thỉu, nhếch nhác.

Dãy chợ này trước đây là các gian hàng bán hàng thùng, nhưng do kinh doanh ế ẩm nhiều người chuyển sang bán xôi hay rau củ.

Chợ Ngã Tư Sở, chợ Nhật Tân chỉ là hai ví dụ trong số rất nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội đang ở tình trạng mỏi mòn chờ được đầu tư nâng cấp hay một mô hình quản lý mới hiệu quả từ cơ quan chức năng. Có được như vậy bà con tiểu thương mới yên tâm đầu tư kinh doanh, làm ăn. 

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay Hà Nội có 454 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 65 chợ hạng 2, 311 chợ hạng 3 và 63 chợ chưa phân hạng. Tổng diện tích đất chợ trên địa bàn vào khoảng 1,7 triệu m2 với khoảng 90.000 hộ kinh doanh.

Hầu hết chợ đều tồn tại từ lâu, nay cơ sở vật chất đã xuống cấp, chưa bảo đảm các điều kiện hoạt động về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị…

Mới đây, tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát HĐND TP với lãnh đạo UBND quận Đống Đa về công tác quản lý và hoạt động kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn quận, Trưởng phòng Kinh tế UBND quận Đống Đa Lưu Thị Thuý Vân cho biết đã có 6 chợ chuyển đổi mô hình quản lý từ Ban quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý chợ.

Sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, nhìn chung, cơ sở hạ tầng như hệ thống điện, cấp thoát nước… vẫn trong tình trạng chắp vá, xuống cấp không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường…” – bà đánh giá.

Đáng chú ý, do quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại – Chợ Ngã Tư Sở gặp một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến kiến trúc đô thị và quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hạn chế chiều cao công trình… nên TP đã có quyết định thu hồi kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Vì vậy, chợ Ngã Tư Sở đang xuống cấp trầm trọng, các hộ kinh doanh bỏ đi gần hết (hiện chỉ còn hơn 200/700 hộ còn kinh doanh), trong khi công tác đầu tư đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng lại chợ, quy mô xây dựng chợ…

Riêng đối với đề xuất của quận Đống Đa về việc phân loại lại chợ Ngã Tư Sở từ hạng 1 xuống hạng 2 để cho UBND quận thuận tiện hơn trong đầu tư và quản lý, Trưởng đoàn giám sát đề nghị UBND quận Đống Đa, Sở Công Thương, các sở, ngành có liên quan cần nghiên cứu kỹ, có phương án giải quyết trước kỳ họp thứ 2 HĐND TP vào tháng 7 tới bởi việc để chợ Ngã Tư Sở xuống cấp và hoạt động không hiệu quả như hiện nay là rất lãng phí.

Theo Zing