Khi The KAfe, Coffee Inn “chết yểu”, các chuỗi trà sữa ở miền Bắc lại đang bùng nổ hơn bao giờ hết

Cà phê đắng, còn trà sữa thì ngọt!


Ảnh minh họa

Hai năm trở lại đây, thị trường F&B Việt Nam chứng kiến một số thương hiệu chuỗi cà phê có tiếng lần lượt ra đi như The KAfe, Coffee Inn, Saigon Cafe hay thậm chí các đại gia ngoại như Gloria Jean’s, NYDC… Nhiều thương hiệu nhà hàng, cà phê khác cũng đang chững lại trong tốc độ mở điểm mới.

Tuy nhiên trong bối cảnh tăm tối của thị trường cà phê, các chuỗi trà sữa lại “bùng nổ” mạnh mẽ, đặc biệt ở miền Bắc. Đây là điều khá thú vị, bởi khác với thị hiếu miền Nam, thị trường miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng trước nay thường được “đóng đinh” với văn hóa xem trọng cà phê hơn là đồ uống ngọt như trà sữa.

Trà sữa, trà sữa ở mọi nơi

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 tới nay, các đô thị ở miền Bắc chứng kiến sự xuất hiện của khoảng hơn 170 thương hiệu trà sữa mới, cả tự mở lẫn mua nhượng quyền từ các đơn vị có tiếng.

Khác với làn sóng trà sữa các năm trước, năm nay chứng kiến sự nở rộ mạnh mẽ tại các tỉnh ngoài khu vực Hà Nội, đặc biệt ở Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh và Phú Thọ. Chỉ riêng tại Bắc Ninh, trong tháng 3 và 4 đã chứng kiến sự xuất hiện của hơn 30 thương hiệu trà sữa, bao gồm từ mô hình nhỏ dạng ki-ốt lẫn các quán có đầu tư tương đối về mặt bằng (15 – 20 bàn).

Dẫn đầu thị trường hiện nay vẫn là Ding Tea với hơn 100 điểm bán. Tiếp sau là những thương hiệu vốn đã xuất hiện lâu và khẳng định được chất lượng nhưng chưa mở rộng mạnh như Chatime, ChaGo, ChaChaGo. Các chuỗi nhượng quyền khác từ nước ngoài tuy khá mới nhưng cũng đang chiếm lĩnh một thị phần tương đối tại thị trường Thủ đô như Bobapop, Citea Fun, Blackball. Nhiều thương hiệu nổi tiếng từ thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đặt chân ra Hà Nội như GongCha, Trà Tiên Hưởng…

Đáng chú ý là sự xuất hiện của 2 thương hiệu mới nhưng phát triển với tốc độ “chóng mặt” là Goky và Mr.Good Tea. Goky hiện có hơn chục cửa hàng sau 5 tháng hoạt động và sắp mở tiếp 6 điểm mới trong tháng 5 tại Hà Nội. Tương tự, Mr. Good Tea chỉ sau hơn nửa năm hoạt động đã có trên 20 điểm bán không chỉ ở Hà Nội mà nhiều tỉnh thành phía Bắc khác.

Lời đồn siêu lợi nhuận?

Về thị hiếu khách hàng trẻ, trà sữa là món đồ uống được yêu thích. Về vấn đề về setup cửa hàng, nhân sự pha chế, công thức của trà sữa vẫn dễ hơn so với các đồ uống khác. Chỉ 2 đặc điểm đó đã khiến trà sữa trở thành “trend” rất mạnh thời gian qua. Đó là chưa kể lời đồn không xác thực trong giới bán trà sữa “giá bột trà 2K bán cốc trà 20K”. Dù cho lời đồn đó có lẽ chỉ đúng đâu đó ở những quán trà sữa không tên tuổi, nhưng cũng phản ánh phần nào mức độ siêu lợi nhuận của loại hình kinh doanh này.

“Giờ làm đồ uống chắc chỉ có mỗi trà sữa là dễ nhất”, đó là lời than thở của 1 CEO chuỗi đồ uống khi nói về khó khăn của ngành. Và cũng đừng tưởng trà sữa là dễ ăn, bạn nhảy vào thị trường giờ là sẽ “đánh nhau” với hàng chục thương hiệu trà sữa đang chi rất rất nhiều tiền cho các hoạt động PR, quảng bá thương hiệu.

Hoạt động Marketing được các thương hiệu áp dụng nhiều nhất vẫn là khuyến mại, giảm giá, phát hành deal và voucher, đơn cử như chương trình khuyến mại mua 1 tặng 1 tại các điểm mới khai trương. Việc kết hợp với các đơn vị phát triển ứng dụng Marketing cho F&B như Meete, Clingme… cũng được sử dụng phổ biến để tiếp cận nhanh nhất đến cộng đồng giới trẻ, những người mê công nghệ và cũng là tập khách hàng chính của mô hình trà sữa.

Cùng chung quan điểm, ông Hoàng Việt – chủ thương hiệu Mr Good Tea nhận định: “Đầu tư cho một quán trà sữa thường không tốn quá nhiều chi phí: Yêu cầu mặt bằng không đòi hỏi cao như nhà hàng/cà phê; Nguyên vật liệu thì có nhiều nguồn uy tín chất lượng; Giải pháp công nghệ cũng có các đơn vị thứ 3 cung cấp; Nhân viên đa phần là sinh viên và không đòi hỏi quá khắt khe về quy trình nghiệp vụ, v…v… Do vậy nhìn chung, đầu tư cho một quán trà sữa là lựa chọn tương đối hợp lý trong bối cảnh kinh doanh F&B tại miền Bắc hiện nay.”

Từ phía nhà cung cấp, ông Xuân Trung – đại diện công ty iPOS.vn, đơn vị cung cấp hệ thống phần mềm quản lý và in tem nhãn cho nhiều thương hiệu trà sữa cho biết: “Năm nay chúng tôi chứng kiến sự tăng trưởng đột biến trong nhóm khách hàng theo mô hình trà sữa ở khu vực phía Bắc, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2016. Số lượng khách qua 4 tháng đầu năm liên tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.”

Nếu như làn sóng mỳ cay và bánh mì đang có dấu hiệu hạ nhiệt thì trà sữa vẫn luôn là mặt hàng được ưa chuộng. Tính ra kể từ khi xuất hiện lần đầu vào những năm 2000, qua hơn 15 năm hiện diện tại thị trường Hà Nội, trà sữa vẫn là một “cơn sóng” chưa thấy điểm dừng.

Tuy nhiên thị trường không thể màu mỡ mãi mãi và chắc chắn sẽ có những thanh lọc xảy đến khi có quá nhiều thương hiệu liên tiếp mọc lên. Việc tối ưu trải nghiệm của thực khách như đầu tư vào các kênh đặt hàng qua Tổng đài, Website, App, Facebook cùng các kênh giao hàng, thanh toán, v…v… đang được các thương hiệu chú trọng nhiều hơn. Chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ của nhân viên cũng được chuẩn hóa rõ rệt tại nhiều chuỗi.

Ông Hoàng Việt nhấn mạnh: “Cũng như những mô hình F&B khác và những bài học thất bại nhãn tiền của các thương hiệu nhà hàng/cà phê gần đây, sẽ là khó khăn khi thương hiệu trà sữa của bạn định vị không đúng phân khúc cũng như không tạo ra được sự nổi bật và khác biệt trong các dòng sản phẩm hay concept bạn đưa ra thị trường.

Tuy thời gian tới vẫn là khoảng thời gian bùng nổ của các mô hình trà sữa nhưng nếu thiếu sự tính toán kỹ lưỡng và bài bản, cứ nghĩ rằng mở ra là sẽ có khách thì việc thất bại và đóng cửa cũng chỉ là việc sớm muộn”.

Theo DNSG