Mitsubishi Heavy Industries vừa tuyên bố cắt giảm 80% lực lượng lao động làm việc trong dây chuyền sản xuất tại một nhà máy ở phía tây Tokyo trong bối cảnh nhà sản xuất từ xe hơi tới đồ điện tử của Nhật này tập trung hơn vào tự động hóa.
Những cải tiến công nghệ như vậy có thể lý giải tại sao năng suất lao động trong lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản xếp cao bậc nhất trong nhóm G7 suốt 2 thập kỷ cho tới năm 2014. Tuy nhiên, xếp hạng tổng thể năng suất lao động của quốc gia này lại tồi tệ nhất trong nhóm G7. Nguyên nhân chủ yếu là do lĩnh vực dịch vụ hiện vẫn còn một số lượng lớn các nhân viên chủ yếu ngồi văn phòng nhiều nhưng hiệu quả thấp.
Năng suất lao động cao là yếu tố quan trọng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và tiêu chuẩn cuộc sống trong bối cảnh dân số Nhật Bản ngày càng ít đi. Một dự đoán cho rằng lực lượng lao động hiện tại khoảng 77 triệu người của Nhật Bản có thể bị giảm hơn 40% cho tới năm 2065. Với lĩnh vực dịch vụ hiện chiếm hơn 2/3 nền kinh tế, Thủ tướng Shinzo Abe đang nhắm tới việc tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này lên 2% tới năm 2020.
Đáng tiếc là những nỗ lực tăng năng suất lao động hiện chỉ giới hạn tại những công ty sản xuất như Mitsubishi Heavy – đơn vị cắt giảm 20 người trong dây chuyền sản xuất tại nhà máy Sagamihara xuống còn 3 người khi lắp đặt những bộ phận sản xuất tự động.
“Các công nhân bị cắt giảm được chuyển sang bộ phận khác”, theo Josseph Hood – người phát ngôn ở trụ sở Tokyo của công ty cho biết. Công ty hiện lên kế hoạch mở rộng sản lượng lên 12 triệu chiếc tới năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao, từ 9 triệu chiếc so với năm ngoái.
Nhật Bản hiện không phải là quốc gia duy nhất “đau đầu” vì năng suất lao động. Tại Mỹ, năng suất lao động kém khiến các đơn vị sử dụng lao động không muốn tăng lương. Tuy nhiên, vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng tại Nhật Bản bởi năng suất lao động thấp cản trở nỗ lực tăng lạm phát của ngân hàng Trung ương.
“Tại Nhật Bản, tôi nghĩ các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đặc biệt quan tâm tới vấn đề năng suất lao động mỗi giờ làm việc so với các công ty tại Mỹ và châu Âu”, theo Koichiro Imano – cựu giáo sư tại Đại học Gakushuin Tokyo. “Họ rất nghiêm ngặt và vì vậy năng suất lao động tại các nhà máy thường rất cao. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn khác đối với nhóm công nhân cổ cồn trắng (nhân viên văn phòng)”.
Lãnh đạo trong lĩnh vực văn phòng vốn bị thống trị bởi “salaryman” vẫn chú tâm tới việc nhân viên ngồi ở văn phòng bao lâu thay vì hiệu quả làm việc của họ.
Đàn ông ở Nhật làm việc lâu nhất thế giới theo nghiên cứu của tổ chức OECD với trung bình 8,9 giờ mỗi ngày, cao bậc nhất trong số 26 quốc gia được khảo sát chỉ sau Mexico. Trong khi đó, những người lao động ở Mỹ chỉ làm 7,9 giờ và Anh là 7,3 giờ.
Những lĩnh vực nhận được bảo hộ của nhà nước như nông nghiệp và bán lẻ thậm chí còn chứng kiến năng suất lao động tồi tệ hơn. Lĩnh vực dịch vụ tại Nhật Bản cũng chỉ có năng suất bằng một nửa so với Mỹ suốt giai đoạn từ 2010 đến 2012.
“Một vài công ty Nhật Bản không có lãi nhưng vẫn cố duy trì hoạt động để có thể tạo việc làm cho nhân viên”, Yasuhiro Kiuchi – chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Năng suất lao động Nhật Bản tại Tokyo nói. “Ở Nhật Bản, trường hợp các công ty vẫn duy trì kinh doanh nếu chưa đến mức thua lỗ quá nặng nề là khá phổ biến”.
Ông Abe đang kỳ vọng có thể tăng năng suất lao động lên gấp 20 lần tính tới năm 2020 và tăng gấp đôi việc sử dụng robot trong tất cả các lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe tới nhà hàng, khách sạn.
Những cửa hàng tiện lợi đang mọc lên nhanh chóng cũng đón đầu xu hướng trên phương diện hiệu quả và đổi mới.
“Bán buôn và bán lẻ luôn được xem là ngành có năng suất lao động thấp nhưng nếu nhìn vào các cửa hàng tiện lợi bạn sẽ thấy hoàn toàn khác”, Takuju Okubu – Kinh tế trưởng tại Japan Macro Advisors nói.
Theo Trí Thức Trẻ