Lao động Việt Nam thăng chức nhanh nhất khu vực: Nhanh chưa hẳn lúc nào cũng tốt

Tại một số quốc gia được khảo sát trong khu vực, thời gian trung bình để được thăng chức là 2,75 năm, riêng tại Việt Nam chỉ có 2.3 năm. Tuy nhiên theo JobStreet, nhanh chưa hẳn lúc nào cũng tốt. Người lao động cần có sự kiên trì trong công việc trước khi yêu cầu việc thăng chức hay phúc lợi. Chia sẻ


Ảnh minh họa

SEEK Asia, Tập đoàn chuyên cung cấp giải pháp tuyển dụng hàng đầu Châu Á vừa công bố Báo cáo Thăng tiến 2017.

Báo cáo này được khảo sát với 10,389 nhân viên và 518 nhà tuyển dụng từ nhiều ngành nghề khác nhau tại 7 nước: Hồng Kong, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan , Philippines và Việt Nam .

Theo đó, tại 7 quốc gia được khảo sát nói trên, thời gian trung bình để được thăng chức là 2.75 năm, riêng tại Việt Nam là 2.3 năm.

Trung bình sau mỗi lần được thăng chức, mức lương của người lao động tăng cao nhất ở 3 nước Việt Nam, Indonesia và Philippines với tỉ lệ 20-24%.

Còn lại các nước Hồng Kong, Singapore, Malaysia và Thái Lan trung bình chỉ khoảng 14-17%.

Báo cáo cũng cho biết, có đến 41% người làm khảo sát không nhận được bất kỳ quyền lợi nào kèm theo. Cao nhất ở Singapore, Hồng Kong và Thái Lan. Riêng tại Việt Nam con số này là 31%.

Top 3 phúc lợi phổ biến nhất mà người lao động Việt Nam nhận được sau khi thăng chức là những khoản trợ cấp (54%), kế đến là thưởng theo hiệu quả làm việc (31%) và được nâng cấp chương trình chăm sóc y tế (18%).

Đối với việc hỗ trợ mua nhà, xe hay cổ phiếu của công ty, chỉ có dưới 6% người lao động được hưởng những phúc lợi cao cấp này.

Ngoại trừ mức lương cạnh tranh, doanh nghiệp làm gì để giữ nhân tài?

“Được thăng tiến trong công việc” là một trong những yếu tố thu hút người lao động hàng đầu theo một khảo sát về ‘Top 10 những doanh nghiệp được khao khát nhất Việt Nam” trong quý 3/2016.

Theo Jobs Street, đây rõ ràng là yếu tố mà nhà tuyển dụng có thể tận dụng để xây dựng thương hiệu tuyển dụng để thu hút và giữ nhân tài.

Do vậy, nhà tuyển dụng cần xây dựng một lộ trình phát triển rõ ràng cho từng vị trí và đảm bảo được tính công bằng cho mọi nhân viên. “Người giỏi cần được trọng dụng” nhưng không đồng nghĩa với những quyết định thăng tiến thiếu minh bạch, dẫn đến mất lòng tin ở nhân viên.

Điều này được chứng minh cụ thể trong khảo sát, khi người lao động cho số điểm khá thấp khi được hỏi về tính công bằng/minh bạch của quy trình thăng tiến trong công ty. Theo đó, người thực hiện khảo sát có sự bất mãn khi xem xét tương quan giữa nỗ lực và mức độ đóng góp của nhân viên so với mức tưởng thưởng từ phía công ty.

Ngoài ra, việc không nhất quán và minh bạch trong quy trình/quyết định thăng tiến cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt nhân viên hiện tại và người lao động trên thị trường nói chung.

Với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, những điểm “chưa tốt” này có thể có ảnh hưởng nhiều hơn dự tính và làm các nhân tài ái ngại khi lựa chọn gia nhập công ty.

Cũng theo JobStreet, nhanh chưa hẳn lúc nào cũng tốt. Việt Nam là quốc gia có thời gian trung bình được thăng chức ngắn nhất trong khu vực cũng đem lại không ít thách thức cho cả doanh nghiệp và người lao động. Người lao động cần có sự kiên trì trong công việc trước khi yêu cầu việc thăng chức hay phúc lợi.

Ngược lại, nhà tuyển dụng cũng cần tạo lộ trình rõ ràng, minh bạc cho tất cả những vị trí trong công ty, đặc biệt là các vai trò chiến lược ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh để thu hút những nhân tài phù hợp.

Theo Trí Thức Trẻ