Họ có thể tiếp thu tất cả những lời khuyên từ những “nguồn tin” đáng tôn trọng nhất, nhưng nếu cảm thấy nó không phù hợp thì cần phải có đủ niềm tin vào tầm nhìn của bản thân và vững bước trên con đường đã chọn.
Entrepreneur đã phỏng vấn 10 doanh nhân về những lời khuyên tệ nhất họ từng nhận được và bài học rút ra từ đó.
1. Hãy giống như mọi người xung quanh
(Alexis Maybank – nhà sáng lập, CEO Project September)
Ngay khi vừa tốt nghiệp đại học và đi làm trong một môi trường nam giới chiếm đa số, mọi người xung quanh đều đối xử với tôi rất tử tế nhưng họ cũng khuyên tôi rằng nên ăn vận cho “phù hợp” với môi trường đó. Tôi cảm thấy rất không thoải mái vì điều đó không giống với con người mình.
Một vài năm sau đó, tôi dần phá vỡ khuôn mẫu và nhận ra rằng nên có một thương hiệu cá nhân. Và càng thoải mái, tôi càng tự tin và trở nên thu hút hơn.
Bạn sẽ làm việc hiệu quả nhất khi được thoải mái thể hiện phong cách cá nhân.
2. Lắng nghe (một số ít) người dùng
(Luis von Ahn – nhà đồng sáng lập, CEO Duolingo)
Khi bạn tạo ra một sản phẩm mới, lời khuyên điển hình thường nhận được là hãy lắng nghe người dùng. Nhưng với tôi, khi còn đang trong quá trình phát triển nền tảng học ngôn ngữ trực tuyến Duolingo, đây là một lời khuyên tệ hại.
Tinh thần của lời khuyên thì theo chiều hướng tốt, nhưng trong nhiều trường hợp, nó cũng gây ra nhiều vấn đề. Chẳng hạn, nếu kênh phản hồi chỉ đến từ một số ít người dùng chứ không mang tính đại diện cho số đông thì bạn sẽ gặp rắc rối nếu “tiếp thu” quá mức.
Chúng tôi có một diễn đàn trên website để mọi người nói về ngôn ngữ, nhưng họ lại thường nói về các tính năng. Và tôi đã thấy rằng, lắng nghe mọi người trên những diễn đàn như vậy thực sự là một ý tưởng khủng khiếp. Vài năm trước, chúng tôi từng thiết kế lại website, và mọi người trong diễn đàn đều cho rằng nó rất tệ hại. Trong khi các số liệu thống kê về hiệu quả của nó lại cho thấy điều ngược lại.
Nếu chỉ lắng nghe những người tiếp cận mình, bạn sẽ chỉ tiếp thu được những luồng ý kiến một chiều. Dĩ nhiên điều này không đúng trong mọi trường hợp, nhưng trừ khi bạn biết mình đang làm gì, nếu không thì hãy xem xét thật kỹ những thông tin đó.
3. Đừng sợ hãi
(Julia Hartz – nhà đồng sáng lập, CEO Eventbrite)
“Đừng sợ hãi!” là lời khuyên mà bạn không thể thực hiện. Vì nỗi sợ là một phần của con người, là yếu tố quan trọng giúp chúng ta tồn tại.
Tôi nghĩ cách hiệu quả hơn là hãy “kiểm tra” và “phân chia” nỗi sợ. Đối với những nỗi sợ vô lý, hãy “đóng gói nó vào hộp và đặt lên kệ”. Còn với những nỗi sợ có căn cứ, hãy xem xét nó thật kỹ lưỡng trước khi giải quyết thách thức.
4. Đừng thu hút sự chú ý
(Tim Chen – CEO Nerdwallet)
Tôi là người châu Á. Cha mẹ khuyên tôi hãy làm việc chăm chỉ, chứng tỏ giá trị của mình thông qua hiệu quả công việc hơn là… miệng lưỡi.
Điều này không sai nhưng tôi vẫn nhìn thấy một số lợi ích nhất định trong việc nói lên ý kiến của mình, và sức mạnh của truyền thông là điều khó chối cãi.
5. Đừng cố gắng làm điều gì mới mẻ
(Heidi Zak – nhà đồng sáng lập ThirdLove)
Lời khuyên tệ nhất tôi nhận được là đừng làm một điều gì đó mới mẻ. Trên thực tế, tôi chưa bao giờ phải hối tiếc vì đã đi đến một nơi nào đó mới, mà những điều đáng tiếc nhất luôn đến từ việc không nắm bắt một cơ hội.
Hãy nói “Có” nhiều hơn là “Không”.
6. Sự tăng trưởng là số liệu quan trọng nhất chứng tỏ thành công
(Scott Harrison – nhà sáng lập Charity: Water)
Đã hoạt động nhiều năm liên tục nhưng chúng tôi thường bị lỗ, rồi lại tăng trưởng, rồi lại ngừng tăng trưởng trong năm thứ 9 vừa qua.
Chúng tôi từng chỉ tập trung vào những nỗ lực cơ bản để duy trì tăng trưởng. Nhưng tôi cảm thấy có một điều gì đó không đúng, như thể tôi đang “thất bại” trong việc chèo lái tổ chức, vì đã đặt quá nhiều nỗ lực vào việc “luôn luôn tăng trưởng”.
Tôi bắt đầu thay đổi cách tiếp cận. Và chúng tôi lại tiếp tục phát triển vào năm sau đó. Nhìn lại, tôi nhận ra tầm quan trọng của sự kiên gan, bền chí và giữ đúng những giá trị và tầm nhìn của mình.
7. Ý tưởng của bạn sẽ thất bại
(David Bladow – nhà đồng sáng lập, CEO BloomThat)
Khi bắt tay vào thực hiện dự án dịch vụ giao hoa BloomThat, nhiều người nói với tôi là nó sẽ không thành công. Tôi nghĩ họ có ý tốt, nhưng tôi rất mừng là mình đã bỏ qua nó.
8. Lớn mạnh trước khi thực sự sẵn sàng
(Oliver Kharraz – nhà sáng lập, CEO Zocdoc)
Khi vừa ra mắt Zocdoc – công ty công nghệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhiều nhà đầu tư khuyên chúng tôi nên phát triển lên tầm quốc gia ngay lập tức. Lúc đó chúng tôi mới chỉ ra mắt tại quận Manhattan (thành phố New York) và phát triển tại đây trong 3 hay 4 năm – quãng thời gian gần như là “vô tận” trong thời đại internet hiện nay.
Tuy nhiên, học cách vận hành doanh nghiệp khi còn ở quy mô nhỏ trước khi phát triển lớn mạnh chính là bài học quan trọng đối với sự thành công của chúng tôi.
9. Đi theo người đang dẫn đầu
(Bastian Lehmann – nhà sáng lập, CEO Postmates)
“Hãy giống như một ai đó” là xu hướng thường được nhìn thấy ở trường học – nơi mọi người được uốn nắn để “khớp” với một cái gì đó. Nhưng trên thực tế, bạn vẫn hoàn toàn ổn nếu đọc một quyển sách khác với mọi người, làm một điều gì đó khác với họ. Chỉ cần lắng nghe trái tim mình và tìm ra điều bạn muốn làm, mọi người sẽ hỗ trợ bạn.
10. Hãy duy trì sự an toàn
(Daniella Yacobovsky – nhà đồng sáng lập BaubleBar)
Hãy lắng nghe lời khuyên của người khác nhưng phải áp dụng một cách thông minh vào trong bối cảnh kinh doanh cụ thể của bạn. Khi tôi và cộng sự quyết định từ bỏ công việc trong lĩnh vực tài chính để dấn thân vào con đường khởi nghiệp, nhiều người nói với chúng tôi rằng bước đi này quá liều lĩnh.
Mặc dù họ nói không hề sai, nhưng chúng tôi vẫn duy trì sự tập trung, thực hiện những quyết định được suy tính thấu đáo và cứ thế dấn bước đi tới.
Theo Bizlive