10 đặc điểm của những người đáng ghét nhất chốn văn phòng

Travis Bradberry, đồng tác giả cuốn sách nổi tiếng Emotional Intelligence 2.0 đã có những chia sẻ về các thói quen khiến nhiều người trở thành nhân vật đáng ghét chốn công sở.


Ảnh minh họa

Trong một nghiên cứu của trường Đại học California tại Los Angeles, các đối tượng nghiên cứu đánh giá hơn 500 đặc điểm mô tả về con người dựa trên quan niệm của họ về sự dễ thương hay dễ mến.

Thật đáng ngạc nhiên là các đặc điểm được nhiều người chọn nhất không phải là: thích giao du, thông minh hay hấp dẫn (đặc điểm bẩm sinh), mà là các tính từ thuộc phạm trù trí tuệ cảm xúc (EQ) như: chân thành, trong sáng và hiểu người khác

Dễ mến là một trong những đặc tính quan trọng giúp bạn vươn tới sự thành công trong cuộc sống lẫn công việc mà bạn có thể rèn luyện được nhờ sự bền bỉ và tránh xa những hành vi khiến bạn trở nên đáng ghét trong mắt những người xung quanh.

Đồng tác giả cuốn sách nổi tiếng “Emotional Intelligence 2.0” và là Chủ tịch của công ty tư vấn TalentSmart, tác giả Travis Bradberry đã chia sẻ những thói quen phổ biến nhất khiến chúng ta có thể trở thành một “kẻ đáng ghét” mà ai cũng muốn tránh xa.

“Ra vẻ ta đây” quen biết người nổi tiếng

Thật tuyệt khi được quen biết với vài nhân vật nổi tiếng, nhưng nếu bạn cứ lôi mối quan hệ đó ra chỉ để đánh bóng tên tuổi của mình trong bất cứ một cuộc trò chuyện nào thì bạn chẳng khác gì hơn một kẻ hợm hĩnh và ngớ ngẩn. Giống như những kẻ thích thể hiện, thay vì giúp bạn trở nên thú vị, nó sẽ khiến mọi người có cảm giác như bạn đang thiếu sự an toàn và quá để tâm đến việc khiến người khác thích mình.

Bơi vậy, thay vì cố tỏ ra mình quan trọng hay thậm chí đang đau khổ, tuyệt vọng để được người khác quan tâm thì bạn hãy trò chuyện một cách thân thiện và tự tin với thái độ đúng mực. Người đối diện sẽ nhanh chóng bị hút vào câu chuyện và sự chân thành của bạn hơn là khi bạn cố gắng cho họ thấy bạn là trung tâm của vũ trụ.

Thể hiện cảm xúc một cách thái quá

Cung cấp đánh giá cho các phản hồi 360 độ, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp ném đồ vật, la hét, khiến người khác phải khóc và nhiều hành động khác thể hiện cảm xúc một cách thái quá – dấu hiệu của trí thông minh cảm xúc thấp.

Có thể bạn cảm thấy thoải mái hơn sau khi “bùng nổ” nhưng người đối diện hoặc những ai chứng kiến cơn giẫn dữ của bạn sẽ đặt câu hỏi rằng liệu bạn có đáng tin cậy hay không và bạn có đủ khả năng để kiểm soát những vấn đề sẽ gặp phải trong công việc sau này hay không?

Bởi vậy, trước khi để bản thân trở nên ngày càng tiêu cực và bị đông nghiệp gắn mác “ nhân vật bất ổn” thì bạn hãy học cách kiểm soát những hành động và lời nói của mình.

Kẻ “khoác lác khiêm tốn”

Có rất nhiều người thích khoe khoang bản thân bằng việc giả vờ tự ti nhưng trong thâm tâm thì thầm mong được sự ngưỡng mộ của người khác. Ví dụ, một chàng trai tự chế nhạo mình đang ăn kiêng quá nghiêm ngặt nhưng thực tế thì anh ta lại muốn bạn biết rằng mình đang rất khỏe mạnh và sung sức. Một cô nàng tự chê mình là lười như hủi nhưng điểm thi vẫn cao chót vót thì cô ta đang muốn mọi người nghĩ rằng cô thật thông minh.

Trong khi nhiều người nghĩ rằng việc giả vờ tự ti có thể che giấu được tính khoác lác của mình thì trên thực tế, mọi người lại nhìn thấy điều đó rất dễ dàng. Và điều này không chỉ khiến cho người nghe thấy bạn là kẻ thích khoe khoang mà bạn còn đang cố tình đánh lừa họ nữa.

Nhắn tin khi trò chuyện

Trong một cuộc trò chuyện, không điều gì có thể khiến người đối diện mất hứng hơn là việc bạn cứ dán mắt lấy bàn phím nhắn tin hay thi thoảng lại liếc mắt nhìn giờ trên màn hình điện thoại. Khi trò chuyện, hãy tập trung lắng nghe người nói. Bạn sẽ thấy rằng những cuộc đối thoại sẽ vui vẻ và hiệu quả hơn nhiều nếu bản thân hòa mình vào chúng.

Bảo thủ

Nếu bạn muốn trở nên dễ mến, trước hết hãy cởi mở bởi sự cởi mở sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp cận với người khác và những cuộc trò chuyện cũng sẽ trở nên thú vị hơn. Đơn giản là vì chẳng ai muốn nói chuyện với một người bảo thủ và chỉ biết nói về mình mà không lắng nghe người khác.

Muốn làm được điều đó, trước hết bạn hãy thử nhìn thế giới bằng lăng kính của người khác, ít phê phán và hãy lắng nghe để thấu hiểu. Bạn sẽ thấy rằng, sự cởi mở chân thành sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi ích bất ngờ không chỉ trong môi trường làm việc mà cả trong cuộc sống hằng ngày nữa.

Ngại hỏi

Sai lầm lớn nhất mà nhiều người thường mắc phải khi hội thoại đó là quá tập trung vào những điều mình sẽ nói hoặc những gì người đối diện nói sẽ ảnh hưởng thế nào đến bản thân đến nỗi chúng ta không để ý đến những gì đang được nói. Từ ngữ đi vào tai có thể rất to và rõ ràng nhưng ý nghĩa thì lại trượt qua tâm trí.

Một trong những cách hữu hiệu để tránh tình trạng này đó là hãy hỏi nhiều câu hỏi. Đừng ngại hỏi bởi người nói luôn muốn biết rằng họ đang được lắng nghe và chỉ một câu hỏi được đặt ra cho thấy rằng bạn thực sự đang “tiếp thu” và quan tâm đến câu chuyện của họ.

Nghiêm trọng hóa mọi vấn đề

Lòng nhiệt huyết có thể giúp bạn được yêu mến nhưng nhiệt huyết thái quá có thể khiến bạn trở thành một người hoặc trầm trọng hóa mọi vấn đề hoặc mất hết hứng thú vào những sự việc đang xảy ra xung quanh vì bạn bị cuốn vào guống xoáy của công việc.

Ngược lại, những người đáng mến có thể vừa cân bằng niềm đam mê công việc mà vẫn tạo ra những giây phút thư giãn, vui vẻ. Điều đó phần nào được thể hiện ở sự nghiêm túc những vẫn rất thân thiện và thoải mái nơi công sở, ở hiệu quả công việc mà không phải tốn quá nhiều thời gian và ở việc tận dụng tốt thời gian vào những mối quan hệ chất lượng.

Ngồi lê đôi mách

Nếu ai thích ngồi lê đôi mách, kẻ đó đang tự họa chính mình thành một bức chân dung xấu xí. Bởi việc nói xấu và moi móc lỗi lầm hay những điều không hay xảy ra với người khác có thể làm tổn thương nghiêm trọng đến cảm xúc của họ. Và đương nhiên, nếu bạn ném hòn đá vào người khác thì đôi bàn tay của bạn cũng sẽ dính bẩn.

Kể lể về bản thân quá nhiều và quá sớm

Để hiểu thêm về người khác, chúng ta cần biết sẻ chia. Tuy nhiên, việc kể lể quá nhiều và quá sớm về bản thân với người mới gặp lại mang có thể đem tới những tác động tiêu cực cho bạn.

Hãy tưởng tượng, nếu bạn chỉ thích chia sẻ về cuộc sống của mình cho người khác mà không tìm hiểu về họ thì cũng đồng nghĩa với việc bạn đang xem họ như một nơi để trút hết những vấn đề của mình vậy. Do đó, trước khi chia sẻ cuộc sống riêng tư của mình với ai, bạn hãy chắc chắn rằng bạn đang chọn đúng người, đúng thời điểm và chọn lọc những thông tin vừa đủ.

Chia sẻ quá nhiều trên mạng Xã hội

Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người có thói quen chia sẻ quá mức trên các mạng Xã hội là bởi họ khao khát được chấp nhận hay thừa nhận. Trung tâm nghiên cứu Pew cũng cho thấy hiện tượng này không những không làm cho người “nghiện mạng Xã hội” tốt hơn mà nó khiến cho người khác trở nên ghét họ.

Chia sẻ cảm xúc trên các phương tiện truyền thông Xã hội không có gì là sai trái, tuy nhiên trước khi đăng một nội dung nào đó, chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo và biết kiềm chế những cảm xúc quá tiêu cực khiến cả bản thân lẫn người đọc cảm thấy khó chịu.

Theo Trí Thức Trẻ