Hôm nay, trong buổi hội thảo khoa học quốc tế mang tên “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, các chuyên gia đã nhân định rằng các chính sách chung và chính sách ngành trong lĩnh vực công nghiệp được ban hành trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến sự phát triển của công nghiệp Việt Nam trong 10 năm trở lại đây.
Theo đó, một loạt các số liệu đã được đưa ra như việc trong mười năm qua (2006-2015), tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,42 lần. Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp này thậm chí tăng nhanh hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới.
Đồng thời, tỷ trọng GDP công nghiệp cũng duy trì ổn định khoảng 31-32%/tổng GDP của cả nước. Trong nhiều năm, lĩnh vực công nghiệp có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân.
Ở mặt đóng góp vào cán cân thương mại thì sau gần mười năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp đã tăng gấp 3,5 lần. Cơ cấu xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chuyển dịch tích cực, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm tỷ trọng chủ yếu và tăng liên tục (năm 2007 chiếm 78%, năm 2015 tăng lên chiếm 97,3%).
Có thể nói, phát triển công nghiệp trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân. Hiện nay, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân trong nước đóng góp ngày càng lớn vào đầu tư phát triển công nghiệp của đất nước.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển công nghiệp đất nước cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Trong số đó, nổi bật nhất là công nghiệp nước ta đang ở trình độ thấp, chủ yếu đang phát triển theo chiều rộng, nội lực còn yếu, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vốn nước ngoài (FDI), sự liên kết giữa các FDI với các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế; Tăng trưởng sản xuất công nghiệp chưa cao, thiếu bền vững.
Năng suất lao động công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến – chế tạo còn ở mức thấp. So với các quốc gia trong khu vực, NSLĐ công nghiệp của Việt Nam, nhất là NSLĐ ngành công nghiệp chế biến chế tạo còn khá thấp (Malaysia có mức NSLĐ ngành chế biến chế tạo cao gấp 6,4 lần, Thái Lan cao gấp 6,4 lần, Philippines cao gấp 3,6 lần).
Ngoài ra, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng ngành công nghiệp vẫn còn khá thấp, gia tăng vốn và lao động vẫn đóng góp chủ yếu, đóng góp của yếu tố công nghệ đối với tăng năng suất của ngành chế biến chế tạo chỉ chiếm khoảng 11,1%.
Thông cáo của hội nghị kết luận rằng dù công nghiệp nước ta đã đi lên, là lá cờ đầu trong dẫn dắt sự tăng trưởng nhưng nếu so sánh trong khu vực, nền công nghiệp nước ta vẫn còn cần nhiều sự cố gắng.
Theo Trí Thức Trẻ