Chuyện doanh nghiệp ôtô Nhật Bản muốn “rút lui”: Làm thật hay đòn gió?

Mới đây, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đã đưa ra thông tin một số doanh nghiệp sản xuất ôtô Nhật Bản đang cân nhắc việc rời Việt Nam để sang một số nước lân cận, bởi ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô Việt Nam 10 năm vẫn “bế tắc”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây chỉ là cách biện minh.


Ảnh minh họa
Sao đổ lỗi hoàn toàn cho Việt Nam?

Trong họp báo gần đây, ông Takimoto Koji đại diện cho JETRO lý giải một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp ôtô Nhật không còn “mặn mà” đầu tư là bởi ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô Việt Nam không có dấu hiệu phát triển.

JETRO viện dẫn sau 10 năm, ngành công nghiệp này vẫn ì ạch, tỷ lệ nội địa hoá ôtô vẫn thấp, phần lớn các sản phẩm linh kiện của công nghệ phụ trợ đều phải nhập khẩu khiến chi phí tăng rất nhiều. Việc này khi được đặt trong bối cảnh năm 2018, ASEAN thực hiện chính sách miễn thuế, thuế nhập khẩu ôtô về 0%, ôtô giá rẻ ngập tràn Việt Nam, các công ty Nhật sẽ khó lòng cạnh tranh được.

Trao đổi vấn đề này với PGS.TS Nguyễn Minh Phong (ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội) ông cho biết việc rút đi của các doanh nghiệp Nhật chỉ là chuyện sớm hay muộn, không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi đây là quyền tự do của các doanh nghiêp, cũng là biểu hiện của kinh tế thị trường.

“Họ cân nhắc tính toán ở đâu lợi hơn thì họ làm thôi. Vấn đề này Chính phủ cũng đã nhìn được trước khi quyết định hạ thuế để tăng tính cạnh tranh”, ông nói.

Chuyên gia kinh tế này cho rằng Việt Nam không nên cảm thấy “nặng nề” với thông tin này. Trên thực tế, Việt Nam đã hỗ trợ, bảo hộ rất nhiều cho các doanh nghiệp Nhật, nhưng họ không chịu phát triển nội địa hoá. Như vậy, lý do họ đưa ra để “bỏ đi” là không thuyết phục, chỉ là hình thức để biện minh và đang đổ hoàn toàn trách nhiệm cho phía Việt Nam.

“Chúng ta đã hỗ trợ đóng cửa bảo hộ suốt mấy chục năm nhưng họ không phát triển hoặc không muốn phát triển. Việt Nam vẫn cần phải thực hiện lộ trình hội nhập với các chính sách cạnh tranh chung, vì cộng đồng. Họ bỏ đi là chuyện bình thường thường, không cần quá nặng nề. Quan trọng là chúng ta phải có một môi trường kinh doanh lành mạnh, công khai, minh bạch, lúc đấy tự khắc có nhiều doanh nghiệp khác, như Nga chẳng hạn, tìm đến”, ông Lê Minh Phong cho biết.

Chỉ là cách gây áp lực?

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại cho rằng thông tin đưa ra từ phía JETRO có thể là một cách gây áp lực lên Chính phủ Việt Nam.

“JETRO khi nói đến việc doanh nghiệp Nhật bản rời đi, nhưng lại không nói cụ thể là doanh nghiệp nào, có khả năng đây là đòn cân não nhằm gây áp lực đối với Chính phủ. Hiện họ đang có đề nghị giảm thuế đối với linh kiện nhập vào để tiếp tục thực hiện lắp ráp”, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết.

Khi được hỏi tác động đối với kinh tế Việt Nam nếu doanh nghiệp Nhật Bản thực sự rút đi, vị chuyên gia này đánh giá là không đáng kể. Bởi lẽ, xu hướng hiện tại là toàn cầu hoá, không doanh nghiệp này thì sẽ có doanh nghiệp khác, chỉ cần Việt Nam đảm bảo là một thị trường đầu tư hấp dẫn với được môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đảm bảo được lợi ích lâu dài của nó. Có thể trong ngắn hạn, việc rút đi này sẽ tác động lên GDP Việt Nam cũng như yếu tố việc làm nhưng về dài hạn, sẽ lại được cân bằng.

Trên thực tế, hầu hết các hãng ôtô đều đánh giá thị trường ô tô Việt Nam về dài hạn là rất tiềm năng.

Xét về thị trường, nghiên cứu của IPSI cho thấy Việt Nam hiện được đánh giá là một trong ba thị trường có tiềm năng tiêu thụ ôtô lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, bên cạnh Indonesia và Philippines.

Được biết, thị trường ôtô được đánh giá tiềm năng là dựa vào quốc gia đó có tỷ lệ người sở hữu xe dưới mức 250 xe/1.000 người dân. Dựa vào cách tính này thì Malaysia (hiện đã trên 400 xe/1.000 dân) và Thái Lan (trên 250 xe/1.000 dân) là đang ở giai đoạn bão hòa, không còn tiềm năng. Trong khi đó, Việt Nam chỉ mới ở ngưỡng gần 50 xe/1.000 dân.

Đặc biệt, theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngày, khoảng 2 năm nay, thị trường ôtô Việt Nam có chiều hướng tăng trưởng mạnh và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn motorization (ôtô hóa) khi nhu cầu sở hữu ôtô của người dân sẽ tăng cao.

“Vậy có sợ vì thị trường sắp tràn ngập ôtô giá rẻ khi ASEAN đưa thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2018 khiến cho doanh nghiệp nước ngoài không còn muốn sản xuất ôtô hay không?”.

“Tôi khẳng định Việt Nam đừng có mơ ô tô giá rẻ. Một ô tô cõng trên đầu 10 loại thuế và phí. Ví dụ cụ thể là xe Ấn, nhập vào khoảng 84 triệu đồng, giá bán lẻ trên thị trường gấp 5 lần, xấp xỉ 400 trăm triệu đồng/chiếc”, ông Ngô Trí Long trả lời.

Theo Trí Thức Trẻ