Thứ tình cảm tình đẹp đẽ nhất tồn tại giữa con người với con người, có lẽ không gì khác chính là tình yêu.
Trong hàng triệu năm qua, có lẽ nó là thứ bất biến nhất trong vũ trụ: Những cặp nam thanh nữ tú hòa quyện đam mê trong tình yêu, các nhà sáng tác lấy tình yêu như một đề tài bất tận cho những tác phẩm thơ ca, hội họa và, không phải ngẫu nhiên mà Kinh thánh đã chọn tình yêu của Adam và Eva như là sự khởi đầu đẹp nhất của loài người.
Bắt đầu xuất hiện từ những thế kỷ 17, 18, các nhà kinh tế học, bên cạnh những dòng suy nghĩ chính thống về kinh tế, cũng rất tò mò về tình yêu với câu hỏi: “Tại sao con người lại yêu nhau ?”
Và cho đến nay, đã có 2 lý thuyết đủ tốt ra đời để giải thích cho tất cả những cung bậc cảm xúc của yêu, thương, hờn, giận…của tình yêu là Homo Economicus (Con người kinh tế) và Homo Reciprocans (Con người tương hỗ).
Hôm nay là ngày 13/2 – một ngày cho đến ngày cả thế giới ca tụng tình yêu. Đây là thời điểm hoàn hảo để chúng ta xem xét 2 lý thuyết này, qua đó hiểu hơn về hành vi của chính mình trong tình yêu.
“Con người kinh tế” – Nơi tình yêu thực dụng ngự trị
Theo các nhà kinh tế, lý thuyết “Con người kinh tế”, thì chúng ta luôn hành động dựa trên những so sánh về chi phí và lợi ích của tất cả các hành động, bao gồm cả chi phí cơ hội, và quy tắc khan hiếm nguồn lực.
Nói tóm lại là chúng ta luôn tính toán làm sao để mình được lợi nhất trước mọi vấn đề. Sự đo lường lợi ích đó, một cách hiện thức nhất, chính là việc đo lường bằng tiền và thời gian.
Tình yêu cũng là tương tự, khi bạn có thể chi phí hóa xem một buổi hẹn hò 3 tiếng đồng hồ vào tối Valentine sắp tới đã tiêu tốn của bạn bao nhiều tiền và bao nhiêu thời gian. Bạn cũng có thể chi phí hóa để xem chiến dịch theo đuổi một cô gái mình thích sẽ ngốn của bạn bao nhiêu tiền và bao nhiêu thời gian. Và, bạn cũng có thể chi phi hóa để xem việc quyết định lấy một cô gái về làm vợ sẽ tiêu tốn của bạn bao nhiêu tiền và bao nhiêu thời gian trong dài hạn, nhất là khi so với việc bạn chọn độc thân. Lật lại vấn đề, nếu bạn dành thời gian và tiền bạc đó để tích cóp, để làm việc thì rất có thể bạn sẽ sớm có nhà cửa, ô tô và sớm thành công hơn trên con đường sự nghiệp.
Những điều trên giống như ví dụ về “Free Lunch – Bữa trưa miễn phí”, mọi thứ đều có cái giá của nó, thời gian cũng là tiền và chi phí cho tình yêu không chỉ là chi phí nhìn thấy ngay bằng hiện vật mà còn là chi phí cơ hội.
Và như thế, cách yêu tốt nhất đối với những người theo chủ nghĩa “Con người kinh tế” là quan hệ tình dục nhanh chóng nếu họ không muốn mất thời gian trước và sau khi lên giường (tìm hiểu, cưa cẩm hôn nhân, sinh con). Nói cách khác, “Con người kinh tế” ủng hộ việc sẽ kết hôn với người có chỉ số lợi ích cao nhất, chứ không phải luôn là người mình yêu.
Từ đó, mọi cuộc hôn nhân, theo lý thuyết này chỉ là sự tính toán. Nhà kinh tế học Gary Becker đã chỉ ra một thực tế rằng hầu hết các cá nhân đều lựa chọn đối phương, đối tác, đồng nghiệp hay bạn tình trăm năm dựa trên những lựa chọn có tính toán, bao gồm chi phí và lợi ích từ các mối quan hệ này.
Ngay cả những lời mật ngọt giả dối hay thật lòng, một bó hoa, một bài thơ đề tặng cũng đính kèm chi phí và lợi ích của nó. Hầu như không có hành động nào không thể quy đổi chi phí và lợi ích ra tiền bạc, trừ khi chúng ta lờ đi điều đó.
Vậy tình yêu thực sự thì sao ? ”Con người kinh tế” dạy chúng ta rằng thứ đó là màu mè. Muốn yêu và được yêu thì cũng không cần đến tình yêu đâu, thay vào đó, chúng ta có thể “tự yêu” mình bằng nhiều cách như tự làm đẹp, tự giải trí và tự làm nhiều thứ khác để cuộc sống này đáng sống hơn.
“Con người tương hỗ” – Nơi tình yêu của cảm tính ngự trị
Liệu “Con người kinh tế” có phải là toàn bộ câu chuyện của tình yêu trên thế giới này ? Có vẻ như không phải, bởi lẽ nếu thế toàn bộ những câu chuyện, như Romeo và Juliet hay Ngưu Lang và Chức Nữ, truyền tải lòng ngưỡng mộ tình yêu của các đấng người đi trước chúng ta chỉ đáng bỏ vào sọt rác!!!
Bản chất đặc trưng sinh học của con người là hành động cảm tính, không suy nghĩ quá nhiều về hậu quả, không đo đếm các chi phí và lợi ích tiềm năng có được. Vì thế, các nhà kinh tế sau đó cũng đưa ra một lý thuyết mang tên “Con người tương hỗ”.
Trái với “con người kinh tế”, “con người tương hỗ” lại cho rằng con người chúng ta có tính tương tác với đồng loại, hành động dựa trên lợi ích chung thay vì lợi ích của cá nhân, thậm chí ra nhiều khi quyết định khi không có lợi ích hoặc lợi ích là số âm.
Trong tình yêu và mọi khía cạnh khác, “con người tương hỗ” hành động theo trái tim chứ không phải là khối óc hay theo những cung bậc cảm xúc nhất thời.
Thậm chí, trong tình yêu con người ta có thể đánh mất hoàn toàn lý trí chỉ vì đối phương. Họ luôn mơ về một tương lại xa vời nơi tình yêu vẫn còn tồn tại bền chặt. Mọi lợi ích kinh tế, phải nói rằng là hoàn toàn vô nghĩa trong trường hợp này.
Vậy, liệu rằng đây có phải chăng là thứ tình yêu mà mọi người vẫn thường ca ngợi ?
Để lý giải rõ hơn, hãy lấy một vài ví dụ về trào lưu “hậu tình yêu” đang có gần đây – trào lưu chia tay thì đòi quà. Câu chuyện thường là anh người yêu đòi lại quà từ cô bạn gái sau khi tình yêu đã kết thúc (hoặc ngược lại).
Theo quan niệm chung, có vẻ như cả chàng trai lẫn cô bạn gái đều là những “con người kinh tế”, chỉ nghĩ tới vật chất khi mà cô gái đã “yêu thực dụng”, nhận hết món quà này đến món quà khác khi yêu, còn chàng trai không ăn được thì … “đòi lại quà”.
Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả những hành động này đều có thể lý giải hợp lý bởi “con người tương hỗ”, vì rõ ràng, đã không còn yêu nhau vì tin rằng cái kết cuối cùng sẽ chẳng đẹp đẽ thì nên chia tay. Mà chia tay thì 2 kẻ từng đầu gối tay ấp này chỉ đều là người dung tất thảy, việc đòi lại quà như lấy lại những giá trị vật chất thuộc về mình thì có gì sai ?
Vậy, Trong tình yêu, bạn chọn là “con người kinh tế” hay “con người tương hỗ” ?
Theo Trí Thức Trẻ